Với mục tiêu đảm bảo cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số có đủ kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục, tạo tiền đề để các em học tập, tiếp thu kiến thức ở các cấp học tiếp theo, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số.
Trường mầm non Đạo Trù, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo có tống số 372 trẻ, trong 90% trẻ em là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Sán Dìu. Để rèn luyện cho trẻ có kỹ năng nghe, hiểu, sử dụng thành thạo tiếng Việt, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên tìm hiểu, tiếp xúc gần gũi, chú ý dạy trẻ nói câu đầy đủ, sửa lỗi cho trẻ ở những từ phát âm khó và tật nói ngọng, rèn cho trẻ sự tự tin trong giao tiếp bằng tiếng Việt. Đồng thời, xây dựng môi trường học trong lớp tích cực thông qua các hoạt động vui chơi theo nhóm giúp trẻ hoàn thiện kĩ năng phát triển ngôn ngữ.
Để làm tốt công tác giảng dạy, ngay từ đầu năm học, Trường tiểu học Vĩnh Thành, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo đã xây dựng kế hoạch cụ thể tới giáo viên từng lớp học đặc biệt là học sinh lớp 1. Đây là giai đoạn quan trọng giúp các em có thể hoàn thành tốt các kỹ năng cơ bản trong chương trình giáo dục. Với tỉ lệ số học sinh dân tộc thiểu số chiếm tới 87%, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chú trọng tới nội dung đọc, viết: âm, vần, ghép vần, tiếng, từ, câu, đoạn đơn giản. Thường xuyên kiểm tra, chữa bài và động viên học sinh.
Việc quan tâm sát sao tới công tác dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số là rất cần thiết, là tiền đề giúp các em có thể hòa nhập với xã hội và phát triển năng lực bản thân ở các cấp bậc tiếp theo.
Thanh Hằng