Italy đã hoãn việc mở lại các khu trượt tuyết cho đến ngày 18/1 tới trong khi 4 địa phương Vùng đô thị Tokyo kiến nghị Chính phủ Nhật Bản ban bố trình trạng khẩn cấp nhằm đối phó nguy cơ dịch lây lan.
Bảng khuyến cáo người dân hãy ở trong nhà để phòng lây lan của dịch COVID-19 tại London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 ngày 3/1 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 84.968.718 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.842.967 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 60.085.678 người.
Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh với 20.904.701 ca nhiễm và 358.682 ca tử vong do COVID-19. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ và Brazil.
Tại châu Âu, Italy đã hoãn việc mở lại các khu trượt tuyết cho đến ngày 18/1 tới, sau khi các chính quyền địa phương đề nghị có thêm thời gian để đáp ứng các quy định phòng dịch mới.
Tại châu Á, Thống đốc bốn địa phương Vùng đô thị Tokyo vừa nhất trí kiến nghị Chính phủ Nhật Bản ban bố trình trạng khẩn cấp do lo ngại về tình trạng lây lan nghiêm trọng của dịch COVID-19.
Trong văn bản kiến nghị, Thống đốc Tokyo và các tỉnh Kanagawa, Saitama, Chiba cho rằng sự bùng phát mạnh của dịch COVID-19 trong thời gian gần đây đã khiến cho hệ thống y tế đứng trước nguy cơ bị quá tải nghiêm trọng.
Vấn đề cấp bách hiện nay là chính phủ và các địa phương phải phối hợp chặt chẽ để tăng cường các giải pháp kiểm soát triệt để dòng người di chuyển.
Do đó, họ kiến nghị trước mắt cần áp dụng một số biện pháp như yêu cầu người dân không ra ngoài sau 20 giờ tối, buộc các cơ sở kinh doanh, nhà hàng ăn uống phải đóng cửa trước 20 giờ, riêng cơ sở bán đồ uống có cồn phải đóng cửa trước 19 giờ…
Tại Liban, các chuyên gia y tế cảnh báo các bệnh viện nước này đang trong tình trạng quá tải khi số ca nhiễm tăng mạnh trong những ngày cuối năm. Trong ngày 2/1, Ủy ban đặc trách chống COVID-19 của Liban đã nhóm họp và khuyến nghị áp lệnh phong tỏa trong 3 tuần. Quyết định này đã nhận được sự ủng hộ Ủy ban y tế quốc hội.
Trong khi đó, Chính quyền Palestine (PA) ngày 2/1 đã thông báo quyết định kéo dài lệnh phong tỏa thêm 2 tuần, nhằm nỗ lực ngăn chặn đà lây lan nhanh của dịch COVID-19. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 3/1.
Theo đó, lệnh phong tỏa hoàn toàn sẽ tiếp tục có hiệu lực trong toàn bộ các ngày cuối tuần (thứ Sáu và thứ Bảy) và buổi tối các ngày trong tuần (từ 19 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau).
Tại châu Phi, Chính phủ Zimbabwe ngày 2/1 đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức, sau khi số ca nhiễm tại nước này tăng mạnh. Chỉ các có dịch vụ thiết yếu, như bệnh viện, nhà thuốc, siêu thị sẽ vẫn hoạt động trong 30 ngày tới.
Tại Australia, bang New South Wales (NSW) tiếp tục ghi nhận thêm 8 ca nhiễm mới, trong bối cảnh bang này bắt đầu áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội mới và bắt buộc người dân đeo khẩu trang.
Kể từ khi ổ dịch tại các vùng biển phía Bắc của thành phố Sydney, thuộc bang NSW bùng phát vào giữa tháng 12/2020, số ca nhiễm tại bang này đã tăng lên 148 ca. Với sự xuất hiện của các ổ dịch nhỏ hơn ở phía Tây và phía Nam thành phố Sydney, nhà chức trách lo ngại số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới.
Trong khi đó, bang láng giềng Victoria đã ghi nhận thêm 3 ca nhiễm mới và tất cả đều liên quan đến một nhà hàng tại thành phố Melbourne.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Australia, nước này đã ghi nhận tổng cộng hơn 28.450 ca nhiễm mới và 909 ca tử vong do COVID-19.
Hình ảnh minh họa vắcxin phòng COVID-19 do các hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp bào chế. Ảnh: (AFP/TTXVN)
Liên quan đến vấn đề vắcxin, Ủy viên châu Âu phụ trách y tế Stella Kyriakides cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng hỗ trợ các công ty mở rộng sản xuất vắcxin phòng COVID-19 để đảm bảo nguồn cung. Bà Kyriakides nêu rõ đã cung cấp 100 triệu euro (121,35 triệu USD) cho công ty BioNTech của Đức để giúp tăng cường năng lực sản xuất.
Tại Hungary, Chánh văn phòng Thủ tướng Gergely Gulyas cho biết nước này sẽ mua vắcxin ngừa COVID-19 thông qua cơ chế mua sắm của EU hoặc trực tiếp từ Trung Quốc, vì Nga không thể sản xuất đủ vắcxin để cung cấp cho khoảng 10 triệu người dân Hungary.
Tại Nga, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) ngày 2/1 cho biết nước này sẵn sàng tiến hành các thử nghiệm lâm sàng ở Ukraine, trong đó sử dụng kết hợp vắcxin ngừa COVID-19 Sputnik V với sản phẩm tương tự do hãng dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford bào chế.
Năm ngoái, RDIF, tổ chức đang tiếp thị vắcxin Sputnik V của Nga ở nước ngoài, đã tuyên bố tiến hành những cuộc thử nghiệm sử dụng kết hợp vắcxin của AstraZeneca với Sputnik V để nghiên cứu về khả năng nâng cao hiệu quả vắcxin do AstraZeneca sản xuất./.
Theo Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+) – Ngày 3/1/2021
https://www.vietnamplus.vn/dich-dien-bien-phuc-tap-nhieu-nuoc-siet-chat-phong-toa-trong-nam-moi/687597.vnp