Cập nhật: 05/01/2021 17:11:00
Xem cỡ chữ

Người ta ước tính khoảng 80% phụ nữ có một lần nhiễm HPV trong suốt cuộc đời họ. Khoảng 50% trường hợp nhiễm HPV đó là nhóm nguy cơ cao gây ung thư.

Virus HPV là thủ phạm chính gây ung thư cổ tử cung (99,7%), lây truyền qua đường tình dục. Bình thường, HPV có hơn 100 type nhưng 14 type có nguy cơ cao gây ra loại ung thư này. HPV 16 và HPV 18 là 2 chủng có khả năng gây ung thư cổ tử cung cao nhất. Chúng được tìm thấy ở 70% trong tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư duy nhất có nguyên nhân trực tiếp từ HPV, các yếu tố nguy cơ khác là điều kiện thuận lợi. Vì vậy, bệnh ung thư này có thể phòng bệnh tích cực, chủ động, có hiệu quả cao.

Sàng lọc phát hiện từ giai đoạn tiền ung thư, tiền lâm sàng có thể giúp điều trị bệnh khỏi hoàn toàn.

Biện pháp quan trọng nhất phòng lây nhiễm HPV- virus gây ung thư cổ tử cung - 1

Làm gì để phòng lây nhiễm HPV?

Phòng lây nhiễm HPV có tác dụng trực tiếp hạ thấp tỷ lệ mắc bệnh.

Tình dục an toàn

Trong đó, an toàn tình dục là biện pháp quan trọng nhất, vì những người dễ bị lây nhiễm là những người có nhiều bạn tình hoặc bạn tình của họ lại có nhiều bạn tình. Bao cao su là biện pháp được khuyên dùng nhưng bao cao su cũng phải an toàn 100% vì nhiều khi vẫn còn một phần bộ phận sinh dục không được che phủ kín và khả năng lây nhiễm vẫn còn.

Tiêm chủng ngừa HPV

Hiện nay có hai loại vắc xin ngừa HPV, giúp làm giảm nguy cơ ung thư khoảng trên 90% và các tổn thương tiền ung thư trên 60%. Các nghiên cứu chỉ ra rằng vắc xin chỉ có hiệu quả khi chưa bị lây nhiễm HPV hoặc chưa có quan hệ tình dục và khuyến cáo nên tiêm cho phụ nữ lứa tuổi 9-26.

Dù vậy, Tổ chức Y tế Thế giới vẫn khuyến cáo dù có tiêm vắc xin nhưng vẫn cần sàng lọc.

Giảm thiểu các yếu tố nguy cơ

- Không đẻ quá nhiều con

Càng đẻ nhiều con khả năng tổn thương cổ tử cung càng nhiều tạo điều kiện cho sự xâm nhập của HPV.

- Không hút thuốc lá, tránh hút thuốc lá bị động

Thuốc lá có thể tham gia vào quá trình đột biến gen và quá trình sửa chữa đột biến gen vì bản thân khói thuốc đã có chứa rất nhiều chất gây ung thư.

- Ăn nhiều hoa quả tươi giàu vitamin A, tiền vitamin A, vitamin B12, C, E

Điều này giúp làm giảm nguy cơ bị ung thư cổ tử cung vì chúng tăng cường hệ miễn dịch.

- Tích tực tập thể dục hằng ngày phù hợp với sức khỏe, tuổi tác

Đây cũng là biện pháp tăng cường hệ miễn dịch chung để đào thải các yếu tố gây bệnh.

- Không nên dùng thuốc tránh thai đường uống quá lâu

Có thể dùng biện pháp tránh thai khác thay vì chỉ dùng thuốc uống.

Biện pháp quan trọng nhất phòng lây nhiễm HPV- virus gây ung thư cổ tử cung - 2

Dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư cổ tử cung

- Ra máu âm đạo bất thường.

- Ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục.

- Ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu.

- Đau tức vùng bụng dưới, tiểu nhiều lần, khó chịu khi đi tiểu.

- Đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng.

- Kinh nguyệt kéo dài, không đều.

- Mệt mỏi và sút cân không rõ nguyên nhân

Tầm soát ung thư cổ tử cung

Hiện nay có 2 phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung được sử dụng phổ biến nhất là Pap và HPV. Các chuyên gia khuyến cáo nên thực hiện kết hợp xét nghiệm HPV với xét nghiệm PAP- Smear giúp sàng lọc ung thư cổ tử cung hiệu quả cao nhất.

Quy trình thực hiện xét nghiệm Pap thường diễn ra rất nhanh gọn và đơn giản, thường chỉ mất tầm vài phút. Bạn sẽ được các bác sĩ và y tá hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện xét nghiệm.

Để đảm bảo rằng kết quả xét nghiệm Pap chính xác nhất có thể, bạn cần làm theo những hướng dẫn dưới đây:

- Tránh quan hệ tình dục, sử dụng các sản phẩm thuốc âm đạo, sản phẩm vệ sinh âm đạo trong vòng 2 ngày trước khi xét nghiệm.

- Tránh tầm soát loại ung thư này khi đang có kinh nguyệt. Nên làm sau khi chu kỳ kinh nguyệt kết thúc khoảng 3-5 ngày.

- Đối với các trường hợp âm đạo bị viêm nhiễm thì nên điều trị trước khi làm xét nghiệm.

Theo Hà An/dantri.com.vn -- Ngày 5/1/2021