Săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã làm suy giảm đa dạng sinh học, gây ra nguy cơ tạo nên đợt tuyệt chủng lần thứ 6, đe dọa đến sự tồn tại của loài người.
Con người đang là nguyên nhân gây ra đợt tuyệt chủng lần thứ 6
Theo báo cáo đánh giá toàn cầu Ủy ban Liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái (IBPES) năm 2019, có khoảng 1 triệu loài động thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng với tốc độ gấp nhiều lần so với lịch sử tiến hóa của sinh giới. So với thời điểm đầu thế kỷ 19, khoảng 20% các loài động thực vật trên cạn đã biến mất. Các con số thống kê cho thấy bức tranh tiêu cực về tương lai của đa dạng sinh học trên Trái đất. Bi quan hơn, nhiều người cho rằng loài người đang ở trong đợt tuyệt chủng lần thứ 6 – tuy nhiên khác với 5 đợt tuyệt chủng trước đây đều do các nguyên nhân tự nhiên, lần tuyệt chủng này có nguyên nhân chính là do tác động mãnh liệt của loài người.
Mức độ suy giảm đa dạng sinh học trên thế giới và Việt Nam đang đứng trước nguy cơ gây ra đợt tuyệt chủng lần thứ 6, đe dọa đến sự tồn tại của loài người.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), khoảng 60% bệnh dịch lây nhiễm ở người xuất phát từ động vật. Con số trên đã tăng lên thành 75%, với những dịch bệnh đáng lo như Ebola, HIV, cúm gia cầm, Zika, dịch hạch…
Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho biết, Việt Nam là một trong 16 quốc gia có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học cao nhất thế giới nhưng cũng không nằm ngoài xu hướng suy giảm. Hai nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học là mất sinh cảnh sống và nạn săn bắt, buôn bán và tiêu thụ các loài động thực vật hoang dã.
Tình trạng săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trên thế giới đang ở mức báo động.
Đơn cử như, quy mô dân số của Việt Nam đang dần tiến đến con số 100 triệu người là sức ép rất lớn lên các hệ sinh thái – nơi cung cấp các nguồn sống cho con người. Bên cạnh đó, thói quen lạm dụng thiên nhiên, sử dụng các loài động thực vật hoang dã phục vụ nhu cầu cuộc sống đã ăn sâu trong văn hóa Việt Nam từ lâu đời. Các loài động thực vật hoang dã đã và đang bị khai thác cạn kiệt. Trong những năm gần đây, khi đời sống kinh tế được nâng cao, Việt Nam thậm chí đang được cho là điểm đến của nhiều sản phẩm động vật hoang dã như ngà voi, sừng tê giác, tê tê, … từ nhiều nơi trên thế giới để phục vụ nhu cầu của tầng lớp "nhà giàu mới nổi".
Bảo vệ và bảo tồn các loài động thực vật hoang dã đang là mục tiêu chung của nhiều tổ chức trong và ngoài nước. Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, trong những năm gần đây đã có nhiều tổ chức phi lợi nhuận của Việt Nam tham gia vào những nỗ lực này – công việc trước đây vốn được cho là hoạt động của các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Hoạt động của các tổ chức bảo tồn thiên nhiên Việt Nam hiện nay khá đa dạng, từ nghiên cứu, cứu hộ, nhân nuôi, tái thả các loài hoang dã cho đến nâng cao nhận thức công chúng, góp phần cải thiện chính sách, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên và các quần thể loài tự nhiên,....
Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature).
Việt Nam nỗ lực xử lý vi phạm, giải cứu động vật hoang dã
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) thông tin, trong năm 2020, riêng Trung tâm này đã ghi nhận tại Việt Nam có tới 2.907 vụ việc vi phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) với tổng số vi phạm đơn lẻ lên tới hơn 7.651 (một vụ việc có thể bao gồm nhiều vi phạm đơn lẻ).
“Số lượng vi phạm báo cáo tới ENV mỗi ngày trong năm 2020 tăng gần gấp đôi so với năm 2019; điều này chứng tỏ cộng đồng ngày càng quan tâm tới vấn đề bảo về ĐVHD. ENV đã trở thành cầu nối để cộng đồng cũng có thể hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc giám sát các hành vi vi phạm về ĐVHD. Chúng tôi hy vọng các cơ quan chức năng sẽ nỗ lực hơn nữa trong xử lý các vi phạm về ĐVHD trong năm 2021”, bà Bùi Thị Hà cho biết.
Nhiều sản phẩm từ động vật hoang dã đang trong quá trình vận chuyển đi tiêu thụ bị bắt giữ ở Việt Nam.
Trong giai đoạn 2015-2020, các cơ quan chức năng trong nỗ lực ngăn chặn các tội phạm về ĐVHD bằng việc đưa ra xét xử hình sự tới 552 vụ án về ĐVHD, trong đó, giai đoạn 2018-2019, số lượng các vụ án hình sự về ĐVHD đã tăng 44%. Tỉ lệ trung bình số vụ án hình sự có phát hiện đối tượng bị bắt giữ trong giai đoạn 2015-2019 là 86,7% trên tổng số vụ án, con số này trong nửa đầu năm 2020 đã lên đến 97% (36/37 vụ).
Trong thời gian vừa qua, ngoài việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị về “tăng cường công tác quản lý các loài chim hoang dã di cư tại Việt Nam,” Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có các văn bản gửi các bộ, ngành và các địa phương như: đề nghị chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực thi pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học và các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; ngăn chặn nạn săn, bắt, tận diệt các loài chim hoang dã di cư…
Thiên nhiên tồn tại có thể không cần đến con người, nhưng con người phải cần thiên nhiên để tồn tại!.
Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho rằng, năm 2020, Việt Nam chứng kiến nhiều biến cố thiên tai, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Một trong những nguyên nhân được cho là do chúng ta đã làm mất khả năng phòng hộ của các hệ sinh thái tự nhiên. Ngày động thực vật hoang dã thế giới năm nay có tiêu đề Forests and Livelihoods: Sustaining People and Planet (Rừng và sinh kế: Nuôi sống con người và hành tinh).
“Vì vậy tôi muốn gửi đi thông điệp về sự khẩn cấp phải bảo vệ những cánh rừng và các hệ sinh thái tự nhiên còn sót lại trên đất nước Việt Nam. Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ tăng cường hơn nữa việc thực thi pháp luật bảo vệ các loài động thực vật hoang dã để các khu rừng không trở thành những khu “rừng lặng”. Thiên nhiên có thể tồn tại không cần con người chúng ta. Nhưng chúng ta cần thiên nhiên để tồn tại!”, ông Nguyên khẳng định.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho rằng, việc con người khai thác thiên nhiên và ĐVHD quá mức sẽ gây tác động lớn tới môi trường, thiên nhiên, thúc đẩy nhanh và gia tăng tác động của quá trình biến đổi khí hậu, xuất hiện nhiều thiên tai với mức độ và tần suất lớn hơn: hạn hán, lũ lụt...
Bà Hà chia sẻ thêm: “Với tốc độ này, chúng ta chắc chắn sẽ chứng kiến nhiều đại dịch khác có nguồn gốc từ động vật bùng phát trong tương lai, trừ khi chúng ta thay đổi nhận thức và hành động ngay bây giờ”./.
Theo Văn Ngân/VOV.VN - 3/3/2021
https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/san-bat-tieu-thu-dong-vat-hoang-da-dang-gay-ra-dot-tuyet-chung-lan-thu-6-840660.vov