Cập nhật: 02/01/2021 18:18:00
Xem cỡ chữ

Các cơn đau tim thường có một danh sách các triệu chứng kinh điển: đau ngực, khó thở và cảm giác có gì đó đè nặng lên ngực. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy.

Các cơn đau tim thầm lặng, hay nhồi máu cơ tim thầm lặng (SMI), được gọi là "thầm lặng" vì các triệu chứng rất nhẹ nên mọi người thường không nhận ra.

Nhưng điều đó không có nghĩa là có thể bỏ qua cơn đau tim thầm lặng - các chuyên gia y tế cho biết nó cũng nguy hiểm như cơn đau tim truyền thống. Dưới đây là cách nhận biết liệu bạn có đang bị cơn đau tim thầm lặng hay không và phải làm gì.

Cơn đau tim thầm lặng là gì?

Một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên tạp chí Circulation bao gồm gần 10.000 người tham gia đã so sánh cơn đau tim thầm lặng và cơn đau tim truyền thống, kết quả cho thấy các cơn đau tim thầm lặng chiếm gần một nửa tổng số cơn đau tim.

Có những trường hợp người bệnh không có triệu chứng khi bị cơn đau tim thầm lặng. Nhưng thông thường, có một vài triệu chứng nhẹ khó nhận biết.

Các dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim thầm lặng - 1

Theo Hội Bác sĩ Gia đình Mỹ (AAFP), những triệu chứng này bao gồm mệt mỏi, ợ nóng, khó chịu ở ngực, lưng hoặc hàm và khó thở. Cơn đau tim truyền thống có thể có các triệu chứng tương tự, nhưng cũng thường bao gồm cảm giác bị tức nặng hoặc đau ở ngực, cánh tay, cổ, lưng và/hoặc hàm.

Hơn nữa, các triệu chứng của cơn đau tim thầm lặng có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với một số bệnh khác, chẳng hạn như chứng khó tiêu, tập nặng hoặc thậm chí đau răng. Và mặc dù các triệu chứng có thể không nghiêm trọng, cơn đau tim thầm lặng cũng nghiêm trọng như bất kỳ cơn đau tim nào khác.

Những cơn đau tim thầm lặng rất nguy hiểm

Các cơn đau tim - cả thầm lặng hoặc truyền thống - xảy ra khi lượng máu đến tim không đủ. Và, cơn đau tim thầm lặng cũng nguy hiểm như một cơn đau tim truyền thống. Nó làm tăng khả năng bị một cơn đau tim khác, cũng như khả năng bị suy tim.

Điều quan trọng là phải làm thông động mạch tim bị tắc nghẽn ngay sau khi nó bị tắc nghẽn để không bị giảm lưu lượng máu và cuối cùng là mô sẹo có thể làm suy giảm khả năng hoạt động bình thường của tim.

Trong khi nghiên cứu Circulation cho thấy các cơn đau tim thầm lặng phổ biến hơn ở nam giới so với phụ nữ, nó cũng cho thấy phụ nữ dễ tử vong do cơn đau tim hơn. Điều này có thể là do phụ nữ - và bác sĩ của họ - không xem xét các triệu chứng đủ nghiêm túc.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng các cơn đau tim thầm lặng hay gặp hơn ở người lớn tuổi mắc đái tháo đường. Ví dụ, trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2012 trên tờ Journal of the American Medical Association, 14% trong số 337 người mắc đái tháo đường có cơn đau tim thầm lặng so với 9% quần thể này bị cơn đau tim truyền thống.

Và với cơn đau tim truyền thống, các bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị bao gồm phẫu thuật, thuốc và điều chỉnh lối sống. Đó là lý do tại sao cơn đau tim thầm lặng rất đáng lo ngại. Nếu bạn không biết mình bị đau tim, bạn sẽ không tận dụng được các chiến thuật điều trị và phòng ngừa.

Hơn nữa, bạn có thể chỉ nhận ra mình bị đau tim sau khi bắt đầu có các triệu chứng suy tim vì cơn đau tim thầm lặng đã làm tổn thương cơ tim.

Cách nhận biết cơn đau tim thầm lặng

Nếu nghĩ rằng mình có thể đang gặp các triệu chứng của cơn đau tim, bạn nên đến cơ sở y tế ngay lập tức. Nhưng trong hầu hết các trường hợp đau tim thầm lặng, các triệu chứng rất nhẹ hoặc không biểu hiện đến mức người đó không nghĩ đến việc đi khám cấp cứu.

Thông thường, chẩn đoán được đưa ra trong quá trình khám sức khỏe định kỳ hoặc trong quá trình thăm khám của bác sĩ được thúc đẩy bởi các triệu chứng kéo dài như mệt mỏi, khó thở và khó tiêu.

Các yếu tố nguy cơ là giống nhau đối với cơn đau tim truyền thống và thầm lặng: Tiền sử gia đình bị đau tim, tuổi già, lựa chọn lối sống như hút thuốc hoặc tập thể dục không đủ, béo phì và các tình trạng như huyết áp cao, cholesterol cao và tiểu đường.

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị đau tim thầm lặng, thì bước tiếp theo sẽ là làm điện tâm đồ (EKG), cho biết hoạt động điện của tim và cho biết tổn thương tim do đau tim gây ra.

Theo Cẩm Tú/dantri.com.vn – Ngày 2/1/2021