Cập nhật: 12/02/2021 09:00:00
Xem cỡ chữ

Trong tâm thức văn hoá của người Việt, con trâu mang nhiều nét nghĩa biểu trưng, phản ánh sâu sắc bản sắc văn hóa dân tộc trên nhiều phương diện.

Con trâu là loài vật thân thiết, gắn bó với người dân Việt từ thủa sơ khai. Trong văn hóa phương Đông, trâu là một trong 12 con giáp thuộc vòng tuần hoàn lịch âm tính theo Can Chi và cũng nằm trong lục súc (6 loại gia súc nuôi trong nhà, gồm ngựa (mã), trâu/bò (ngưu), cừu/dê (dương), chó (cẩu), lợn (trư), và gà (kê)).

Không chỉ tạo nên những giá trị vật chất đa dạng mà trâu còn mang ý nghĩa tinh thần to lớn, sức mạnh bền bỉ, tinh thần hăng say lao động, chịu được gian khổ và khỏe mạnh của người Việt Nam. Hình tượng con trâu phản ánh sâu sắc bản sắc văn hóa trên nhiều phương diện từ phong tục tập quán, lễ hội cho đến đời sống văn học, nghệ thuật...

“Người bạn thuỷ chung” với người dân Việt

Theo các di chỉ khảo cổ, cách nay trên dưới 10.000 năm, khi nền nông nghiệp chiếm vai trò chủ đạo, người Việt cổ đã thuần hóa trâu rừng thành trâu nhà và biến nó trở thành con vật phục vụ cho việc cày cấy, vận chuyển hàng hoá được dễ dàng, thuận tiện. 

Với bản tính ôn hoà, dễ thích nghi với môi trường sống, đem lại năng suất cao, con trâu giữ vị trí quan trọng đối với sản nghiệp người nông dân. Chẳng vậy mà, cư dân lúa nước coi trọng “con trâu là đầu cơ nghiệp”, là tài sản lớn.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Không những thế, trong quá trình lao động, đời sống hàng ngày, mối quan hệ gắn bó, thuỷ chung giữa người và trâu được hình thành. Con trâu không chỉ lao động sản xuất quan trọng bậc nhất mà còn là “tri kỷ” sớm hôm gắn bó bởi những nét tương đồng về số phận, tính cách giữa người nông dân và con trâu. 

Gắn liền trong nếp sống của những người nông dân chất phác, trâu được nhân cách hoá như một một con người, bình đẳng với người, có tâm tính như người qua những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn việc nông gia/ Ta đây trâu đấy, ai mà quản công”. Hay “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”.

Có lẽ trong các giống gia súc chỉ có loài trâu mới nhận được tình cảm trân trọng như vậy. Sự “biết ơn” của con người đối với vật nuôi “đầu cơ nghiệp” còn thể hiện qua câu ca dao: “Bao giờ cây lúa còn bông/Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”. Với vị trí quan trọng như thế nên từ xa xưa, “tậu trâu” đã được coi là một trong ba việc hệ trọng của đời người, trong đó “tậu trâu” đứng số một: “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà / Cả ba việc ấy đều là khó khăn”.

Lễ hội Chọi trâu. 

Lễ hội Chọi trâu. 

Là tài sản lớn, biểu tượng của sự giàu sang phú quý nên trâu được tôn vinh, “linh thiêng hóa” trong các hoạt động tín ngưỡng, thờ cúng tôn giáo. Lễ hội đâm trâu của các dân tộc Tây Nguyên hay tục ăn Tết Trâu và lễ tiến Xuân Ngưu (dâng trâu mùa xuân) ở nhiều địa phương miền Bắc và miền Trung mang mong ước của người dân về một vụ mùa bội thu, cây cối xanh tốt. Gắn với lễ hội là hàng loạt sinh hoạt văn hóa khác, hào hứng nhất là tục chọi trâu hướng đến “tinh thần thượng võ”, ca ngợi chí dũng cảm và sức mạnh của loài trâu. Tục này rất độc đáo ở Việt Nam và phổ biến ở Phù Ninh (Phú Thọ) và Đồ Sơn (Hải Phòng). 

“Con trâu như cái cột của ngôi nhà văn hoá, văn minh Việt”

"Nghệ thuật Việt khởi đi từ làng. Nghệ thuật Việt là nghệ thuật làng. Nước Việt là nước làng. Văn minh của người Việt, nước Việt là văn minh lúa nước. Và con trâu như cái cột của ngôi nhà văn hoá, văn minh Việt” (hoạ sĩ Lê Thiết Cương). Vì thế hình tượng con trâu không chỉ xuất hiện trong đời sống văn hoá, tâm linh của người Việt, mà còn được hình tượng hóa vào ngôn ngữ nghệ thuật với những biểu trưng đa diện, đa sắc thái. 

Bức tranh dân gian "Mục đồng thổi sáo trên lưng trâu".

Bức tranh dân gian "Mục đồng thổi sáo trên lưng trâu".

Trong tranh dân gian Đông Hồ, con trâu tượng trưng cho sự cần cù, chất phác, cao thượng và chịu thương chịu khó, với những nét ngộ nghĩnh chân quê của con người nông dã. Điều đó thể hiện trong những bức tranh “Mục đồng thổi sáo trên lưng trâu”, tứ bình “Ngư tiều canh mục”, “Chọi trâu”… Hình tượng trâu còn được chạm khắc trên trống đồng Vĩnh Hùng. Trâu góp mặt trong điêu khắc gỗ đình làng thế kỷ 17-18. 

Từ dòng chảy văn hoá dân gian, hình tượng con trâu đi vào văn chương bác học, vào thơ Tam nguyên Yên Đổ: “trâu già gốc bụi phi hơi nắng”, thơ bà huyện Thanh Quan: “Gõ sừng mục tử lại cô thôn”, hiện hữu trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật thời hiện đại như thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trẻ dắt trâu về tiếng sáo bay”; thơ Tố Hữu: “Mình về ta gửi về quê/Thuyền nâu, trâu mộng với bè nứa mai… Trâu về xanh lại Thái Bình/Nứa mai gài chặt mối tình ngược xuôi; thơ Giang Nam: “Ai bảo chăn trâu là khổ?/Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao… Con trâu đi vào trang văn Nguyên Ngọc - Nguyễn Trung Thành với hiệu quả thẩm mĩ lớn - hiện thân cho hồn cốt quê hương, “dáng hình xứ sở” - phải yêu thương và bảo vệ: “Trên cánh đồng xưa, cha ta ngày đêm kéo cày gãi đất và con trâu cũng lầm lụi như người...”. Quả thực, “chínhcon trâu tự nó đạt tới biểu tượng của nền văn hóa, giúp cho nhà văn, nhà thơ biết thi vị hóa, đem lại chất lãng mạn cho văn chương” (PGS. Đào Thản).

Bức tranh "Chọi trâu".

Bức tranh "Chọi trâu".

Xuyên suốt chiều dài lịch sử của nền mỹ thuật, hình tượng con trâu cũng là đề tài được ưa chuộng trong tranh của nhiều họa sĩ bậc thầy như: Nguyễn Sáng (Chọi trâu), Nguyễn Tư Nghiêm (Con nghé, 12 con giống), Tô Ngọc Vân (Con trâu quả thực)... Đến nay, hình tượng con trâu vẫn là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ sáng tạo với nhiều cách thể hiện, bên cạnh phong cách tả thực còn có trừu tượng, lập thể... khiến cho tranh trâu vô cùng phong phú. Những đường nét, sắc màu, hồn vía của bức tranh để thấy sức sống của mùa xuân được họa sĩ biểu đạt theo chính cảm nhận và những rung cảm của mình.

Tranh của hoạ sĩ Lê Thiết Cương trong triển lãm "Tiễn Tí đón Sửu".

Tranh của hoạ sĩ Lê Thiết Cương trong triển lãm "Tiễn Tí đón Sửu".

Năm nay, tại triển lãm “Tiễn Tí đón Sửu”, hoạ sĩ Lê Thiết Cương đưa hình tượng chú trâu tranh gốm ghép (mosaic) lên đĩa và lọ gốm, vẽ bột màu trên vải màn, mực nho trên giấy dó. Trong khi đó, họa sĩ Nguyễn Tấn Phát “trình làng” với 1.010 con trâu làm từ sơn mài với màu sắc tươi sáng, trưng bày ở Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Họa sĩ Lê Đình Nguyên - người được mệnh danh là Nguyên “trâu” giới thiệu những tác phẩm điêu khắc trâu trên chất liệu gốm Bát Tràng. 

Tác phẩm của họa sỹ Hoàng A Sáng

Tác phẩm của họa sỹ Hoàng A Sáng

Tương tự, các họa sĩ tên tuổi như Đỗ Phấn, Thành Chương, Phạm An Hải, Hoàng A Sáng… cũng những hình tượng con trâu đa sắc màu dịp năm mới không chỉ là một lời chúc lành cho năm mới tốt đẹp mà còn chuyển tải nhiều thông điệp trong xã hội. Tiễn năm cũ đón năm mới bằng những gam màu tươi vui, với ước nguyện truyền năng lượng tích cực, niềm hi vọng cho mọi người.

Có thể nói, hình tượng con trâu được thể hiện sinh động, đa dạng, nhiều chiều, nhiều tầng nghĩa trong phong tục, văn học, nghệ thuật,… Nó chuyên chở những biểu trưng văn hóa, ngôn ngữ độc đáo của người dân nền nông nghiệp lúa nước.

Ngày nay, hình tượng con trâu qua quá trình dịch chuyển, thẩm thấu, biến hóa trong đời sống. Trâu không chỉ là con vật tạo nên những giá trị vật chất cho con người mà nó còn trở thành một biểu tượng của sự bền bỉ, sức lao động hăng say, tinh thần bất khuất, chịu thương chịu khó của người dân Việt  Nghĩ về hình tượng con trâu như một biểu tượng trong kho tàng di sản văn hóa cũng là cách để chúng ta tiếp cận, khám phá những biểu hiện đa diện, nhiều chiều, phức tạp của văn hóa trong tâm thức dân tộc./.

Theo Hạnh Lê/VOV.VN - Ngày 12/02/2021

Ảnh: Internet

  https://vov.vn/van-hoa/con-trau-bieu-trung-van-hoa-trong-tam-thuc-nguoi-viet-836546.vov