Cập nhật: 23/12/2020 14:15:00
Xem cỡ chữ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.

Ngày 22/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Chính phủ và Tổng thống Hoa Kỳ đã trao đổi về việc Cơ quan Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) đang tiến hành điều tra chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam theo Điều khoản 301 của Luật Thương mại năm 1974 của Hoa Kỳ. Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam là nước đang phát triển, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.

Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí giao các Bộ, ngành Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác, giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Hoa Kỳ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các Bộ, ngành hữu quan làm việc với các đối tác Mỹ để “cùng xử lý tồn tại, vướng mắc, duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi cho cả đôi bên”, ngay sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ định danh Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ.

Trước đó, tại một cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng  một lần nữa nhấn mạnh quan điểm Việt Nam “không thao túng tiền tệ” như kết luận của Bộ Tài chính Mỹ ngày 16/12; nói rằng “Chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam là để ổn định kinh tế vĩ mô, không phải hạ giá tiền tệ có lợi thế thương mại không công bằng”.

Việt Nam và Mỹ sẽ trao đổi vào cuối tháng về các vấn đề thương mại. Bộ Công Thương cho rằng “hai bên duy trì các cuộc thương thảo vào lúc này là vô cùng quan trọng”./.

Ngày 17/12/2020, một ngày sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” trong đó nhận định Việt Nam, cùng với Thụy Sĩ, là đang thao túng tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khẳng định rằng các chính sách tiền tệ của Việt Nam, được ban hành vì nhiều mục đích kinh tế vĩ mô khác nhau, nhưng chắc chắn "không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng”./.

Theo PV/VOV.VNNgày 23/12/2020