Cập nhật: 22/01/2021 15:50:00
Xem cỡ chữ

Trong tương lai Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu tiến tới ghép chi thể, ruột, mặt, tử cung...

Tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Đề án Khoa học và công nghệ "Tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người" diễn ra ngày 21/1, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết trong tương lai tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng ghép thêm nhiều mô, tạng khó, tạo nguồn tạng sinh học và vật liệu thay thế, tiến tới ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ghép tạng.

Tiến tới ghép tử cung, chi thể trong tương lai - 1

Ca ghép chi thể lấy từ người cho sống đầu tiên trên thế giới được Bệnh viện 108 thực hiện thành công.

Giáo sư, tiến sĩ Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện TW Quân đội 108 đánh giá, ghép tạng là một trong những thành tựu lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ.

Tại Việt Nam, kể từ ca ghép thận thành công đầu tiên tại Học viện Quân y vào năm 1992, đến nay, ghép tạng đã mở cánh cửa hồi sinh cho nhiều bệnh nhân suy tạng, từ suy thận, suy gan, đến suy tim.

Đến nay, Việt Nam đã có 19 trung tâm ghép tạng và đạt được những tiến bộ vượt bậc cả về kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng. Việt Nam đang dần làm chủ được kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng trong đó nhiều tạng được coi là khó lĩnh vực ghép tạng.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, tính đến 16/10/2020 cả nước đã thực hiện được khoảng hơn 5.225 ca ghép tạng, trong đó có 4.929 ca ghép thận, 244 ca ghép gan, 43 ca ghép tim, 01 ca ghép khối thận - tụy, 01 ca ghép khối tim - phổi, 07 ca ghép phổi, 02 ca ghép chi thể và có 39.503 người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não.

Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sau 4 năm Trung tâm Ghép mô và bộ phận cơ thể người được thành lập, đến nay đã thực hiện 265 ca ghép mô tạng, trong đó có 75 ca ghép thận (đã trở thành kỹ thuật thường quy), 64 ca ghép gan (trong đó có 11 ca ghép gan cấp cứu), 03 ca ghép phổi, 18 ca ghép giác mạc, 62 ca ghép tế bào gốc, 40 ca ghép Tủy, 02 ca ghép chi thể (01 ca từ người cho sống, 01 ca từ người cho chết não).

Trong đó, dấu ấn đặc biệt phải để kể đến là ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam thực hiện vào tháng 2/2018, đồng thời cũng là ca ghép đa tạng xuyên việt lịch sử. Ngày 22/1/2020 thực hiện thành công ca ghép chi thể lấy từ người cho sống đầu tiên trên thế giới.

Bệnh viện cũng ghi dấu ấn với việc lấy, ghép đa mô tạng lần thứ 4 từ người cho chết não để cứu chữa cho 06 bệnh nhân khác nhau. Từ nguồn tạng hiến các bác sĩ đã ghép 02 phổi cho một bệnh nhân được chẩn đoán xơ phổi nguyên phát; ghép gan cho một bệnh nhân suy gan cấp trên nền xơ gan do nhiễm virus viêm gan B; ghép 02 thận cho hai bệnh nhân bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối. Đồng thời, bệnh viện cũng đã ghép 2 cẳng bàn tay cho một bệnh nhân bị cụt cẳng tay cả hai bên do tai nạn chất nổ. Đây là ca ghép hai cẳng bàn tay đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, và là ca ghép chi thể thứ 2 trong năm tại Bệnh viện. Ngoài ra, bệnh viện còn phối hợp với Trung tâm Điều phối Quốc gia lấy và ghép tim cho một bệnh nhân bị viêm cơ tim thể giãn giai đoạn cuối tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Giáo sư, tiến sĩ Mai Hồng Bàng đánh giá, thành công của các ca ghép tạng là một thành quả vô cùng ý nghĩa đối với Bệnh viện và ngành y tế Việt Nam trong tiến trình chinh phục những đỉnh cao về lĩnh vực ghép tạng. Nhân dịp này, bệnh viện TW Quân đội 108 đã tri ân những người hiến bộ phận cơ thể cũng như gia đình họ và ký kết hợp tác chuyển giao kỹ thuật lấy ghép tạng cho 1 số bệnh viện trung ương và Hà Nội.

Theo Hải Minh/dantri.com.vn – Ngày 22/1/2021

https://dantri.com.vn/suc-khoe/tien-toi-ghep-tu-cung-chi-the-trong-tuong-lai-20210122131640043.htm