Cập nhật: 10/02/2021 08:21:00
Xem cỡ chữ

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý xảy ra sau khi ăn hoặc uống phải các loại thực phẩm bị nhiễm độc.

Trong dịp Tết, nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng cao do các gia đình thường tích trữ lượng lớn các loại thực phẩm để sử dụng dần trong các ngày Tết. Tuy nhiên nếu không biết lựa chọn và bảo quản đúng cách, thực phẩm để lâu dễ bị nấm mốc, ôi thiu, gây ngộ độc nếu ăn phải.

Các biện pháp lựa chọn thực phẩm an toàn

Chọn thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng: Khi mua thịt lợn hoặc thịt bò nên chọn khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi, ấn tay vào thấy thịt mềm, có độ dính, màng ngoài thịt khô, không bị nhớt, không có mùi lạ, mùi ôi thiu. Đặc biệt nên chọn mua ở các cửa hàng uy tín và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đối với cá, tốt nhất là chọn cá còn đang quẫy nước. Nếu cá chết, cần chọn cá còn nhớt bóng, mắt cá trong, vảy cá không bị rời, mang cá hồng, ấn ngón tay vào thịt cá không để lại vết lõm. Nên chọn những loại rau củ lành lặn, không bị dập nát hoặc đổi màu. Hãy chọn loại rau củ phần cuống còn tươi xanh, không bị thâm, nhũn. Với những loại củ quả cần gọt vỏ như củ cải, bầu, bí... thường được đánh giá là an toàn hơn so với rau ăn lá. Cần chú ý thật kỹ màu của các loại rau xanh, không phải tất cả những loại rau xanh non mơn mởn đều là rau sạch. Bởi có nhiều loại bị phun thuốc kích thích, thân to mập mạp, cọng non xanh mướt; tuy nhiên, chỉ để trong ngày là chúng sẽ nẫu. Thậm chí, có nhiều loại rau củ để nhiều ngày mà vẫn giữ được màu sắc ban đầu. Chính vì vậy, cách chọn rau củ quả sạch tươi ngon là tránh mua loại rau, củ quả đẹp, to, phổng phao bất thường, mùa nào thức nấy, không nên chọn rau và hoa quả trái mùa. Nếu chọn các loại trái cây, chỉ nên chọn loại có kích thước vừa phải hoặc nhỏ hơn bình thường. Thực phẩm chế biến sẵn nên mua ở những cửa hàng có uy tín, đồ hộp nên mua đồ có hạn sử dụng còn dài, ghi rõ nhà sản xuất, nước sản xuất, vỏ không móp méo, không phồng, không rỉ sét.

Ăn chín uống sôi: Thức ăn phải được sơ chế kỹ càng trước khi chế biến. Các loại thịt nên được xát muối cho sạch lớp bên ngoài, trần nước sôi khử mùi hôi và vi khuẩn. Vệ sinh sạch sẽ và tiệt trùng bằng nước sôi các dụng cụ chế biến như dao, kéo, thớt... Các loại rau phải rửa kỹ nhiều lần dưới vòi nước chảy, ngâm nước muối pha loãng khoảng 20-30 phút, hạn chế ăn sống. Khi chế biến phải lưu ý không để thức ăn sống lẫn với thức ăn chín, không dùng chung dụng cụ (dao, thớt...) cho thức ăn sống và chín.

Phòng ngộ độc thực phẩm

Nên để thực phẩm trong các hộp riêng và đậy kín trước khi cho vào tủ lạnh.

Bảo quản thực phẩm đúng cách: Thức ăn sau khi nấu nên ăn ngay, không để quá 2 tiếng. Nếu để lâu hơn, nên bảo quản thức ăn trong tủ lạnh bằng các hộp, hoặc giấy nilon bảo quản, khi ăn phải hâm kỹ lại. Tránh để thức ăn quá lâu trong tủ lạnh, ngay cả với thức ăn chín. Thực phẩm phải bảo quản với nhiệt độ phù hợp. Thịt, cá tươi nên rửa sạch cất vào ngăn đông, chia thành nhiều phần đủ cho một bữa ăn, tránh tình trạng lấy thực phẩm ra rã đông rồi cất trở lại. Các loại rau củ tươi để vào ngăn đựng rau củ, bọc kín thành các túi riêng. Tủ lạnh là nơi bảo quản thức ăn, vì vậy cần phải vệ sinh thường xuyên. Tránh để tồn đọng quá nhiều thức ăn trong tủ lạnh, gây quá tải khiến nhiệt độ lạnh không đảm bảo, thức ăn dễ bị hư hỏng. Ngoài ra, trước và sau khi chế biến cần lau dọn sạch sẽ khu vực chế biến thức ăn, bếp nấu, rửa tay sạch trước khi nấu ăn.

Sơ cấp cứu khi bị ngộ độc  thực phẩm

Ngày Tết, do sinh hoạt thất thường nên các bệnh lý về đường tiêu hóa rất dễ xảy ra. Các biểu hiện thường gặp của ngộ độc thực phẩm nhẹ là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chướng bụng, nặng hơn có đau bụng quằn quại, nhức đầu, có thể sốt hoặc không... xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí 1 ngày sau khi ăn. Trường hợp nặng người bệnh có thể khó thở, da tím tái, co giật, trụy mạch, ngưng thở, hôn mê. Khi thấy các biểu hiện trên cần tiến hành sơ cứu ngay. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, có thể gây nôn để tống thức ăn bị nhiễm độc ra ngoài bằng cách cho người bệnh uống nhiều nước và móc họng. Sau khi gây nôn thì cho người bệnh nằm nghỉ, có thể dùng, men tiêu hóa, uống nước điện giải pha nước để bù lại lượng nước đã mất cho bệnh nhân. Trường hợp nặng nên đi khám để điều trị. Không nên gây nôn đối với người bị hôn mê hoặc trẻ nhỏ vì dễ bị hít sặc. Trong trường hợp này, cần cho bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng về một bên để tránh bị hít sặc và chuyển bệnh nhân đến trung tâm y tế gần nhất. Nếu bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở cần cấp cứu tức thời bằng cách hà hơi thổi ngạt và ép tim. Sau đó, cần nhanh chóng gọi cấp cứu 115 và đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được xử lý tiếp.

Theo suckhoedoisong.vn

https://suckhoedoisong.vn/phong-ngo-doc-thuc-pham-dip-tet-n186409.html