Cập nhật: 21/02/2021 08:29:00
Xem cỡ chữ

Ba trường hợp được đưa đến Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu do chơi pháo đều phải phẫu thuật với nhiều thương tích trên người như dập nát bàn tay, hỏng mắt, tổn thương ngực, đùi...

Trong những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, phòng Cấp cứu - Bệnh viện Đà Nẵng liên tiếp tiếp nhận 3 trường hợp chấn thương nặng do pháo nổ.

Cả 3 trường hợp đều phải phẫu thuật với nhiều thương tích trên người như dập nát bàn tay, hỏng mắt, tổn thương ngực, đùi...

Cụ thể, rạng sáng mùng 1 Tết (ngày 12/2), Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận nam bệnh nhân L.H.T (sinh 1996, trú huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) bị vỡ nhãn cầu mắt phải, đa dị vật, kết giác mạc mắt trái. Nguyên nhân được xác định là do bệnh nhân xem pháo và bị pháo nổ vào mắt.

Nát bàn tay, hỏng mắt vì chơi pháo ngày Tết - 1

Bệnh nhân xem pháo và bị pháo nổ vào mắt

Sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng phẫu thuật cắt bỏ mắt phải, lấy dị vật ở mắt trái.

Trường hợp thứ 2 là nam bệnh nhân Đ.T. H (sinh năm 1972, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nhập cấp cứu vì bị dập nát bàn tay do pháo nổ. Theo lời kể của bệnh nhân, khi nhìn thấy các con đốt pháo sáng, ném vào nhau, bệnh nhân lao tới chụp pháo và bị nổ, dập tay phải. Hiện bệnh nhân đã được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM).

Trường hợp còn lại là nam bệnh nhân 19 tuổi, trú huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Bệnh nhân tự chế tạo pháo từ phân bón, lưu huỳnh và than. Bệnh nhân cầm pháo trên tay và đốt, xảy ra nổ, khiến dập nát bàn tay trái, đa vết thương thành ngực trái, đùi trái và chân phải. Những người xung quanh đứng xem bị xây xước nhẹ, rách áo.

Hiện bệnh đang điều trị tại Khoa Ngoại lồng ngực - bệnh viện Đà Nẵng.

Nát bàn tay, hỏng mắt vì chơi pháo ngày Tết - 2

Một bệnh nhân khác chơi pháo tự chế khiến dập nát bàn tay trái, đa vết thương thành ngực trái, đùi trái và chân phải

Các bác sĩ cảnh báo, đốt pháo gây nguy cơ cháy nổ. Bên cạnh đó, tai nạn do pháo nổ rất nguy hiểm, gây thương tích nặng cho bản thân và mọi người xung quanh. Sau phẫu thuật, quá trình điều trị lâu dài, hồi phục chức năng khá lâu.

Vì thế, để phòng tránh tai nạn do pháo nổ, người dân không nên tự chế tạo pháo, mua pháo đốt; phụ huynh nên quan tâm, theo dõi con, không cho trẻ sử dụng pháo. Khi gặp người bị tổn thương do pháo nổ, cần phải đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Theo Khánh Hồng/dantri.com.vn -  Ngày 20/2/2021

https://dantri.com.vn/suc-khoe/nat-ban-tay-hong-mat-vi-choi-phao-ngay-tet-20210220162714109.ht