Mì Chũ là sản phẩm truyền thống ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Đây là món ăn phổ thông dân dã có mặt trong nhiều gia đình, hàng quán. Trước nhu cầu thưởng thức ẩm thực ngày càng phong phú, những người làm nghề sản xuất mì Chũ đã cải tiến chất lượng, góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm.
Thôn Cảnh, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn được biết đến là nơi có nhiều cơ sở sản xuất mì Chũ truyền thống. Tại Hợp tác xã sản xuất mì Chũ Dậu Anh, hàng chục lao động đang miệt mài làm việc trong nhà xưởng chế biến. Tiếng máy chạy rì rầm, bếp lửa rực hồng, khói bốc nghi ngút. Từng mẻ bột sau khi tráng trải dài trên phên tre được phơi dưới nắng vàng. Thay vào màu trắng của sản phẩm mì truyền thống là màu đỏ, hồng, vàng, xanh của những phên bánh tráng trông như những dải lụa. Giới thiệu về sản phẩm mới, chị Nguyễn Thị Kiều Anh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dậu Anh cho biết: “Trước nhu cầu thưởng thức ẩm thực ngày càng cao của khách hàng và hướng tới phục vụ hoạt động du lịch của địa phương, hợp tác xã đã tiến hành cải tiến công đoạn sản xuất nhằm tạo ra nhiều sản phẩm mới chất lượng tốt hơn. Toàn bộ nguyên liệu chế biến đều lấy tại địa phương là các loại nông sản tự nhiên, không có phẩm màu, hóa chất bảo quản”.
|
Sản phẩm mì Chũ phục vụ nhu cầu khách tham quan, du lịch tại các hội chợ thương mại làng nghề. |
Mì Chũ được làm từ gạo bao thai hồng. Đây là loại gạo truyền thống được thu hoạch trên mảnh đất Lục Ngạn. Để làm ra những loại mì với màu sắc bắt mắt, người thợ còn khéo léo kết hợp với các loại rau, củ, quả như màu xanh của rau chùm ngây, màu vàng của nghệ, màu đỏ của gấc, củ dền... Các loại nông sản do bà con trong vùng trồng nhập về xưởng sản xuất mì để chế biến. Bột gạo xay mịn sẽ được trộn với nước ép các loại rau, củ, quả trên. Trực tiếp đảm nhiệm khâu làm bột tráng bánh, chị Trần Thị Nhi chia sẻ: “Muốn sản phẩm có màu đẹp thì việc trộn bột gạo và các loại rau, củ, quả xay nhuyễn phải đảm bảo tỷ lệ hợp lý. Thêm vào đó, sau khi tráng xong bánh phải được phơi dưới nắng cho đến khi có độ dẻo vừa tầm thì đem vào cắt. Khi đó sản phẩm vừa đảm bảo chất lượng lại có tính thẩm mỹ cao”.
Loại mì Chũ rau, củ tuy mới xuất hiện nhưng đã được khách hàng yêu thích nhờ có chất xơ trong sản phẩm nên người sử dụng thuận tiện hơn trong khâu chế biến. Không những vậy, màu sắc tự nhiên của sợi mì cũng rất ưa nhìn. Sản phẩm mới lạ nên có nhiều đơn đặt hàng, bình quân mỗi ngày hợp tác xã Dậu Anh sản xuất gần 1 tạ mì rau, củ. Công việc thuận lợi đã giải quyết được số lượng lớn việc làm cho người dân địa phương, đồng thời giúp tiêu thụ đáng kể số lượng nông sản cho bà con trong vùng. Để mở rộng thị trường, hợp tác xã đã tích cực làm tốt công tác quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, lễ hội truyền thống, giới thiệu tới khách tham quan du lịch.
Ông Hoàng Văn Lậy, Phó trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Lục Ngạn cho biết: “Sản phẩm mì Chũ rau, củ đã được chứng nhận chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ chú trọng việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, các cơ sở sản xuất mì Chũ đã mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, việc gắn sản xuất nghề thủ công truyền thống với phát triển du lịch làng nghề, du lịch sinh thái đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Vì vậy sản phẩm mì Chũ rau, củ đang được địa phương khuyến khích sản xuất kết hợp với phát triển nông sản sạch, qua đó thúc đẩy kinh tế, du lịch của quê hương Lục Ngạn ngày một đi lên”.
Theo Bài và ảnh: NGỌC NAM/qdnd.vn - Ngày 9/3/2021
https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/nang-tam-nghe-truyen-thong-de-phat-trien-du-lich-653677