Sáng 31/12, tại Trung tâm tổ chức Hội nghị tỉnh Quảng Ninh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện các bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; các cơ quan chủ quản báo chí Trung ương; Lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố. Dự Hội nghị về phía Tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Bùi Huy Vĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Năm 2020 công tác báo chí đã đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện, thể hiện sự đổi mới rõ nét về chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nội dung thông tin, quản lý Nhà nước, kịp thời đưa tin chính xác về các sự kiện lớn của đất nước, định hướng dư luận xã hội. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng yêu cầu: Các cơ quan quản lý báo chí và cơ quan báo chí trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: đào tạo, nâng cao trình độ, nghiệp vụ và định hướng tư tưởng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước với hoạt động báo chí, bảo đảm các cơ quan báo - tạp chí hoạt động đúng tôn chỉ, chức năng, nhiệm vụ; khẩn trương hoàn thiện quy hoạch báo chí đến năm 2025; chủ động thông tin để phản ánh kịp thời, chính xác, khách quan các vấn đề xã hội; tập trung tuyên truyền về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về quản lý báo chí không còn phù hợp. Các cấp ủy Đảng, cơ quan chủ quản báo chí cần nâng cao vai trò quản lý, hoạt động báo chí cũng như giáo dục, đào tạo về tư tưởng đối với đội ngũ làm báo; nhận diện, đánh giá đúng để có biện pháp khắc phục, hạn chế tình trạng "báo hóa" tạp chí và báo cáo hóa báo chí.
Tính đến nay, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Có 2 địa phương đã chuyển đổi sang mô hình tòa soạn hội tụ, là Trung tâm truyền thông Quảng Ninh và Đài PT-TH; Báo Bình Phước. Năm 2020, sự phát triển mạnh mẽ truyền thông xã hội trên không gian mạng cùng những khó khăn của kinh tế, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, số lượng phát hành và quảng cáo giảm mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế báo chí./.
Đặng Thưởng