Cứ mỗi độ xuân gõ cửa phố phường, mỗi độ mai vàng bung nụ biếc xanh, nhiều người dân ở Cần Thơ lại rộn ràng rủ nhau xin chữ nguyện tài lộc, cầu bình an.
Cảnh cho chữ ở phố ông đồ Cần Thơ. (Ảnh: Duy Khôi)
Ngày Tết, nghệ sĩ Thiện Nhân (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hội họa - Thư pháp Cội Nguồn, trực thuộc Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ) bận bịu chẳng ngơi tay. Gian hàng "Thư pháp ngày xuân" của ông không lúc nào vắng khách. Họ đến để xin chữ cầu bình an năm mới, cầu những điều tốt lành trong cuộc sống và còn để tận mắt chiêm ngưỡng tài hoa của nghệ sĩ thư pháp Thiện Nhân.
Anh Trương Tiến Bảo, vừa xin chữ "Bình An" của nghệ sĩ Thiện Nhân, thích thú khoe với chúng tôi về bức thư pháp còn chưa ráo mực. Anh còn xin thêm chữ "Cha" và "Mẹ" và được nghệ sĩ Thiện Nhân viết trang trọng trên giấy đỏ để về tặng hai đấng sinh thành. Anh Bảo nói: "Thật khâm phục tài nghệ của ông. Chữ ông viết thật đẹp và lả lướt. Đây sẽ là món quà ý nghĩa tôi dành ba mẹ dịp Tết này".
Học trò tập viết thư pháp tại Ngày hội Du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng. Ảnh: DUY KHÔI
Theo nghệ sĩ Thiện Nhân, có 3 cách viết thư pháp phổ biến là chân phương (những nét thanh- đậm, âm- dương), thảo thư (viết không giở cọ lên) và dị thể (hay cuồng thể, là viết dối nét, biến tấu).
17 năm theo nghề mà chính ông cảm tác gọi là "dăm ba chữ thành câu họa bút", Thiện Nhân quý nhất vẫn là cho chữ ngày xuân. Bởi chính lúc ấy, ông có cảm giác mình như đang "viết cả mùa xuân, viết cả tấm lòng". Người xin chữ "Tài", người cầu chữ "Lộc"… nghệ sĩ Thiện Nhân nâng niu trao tặng bằng cả tấm lòng. "Viết chữ Nhân, Nghĩa... mà tấm lòng trống rỗng thì chữ vô nghĩa lắm"- ông nói.
Gần chục năm trở lại đây, Phố Ông Đồ và tục xin chữ - cho chữ được tái hiện đậm nét ở Cần Thơ mỗi dịp xuân về. Những ông đồ, già có, trẻ có, xênh xang áo dài khăn đóng, gửi tình vào những chữ "Tài", "Lộc", "Vinh Hoa" tặng khách thập phương. Với những ông đồ, nhất là người có thâm niên rèn nét chữ - luyện tính người, họ tâm niệm rằng: "Thư pháp không chỉ là chữ đẹp mà còn là cái tâm, cái hồn, ý tứ của người viết trao gửi trong đó".
Khoảng Rằm tháng Chạp trở đi, Phố Ông Đồ ở Cần Thơ hay những gian hàng cho chữ - xin chữ mọc lên ở nhiều nơi trong thành phố, trở thành điểm hẹn của những người trọng lễ nghĩa, sống nhân văn.
Nhà nghiên cứu Nhâm Hùng kể với chúng tôi rằng, năm nào cũng vậy, hễ gần Tết, nhà cửa dọn dẹp ngăn nắp, bàn thờ tổ tiên bài trí nghiêm cẩn, ông lại tìm đến những ông đồ xin dăm chữ hay về treo trong nhà. Nhìn nét chữ uyển chuyển, hồn chữ bay bổng, ông như có thêm động lực cho một năm dài phía trước. Quả vậy, người cho chữ gieo hy vọng, người xin chữ nhận niềm tin - và cứ thế, ước nguyện đầu xuân lớn dần và tinh anh qua từng câu chữ.
Ông Nhâm Hùng chia sẻ niềm vui khi người Cần Thơ ngày càng quay về với nét xưa ngày Tết. "Đó là lối sống lấy nhân nghĩa, cội nguồn làm nền tảng, rất quý báu mà người Cần Thơ hôm nay còn gìn giữ được"- ông Hùng chiêm nghiệm cùng tôi trong một sáng cuối năm. Bất giác nghĩ rằng, âu đó cũng là nét nhân văn giữa nhịp đời hối hả.
Theo Huỳnh Mai/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/van-hoa/tet-va-tap-tuc-xin-chu-o-mien-tay-20210212154743380.htm