Lợi ích của nghệ thuật công cộng, đặc biệt trong việc kiến tạo điểm đến du lịch đã được minh chứng từ nhiều mô hình, cách làm hiệu quả. Vấn đề hiện nay là không ngừng sáng tạo thêm những dự án mới, phù hợp với văn hóa địa phương, dựa trên sự chung tay đồng lòng của các bên liên quan.
Nghệ thuật công cộng được hiểu là những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày ở những không gian, địa điểm công cộng; rộng mở chào đón tất cả mọi người thưởng thức. Như vậy thì mọi tác phẩm nghệ thuật, không kể kích thước, chất liệu, chỉ cần đặt ở vị trí công cộng đều có thể gọi là tác phẩm nghệ thuật công cộng: To lớn như tượng Nữ thần Tự do (New York, Mỹ), hoành tráng như con đường gốm sứ ven sông Hồng (Hà Nội) hay nhỏ bé hơn là bức tượng điêu khắc kiêm đài phun nước Manneken Pis ở Bruxelles, Bỉ... Các công trình này tạo nên với các mục đích khác nhau nhưng nhờ tính thẩm mỹ, sự độc đáo kết hợp với tính công cộng nên qua thời gian trở thành điểm đến du lịch hút khách. TS Hoàng Minh Của (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết: “Nghệ thuật công cộng có vai trò rất quan trọng trong thu hút khách tham quan, là nơi kiến tạo nên tiềm năng kinh tế, văn hóa của xã hội. Giá trị sáng tạo của nghệ thuật công cộng còn có tính biểu tượng cao, mang tầm vóc của chính trị và thời đại. Để kế thừa phát huy vai trò tiềm năng to lớn của nghệ thuật công cộng, cần có sự nghiên cứu, đầu tư bài bản, tổng thể, có tầm nhìn dài hạn, cùng với những quy định chặt chẽ trong quản lý mới thực sự đem lại hiệu quả lâu dài”.
|
Các em nhỏ ở phường Phúc Tân bày tỏ niềm vui khi chụp ảnh bên tác phẩm nghệ thuật công cộng.Ảnh: HIỀN ANH. |
Không gian công cộng là của mọi người nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng tùy thích. Ở nước ta, không gian công cộng thuộc Nhà nước quản lý thông qua phân cấp. Với tác phẩm nghệ thuật, chủ sở hữu là của nghệ sĩ nhưng nếu được đặt vào không gian công cộng (kể cả mục đích phi lợi nhuận), cũng cần có sự đồng ý cho phép của cơ quan chức năng mà cụ thể ở đây là chính quyền địa phương và ngành văn hóa. Người dân địa phương cũng có quyền đưa ra tiếng nói đồng thuận hay phản đối việc sử dụng không gian công cộng. Chính vì thế, để tạo dựng một không gian nghệ thuật công cộng thì điều quan trọng là phải được tất cả các bên đồng thuận.
Một dự án nghệ thuật công cộng nổi bật gần đây, có thể xem là hình mẫu cần nhân rộng là Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân (Hà Nội). Dù nằm ở quận Hoàn Kiếm ven sông Hồng nhưng phường Phúc Tân lại kém nổi bật bởi vị trí ngoài bãi, nơi tập trung những người lao động có thu nhập chưa cao. Môi trường cảnh quan khu vực bao năm ít được trang hoàng, thậm chí có nơi bị biến thành chỗ tập kết rác trái quy định. Xuất phát từ tình yêu sâu đậm với Hà Nội, một nhóm nghệ sĩ trong và ngoài nước đã tình nguyện thực hiện dự án, cải biến khu vực ven sông thành một điểm nhấn nghệ thuật mới của Hà Nội. Dự án được hoàn thành vào tháng 2-2020, chỉ trong chưa đầy hai tháng thi công, nhóm nghệ sĩ sáng tạo 16 tác phẩm nghệ thuật công cộng thú vị tại khu phố 1 và 2 của phường Phúc Tân. Họa sĩ, Thạc sĩ Nguyễn Thế Sơn (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), Giám tuyển nghệ thuật dự án, cho biết: “Chi phí dự án không phải quá lớn bởi chất liệu chủ yếu là nguyên liệu tái chế, điểm thuận lợi khác là kinh nghiệm cũng như năng lượng sáng tạo nghệ sĩ rất lớn. Vấn đề phải thuyết phục chính quyền địa phương và người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa dự án. Chúng tôi tổ chức nhiều buổi họp, thuyết trình từng tác phẩm, khi nào đạt được sự đồng thuận mới triển khai”.
Ấn tượng với những tác phẩm “Xẩm tàu điện”, “Gánh hàng rong”, “Thuyền”... vừa hiện đại lại mang tính truyền thống, du khách đến ngày càng nhiều để chụp ảnh, chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật. Người dân khu vực Phúc Tân thì vui mừng hết cỡ bởi không gian công cộng tươi mới, sinh động. Họ xem các tác phẩm nghệ thuật này là niềm tự hào, có ý thức bảo vệ, chăm chút cho con đường, khu phố thêm sạch sẽ.
Lâu nay, nhiều người cho rằng chỉ có những địa điểm du lịch có sẵn mới có lợi thế sử dụng tác phẩm nghệ thuật để làm điểm nhấn, chẳng hạn như các tác phẩm điêu khắc ven biển ở Đà Nẵng, tượng trong rừng ở Đại Lải (Vĩnh Phúc)... Qua thành công từ Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, có thể thấy việc sử dụng nghệ thuật công cộng biến một nơi không có lợi thế du lịch trở thành điểm đến du lịch hút khách không phải là quá khó. Mỗi địa phương đều có những lợi thế, nét độc đáo riêng để làm nền tảng sáng tạo tác phẩm nghệ thuật, qua đó tạo dựng điểm đến du lịch mới. Bên cạnh sự đồng thuận, còn cần sự nghiên cứu, mời gọi những người có chuyên môn về nghệ thuật công cộng thực hiện dự án. Tránh tình trạng nhiều nơi làm nghệ thuật công cộng kiểu chạy đua, thiếu đặc sắc như phong trào tranh bích họa đang nở rộ có phần thiếu kiểm soát hiện nay.
Theo TRẦN HOÀNG HOÀNG/qdnd.vn - Ngày 27/01/2021
https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/nghe-thuat-cong-cong-kien-tao-diem-den-du-lich-650309