Du lịch canh nông là sản phẩm du lịch mới của Đà Lạt – Lâm Đồng đã gây ấn tượng tốt và thu hút rất đông du khách đến tham quan và trải nghiệm, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế cho ngành du lịch mũi nhọn của địa phương.
Tuy nhiên, qua 5 năm thí điểm, việc mở rộng và phát triển mô hình du lịch canh nông của Đà Lạt – Lâm Đồng đã bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế. Do đó, Lâm Đồng buộc phải tạm ngưng việc chấp thuận chủ trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng điểm du lịch canh nông trong toàn tỉnh.
Thời gian qua, điểm tham quan du lịch canh nông Vườn bí ngô khổng lồ ở đường Hồ Xuân Hương, phường 9, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) luôn thu hút đông du khách đến tham quan. Tại đây, không chỉ trồng những giống bí cho quả khổng lồ, chủ trang trại còn sưu tầm và trồng nhiều giống bí ngô độc lạ, các loại rau củ quả đặc trưng của Đà Lạt.
Chị Nguyễn Ánh Minh, du khách đến từ TP HCM cho rằng, không có gì thú vị hơn khi được tận mắt chứng kiến những quả bí khổng lồ, được tự tay mình chọn hái, nếm thử hương vị của một số loại rau, củ, quả Đà Lạt. Với chị, kể từ sau đợt bùng phát dịch Covid-19 đến nay, đợt nghỉ dưỡng này đã mang lại nhiều cảm xúc: “Em rất thích ghé những điểm du lịch canh nông như thế này. Mình được tìm hiểu cách trồng, nhiều loại giống mới nữa. Mỗi lần đến tham quan thì đều thấy thêm điểm mới, như lần này thì chủ vườn lại trưng bày thêm nhiều loại giống bí mới rất thú vị. Em giới thiệu cho nhiều bạn ghé tham quan thì họ đều rất thích”.
Còn với du khách Nguyễn Thị Nhung, khi đến tham quan và tự tay mình chọn hái những quả dâu tây chín đỏ tại một điểm du lịch canh nông trên địa bàn phường 8, TP Đà Lạt là một trải nghiệm mới đầy ấn tượng. Tại đây, ngoài được trải nghiệm công việc của một nhà nông, chị và nhóm bạn của mình đã chụp rất nhiều ảnh, lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ của chuyến du lịch này.
“Mình cảm thấy rất thích thú khi đến tham quan điểm du lịch vườn như thế này. Bởi khi đến nơi đây mình đã được tận mắt chứng kiến cây trồng nó được sinh trưởng và phát triển trong môi trường như thế nào. Qua đó, mình mới biết rõ được công nghệ trồng theo hướng sạch là gì, mang lại sản phẩm đạt chất lượng an toàn cho người tiêu dùng ra sao.”, chị Nhung chia sẻ.
Nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên tạo ra những sản phẩm mới phục vụ du lịch, tạo thêm nguồn thu nhập, giải quyết việc làm và quảng bá sản phẩm nông nghiệp của địa phương, cuối năm 2015, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh.
Qua 5 năm thực hiện, đến nay, Lâm Đồng đã có 33 điểm du lịch canh nông được cấp giấy chứng nhận và đi vào hoạt động, hơn 10 điểm khác đang đầu tư xây dựng, với tổng lượng khách đến tham quan, trải nghiệm đạt gần 4,3 triệu lượt khách và doanh thu từ các mô hình đạt gần 200 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 20 tỷ đồng.
Theo ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, do Lâm Đồng là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm mô hình du lịch canh nông, kết hợp du lịch và sản xuất nông nghiệp nên đã bộc lộ nhiều bất cập, trong đó khó khăn lớn nhất hiện nay là việc quản lý trật tự xây dựng tại các điểm du lịch canh nông này. Đã phát sinh tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc phát triển loại hình du lịch mới này để đầu tư, kinh doanh bất động sản… khiến việc quản lý tài nguyên đất đai, trật tự đô thị càng thêm khó kiểm soát.
Ông Phạm S, nói: “Trong quá trình thí điểm thì đã bộc lộ nhiều hạn chế, đó là một số điểm phát triển quá nhỏ, không đủ điều kiện về hạ tầng phục vụ du khách, làm cho du khách phàn nàn và ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt. Nhiều đơn vị lợi dụng phát triển mô hình để xây dựng nhiều công trình lớn trên đất nông nghiệp trái phép. Vấn đề nữa là có sự manh nha xây dựng các cơ sở lưu trú ngay trong điểm du lịch canh nông của mình, tạo ra giá trị bất động sản ảo, trong khi chưa phân cấp nào quản lý. Nếu không tạm dừng cấp phép thì sẽ ảnh hưởng lớn đến vấn đề quản lý đất đai, tài nguyên du lịch của TP Đà Lạt”.
Là vùng đất khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm, Đà Lạt – Lâm Đồng có tiềm năng và thế mạnh để phát triển các loại rau củ quả đặc trưng, cùng với việc chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã làm cho ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ. Đây chính là điều kiện cần và đủ, là lợi thế hiếm có để Đà Lạt – Lâm Đồng phát triển mạnh du lịch canh nông và kéo theo các ngành kinh tế khác. Vì vậy, UBND tỉnh Lâm Đồng đang chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung rà soát, xây dựng và điều chỉnh các tiêu chí phù hợp để chấn chỉnh những bất cập, đưa mô hình du lịch canh nông phát triển bền vững trong thời gian tới./.
Theo Quang Sáng/VOV-Tây Nguyên - Ngày 25/12/2020