Cập nhật: 13/01/2021 17:04:00
Xem cỡ chữ

Sáng 13/1 tại Hà Nội, Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt nam (VCPMC) đã tổ chức tổng kết hoạt động năm 2020. Đây là năm dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng VCPMC cũng thu về những kết quả khả quan.

Kinh doanh nhạc nền sụt giảm, hoạt động biểu diễn tê liệt

Trong năm qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn tiến phức tạp, đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động âm nhạc. Lĩnh vực/loại hình kinh doanh dịch vụ có sử dụng nhạc nền (sử dụng tác phẩm âm nhạc thông qua bản ghi âm, ghi hình, các phương tiện truyền tải… tại các địa điểm kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, quán bar, cà phê, siêu thị, cửa hàng…) sụt giảm nghiêm trọng. Cá biệt, lĩnh vực khách sạn giảm mạnh bởi khách quốc tế không lưu trú, du lịch dẫn đến hệ thống các khách sạn 5 sao mất nguồn thu.

Ở lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, ngoài lý do dịch bệnh khiến hoạt động biểu diễn tê liệt trong một thời gian dài, nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn vẫn thường xuyên tìm cách né tránh, thậm chí công khai thách thức, không thực hiện nghĩa vụ xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả, hoặc lợi dụng nguyên tắc thỏa thuận để trì hoãn việc trả tiền nhuận bút, dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền tác giả xảy ra khá thường xuyên trong thời gian qua, điển hình ở các show diễn quy mô lớn và có doanh thu/giá vé cao.

Họp báo tổng kết VCPMC tại Hà Nội.

Một số doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực karaoke gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm (do công nghệ thay đổi) nên xảy ra tình trạng hợp đồng bị chậm thanh toán, nợ đọng hoặc phải thanh lý trước thời hạn. Nhiều vụ việc đã phải đưa ra giải quyết tranh chấp tại Tòa án và thông qua các phiên hòa giải để giải quyết tranh chấp hợp đồng về chậm thanh toán.

Trong năm 2020, VCPMC đã tiến hành 14 vụ kiện, trong đó có 8 vụ liên quan tới biểu diễn. Hiện tại, VCPMC đã thắng kiện 1 vụ với Cty TNHH Multimedia Ngọc Việt (tổ chức chương trình biểu diễn “Để nhớ một thời ta đã yêu 6 – Một thuở yêu người” tại Nhà hát Hoà Bình - TP.HCM); rút đơn khởi kiện 3 vụ do bị đơn khắc phục một phần vi phạm; rút đơn khởi kiện 2 vụ do bị đơn ngừng hoạt động và còn 9 vụ đang trong tiến trình tố tụng.

Thu về 150 tỷ đồng, tăng 12 % so với năm 2019

Theo ông Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc VCPMC: “Nhận định tình hình một loạt lĩnh vực trọng điểm như trước đây sẽ khó thu được, VCPMC đã điều chỉnh kế hoạch hoạt động, tập trung vào việc khai thác và bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trên môi trường internet, tích cực áp dụng công nghệ 4.0 và các phần mềm quốc tế vào mọi hoạt động. Nhờ đó, hoạt động của VCPMC trong năm 2020 vẫn được duy trì ổn định và ghi nhận những bước phát triển mới”.

Nguồn tiền bản quyền tác giả của tác phẩm Việt thu được từ nước ngoài tăng vọt so với những năm trước (95%), trong đó chủ yếu đến từ các nước như COMPASS (Singapore), JASRAC (Nhật Bản), SACEM (Pháp), ASCAP (Mỹ), GEMA (Đức), APRA AMCOS (Úc).

Lĩnh vực trực tuyến tăng trưởng mạnh ở hầu hết các hạng mục, có ảnh hưởng quyết định đến việc giữ vững đà tăng trưởng chung của VCPMC trong một năm tưởng chừng rất khó khăn. Cụ thể Website, Ứng dụng di động tăng trưởng mạnh (49%) với nguồn thu chính đến từ các ứng dụng quốc tế như: Facebook; Apple; Tiktok; Spotify; MOOV; Star Maker...; triển khai thu các dịch vụ VAS khác như Myclip, Meclip, Onmobi, Digimusic, ViettelTV...; tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Google trong việc khai thác trên Youtube, đảm bảo tối đa lợi ích của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Trong năm 2020, số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đã thu (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là hơn 150 tỷ đồng, tăng 12 % so với năm 2019. Trong đó: số tiền thu tại khu vực phía Bắc là hơn 47.5 tỷ đồng; số tiền thu tại chi nhánh phía Nam là hơn 102.4 tỷ đồng.

Số lượng thành viên ký hợp đồng uỷ quyền tại VCPMC trong năm 2020 là 276 tác giả. Tổng số thành viên viên ký hợp đồng uỷ quyền tại VCPMC đến nay là 4.540 tác giả.

VCPMC đã thực hiện 4 kỳ phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả với số tiền (đã trừ phí quản lý) là hơn 107.4 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 1/2021 (trước Tết Nguyên đán) sẽ tiến hành phân phối số tiền là 36 tỷ đồng.

Đối với các hợp đồng chưa đủ điều kiện phân phối (hợp đồng chưa hết hạn hoặc chờ bổ sung danh sách, hợp đồng đã xuất hóa đơn nhưng chưa thanh toán tiền hoặc thanh toán chưa đầy đủ, hợp đồng đã thu đủ tiền nhưng đơn vị sử dụng chưa kê khai danh sách bài hát sử dụng) sẽ tiếp tục được đối soát, phân phối vào kỳ tiếp theo.

Đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực hoạt động

Trong năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm của VCPMC là đẩy mạnh mạnh áp dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực hoạt động, từ phương thức đo đếm số lượng và lượt sử dụng tác phẩm trong các môi trường khác nhau đến cung cấp thông tin phân phối cho các tác giả thành viên.

Tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương trong công tác tập huấn, tuyên truyền, thực thi bảo hộ quyền tác giả. Áp dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền tác giả theo đúng quy định của pháp luật.

Chú trọng công tác chăm sóc, phát triển hội viên, giải quyết khiếu nại, hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các tác giả thành viên; đẩy nhanh tiến độ ký các hợp đồng ủy quyền theo mẫu hợp đồng ủy quyền mới, củng cố cơ sở pháp lý nhằm quản lý khai thác và bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả thành viên VCPMC.

Cập nhật, bổ sung biểu mức nhuận bút nhằm phù hợp với sự thay đổi của công nghệ và các lĩnh vực sử dụng âm nhạc trên thực tế nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của các tác giả.

Thanh Thanh/VOV.VN – Ngày 13/1/2021

https://vov.vn/van-hoa/trung-tam-bao-ve-quyen-tac-gia-am-nhac-viet-nam-thu-hon-150-ty-dong-trong-nam-2020-830233.vo