Do công ty không thu hút được nhiều người mua hàng, Lê Xuân Giang thuê nhà sư làm giả bằng khen của Thủ tướng Chính phủ rồi làm lễ đón nhận rầm rộ, khuếch trương, đánh bóng tên tuổi.
Thuê nhà sư làm giả Bằng khen của Thủ tướng
Tại phiên xử các bị cáo trong ổ nhóm đa cấp Liên Kết Việt, "ông trùm" Lê Xuân Giang khai, bản thân phục vụ trong quân đội 11 năm, đến năm 2002 thì xuất ngũ.
Tháng 4/2005, Giang thành lập Công ty CP tập đoàn thiết bị y tế BQP với số vốn 1,5 tỷ đồng, sản xuất máy khử độc Ozone và thiết bị vật lý trị liệu cùng 5 loại thực phẩm chức năng. 5 năm sau, Giang tiếp tục lập Công ty CP Liên Kết Việt với vốn gần 10 tỷ, kinh doanh đa cấp.
Dù có giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp nhưng Cty Liên kết Việt không thu hút được nhiều người mua hàng, doanh thu bán hàng thấp.
"Ông trùm" Liên Kết Việt Lê Xuân Giang.
Tháng 10/2014, Giang gặp nhà sư Phạm Văn Út (tu tại chùa Linh Sơn, TPHCM), đặt nhà sư này làm giả các quyết định, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Cty Liên kết Việt, Cty BQP và một số cá nhân của công ty với giá 31 triệu đồng.
Sau khi Phạm Văn Út làm xong các quyết định và bằng khen giả trên, Giang chỉ đạo tổ chức đón nhận rầm rộ tại các buổi tôn vinh, nhằm khuếch trương hình ảnh, đánh lừa các các bị hại để họ nhầm tưởng Cty Liên kết Việt là công ty kinh doanh đúng pháp luật, có lợi nhuận cao, có nhiều đóng góp cho Nhà nước.
Trả lời HĐXX, bị cáo Giang nói không nhớ chi tiết đã thu bao nhiêu tiền của bao nhiêu bị hại. Tuy nhiên, "ông trùm" Liên Kết Việt phủ nhận cáo buộc đã thu gần 2.100 tỷ đồng của 68.000 bị hại vì thực tế nhiều khách hàng có mã số ảo.
Theo lời bị cáo Giang, quá trình điều hành hoạt động, Giang chỉ chấp nhận những khách hàng có hợp đồng cụ thể và phiếu thu chứng minh việc nộp tiền, không chấp nhận các khách hàng ảo.
Số tiền thu được của khách hàng, Giang khai dùng 61 tỷ đồng đưa cho người khác mang đi đầu tư, dùng hơn 1,7 tỷ đồng đưa cho người khác mua vàng để làm giải thưởng cho khách hàng... Bị cáo không dùng tiền để chi tiêu cá nhân hay cho người thân trong gia đình.
Buổi xét xử đầu tiên, rất đông bị hại đến theo dõi phiên tòa. Tuy nhiên, số lượng giảm đi nhanh chóng tại các buổi xét xử sau đó.
Không thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật, bị cáo Giang cho rằng mình đã tạo việc làm cho nhiều người và hệ thống đa cấp của Cty Liên kết Việt là sân chơi bình đẳng, mọi người cùng tham gia và được trả hoa hồng đầy đủ.
Vẫn theo lời bị cáo Giang, trước khi bị bắt, hàng nghìn người kéo đến nhà và công ty Giang để đòi nợ, khiến bị cáo chịu nhiều áp lực, phải bán cả căn biệt thự để lấy tiền trả nợ. Có lúc, bị cáo còn bị nhà đầu tư thuê "xã hội đen" đến đòi tiền.
Phó Giám đốc nhận lương 2,2 tỷ đồng/tháng
Trước tòa, cựu Phó Tổng giám đốc kinh doanh Cty Liên Kết Việt Nguyễn Thị Thủy phủ nhận toàn bộ cáo buộc.
Thủy khai, bản thân Thủy là một trong những khách hàng đầu tiên mua hàng của Liên Kết Việt. Tháng 4/2014, Thủy được Giang thuê về làm nhân viên tư vấn, không giữ bất cứ chức vụ nào. Nhiệm vụ của Thủy là trả lời của khách hàng về sản phẩm, công ty và chính sách trả thưởng dựa vào thông tin Giang cung cấp và chỉ đạo.
Thủy khẳng định khách có mua hàng hay không là tự nguyện. Bản thân Thủy không tác động, thuyết phục và cũng không trực tiếp thu tiền, mà bộ phận nhân viên khác làm việc này.
Theo cáo buộc, với mỗi khách đăng ký mã hàng 7 triệu đồng, Thủy được trích hưởng 90.000 đồng, cộng với hoa hồng và các loại tiền thưởng khác, tổng cộng Thủy chiếm hưởng 38 tỷ đồng trong 17 tháng, trung bình mỗi tháng Thủy nhận 2,2 tỷ đồng.
Bị HĐXX truy vấn tại sao chỉ tư vấn lại được hưởng nhiều lợi nhuận, Thủy nói không rõ, chỉ nhận theo chính sách của công ty và 15 chương trình khuyến mại do Giang và Tú (bị cáo Lê Văn Tú, cựu TGĐ Liên Kết Việt - PV) phê duyệt, Thủy không liên quan.
Tuy nhiên, 4 thành viên nhóm phát triển thị trường Cty Liên Kết Việt là Vũ Thị Hồng Dung, Nguyễn Xuân Trường, Lê Thanh Sơn và Trịnh Xuân Sáng đều xác nhận, trước đó không quen biết Giang mà được Thủy rủ về Liên kết Việt làm việc giữa năm 2014. Thủy là trưởng nhóm, chỉ đạo toàn bộ ekip.
Trong đó, bị cáo Dung được Giang và Thủy phân công phụ trách thuyết trình, lôi kéo bị hại trên danh nghĩa "dạy kỹ năng mềm". Dung khẳng định không tuyên truyền bất cứ thông tin sai lệch nào về pháp nhân của công ty để lôi kéo bị hại, chỉ giảng dạy mọi người cách "tin và yêu cuộc sống", song được trả hơn 4 tỷ đồng trong 13 tháng, trung bình tháng hơn 300 triệu đồng.
"Tôi phạm tội khách quan, không biết Giang và Liên Kết Việt lừa đảo cho đến khi bị bắt!" - bị cáo Dung nói trong nước mắt.
Trả lời HĐXX, bị cáo Trường khai, bản thân là người trực tiếp xây dựng nội dung và thuyết trình về công ty, lãnh đạo và phương pháp kinh doanh, chế độ hoa hồng tới các bị hại, mỗi tuần, từ 3 đến 4 buổi với quy mô 1.000 đến 2.000 người tham dự. Bị cáo này phủ nhận việc thuyết trình sai lệch về công ty và chính sách trả thưởng.
Tuy nhiên, theo cáo buộc, tại cơ quan điều tra, các bị hại đều khẳng định được Trường hứa hẹn nộp 7 triệu đồng sẽ nhận 204 triệu đồng, nhiều nhất, nếu đóng 1,3 tỷ đồng sẽ thu về 450 tỷ đồng.
HĐXX phân tích, việc Trường tuyên truyền thông tin không đúng, như BQP là doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng và cho trình chiếu các Bằng khen giả của Thủ tướng là để lôi kéo bị hại nộp tiền, bản chất là lừa đảo.
Theo Tiến Nguyên/dantri.com.vn - Ngày 23/12/2020