Đền Sóc hiện còn lưu giữ được 145 hiện vật có giá trị, niên đại trải dài từ thời Lê, tập trung vào triều Nguyễn, tiêu biểu như hoành phi, câu đối, bia đá, lư hương, tượng thờ, hương án...
Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Sóc (Ảnh: Hào Nguyễn)
Thành phố Hà Nội đã công nhận điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt Đền Sóc, thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và giao Trung tâm quản lý khu du lịch-di tích Đền Sóc Sơn thực hiện tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan.
Đồng thời, thành phố cũng giao các sở ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt Đền Sóc theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Sóc gắn với truyền thuyết Thánh Gióng bay về trời sau khi đánh thắng giặc Ân. Hiện tại, khu di tích gồm: Đền Trình, đền Mẫu, chùa Non Nước, chùa Đại Bi, đền Thượng, hòn đá Chồng, tượng đài Thánh Gióng, các lăng bia đá ghi lại lịch sử và lễ hội đền Sóc.
Đền Sóc hiện còn lưu giữ được 145 hiện vật có giá trị, niên đại trải dài từ thời Lê, tập trung vào triều Nguyễn, tiêu biểu như hoành phi, câu đối, bia đá, lư hương, tượng thờ, hương án, ngai thờ, bát bửu, chân đèn, ngựa gỗ, chuông đồng...
Đặc biệt, tấm bia bát giác thời Lê dựng trên núi, phía sau đền Thượng, là tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao, cung cấp nhiều thông tin về Thánh Gióng và phong tục tập quán, địa phương qua các thời kỳ.
Hằng năm, Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Sóc thu hút đông đảo khách thập phương đến tham quan, chiêm bái; đặc biệt là thời điểm diễn ra lễ hội Gióng từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng hằng năm.
Hà Nội là địa phương sở hữu nhiều di tích, di sản nhất nước, trong đó một số di tích được đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức dịch vụ khá tốt, trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo du khách như Văn Miếu-Quốc Từ Giám, Di tích Nhà tù Hòa Lò, làng cổ Đường Lâm…
Bên cạnh các điểm di tích, Hà Nội còn có rất nhiều khu du lịch, làng nghề hấp dẫn du khách như Làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, khu sinh thái Đan Phượng, điểm du lịch Hạ Mỗ...
Tuy nhiên, số lượng điểm tham quan thực sự thu hút khách du lịch chiếm tỷ lệ còn ít (khoảng 30 điểm) trong tổng số 130 khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố; sản phẩm dịch vụ còn hạn chế, chưa tương xứng với giá trị có thể khai thác.
Việc công nhận điểm du lịch nhằm nâng cao hình ảnh của điểm đến, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền, ban quản lý và người dân địa phương trong vấn đề phát triển du lịch.
Hơn nữa, các điểm du lịch cộng đồng còn góp phần đẩy mạnh sự quan tâm, thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân cũng như doanh nghiệp vào hoạt động du lịch./.
Theo Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+) - Ngày 29/01/2021
https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-cong-nhan-diem-du-lich-di-tich-quoc-gia-dac-biet-den-soc/692448.vnp