Người dân ở xã Vân Sơn (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) thường nhắn nhủ du khách nên chọn mùa xuân để đến với nơi này. Từ cung đường trên cao nương theo sườn núi, sẽ thấy ngọn đồi hình chiếc bát úp giữa thung lũng xanh với từng làn mây trắng đang sà xuống. Ðó là xóm Chiến, nơi những ngôi nhà sàn của người Mường nằm rải rác quanh đồi, cam, quýt trong vườn đang mùa trổ hoa thơm dịu. Vài năm nay, đây trở thành điểm đến được yêu thích của nhiều đoàn khách du lịch.
Giới thiệu chiêng truyền thống của người Mường ở Vân Sơn đến du khách.
Xứ Mường mây trắng nên thơ…
Xã Vân Sơn còn được mệnh danh là "thung lũng tiên", "thung lũng trường thọ" bởi có rất nhiều cụ già tuổi trên dưới 100 vẫn minh mẫn, mạnh khỏe, có thể giúp con cháu việc nhà và lên rừng tìm lá thuốc… Vân Sơn xa xưa có tên là Mường Chậm, sau này người dân còn gọi nôm na bằng những cái tên đầy thơ mộng: Thung Mây, Lũng Mây… Ðây cũng là một trong những cái nôi văn hóa cổ và lớn nhất của dân tộc Mường ở Hòa Bình. Hỏi người già về bí quyết trường thọ, các cụ nhìn khách xa, móm mém nở nụ cười nhân hậu, chia sẻ rằng, đó là nhờ không khí trong lành và sự hài hòa, cân bằng giữa con người với thiên nhiên. Văn hóa Mường nói chung đề cao sự thích nghi một cách ôn hòa, nhiều bí quyết văn hóa, tập quán tới các bài thuốc quý giúp con người chống chọi với sự đổi thay, khắc nghiệt được truyền tụng lại.
Ðiểm du lịch cộng đồng xóm Chiến cách trung tâm xã Vân Sơn gần 4 km, có độ cao khoảng 800 m so với mực nước biển. Ðây là một trong năm xã vùng cao của huyện Tân Lạc, cộng đồng người Mường định cư lâu đời, sống tập trung quanh các ngọn đồi thấp, bốn phía là núi rừng và ruộng đồng bao la, không khí trong lành, thoáng đãng. Xóm Chiến có diện tích 487 ha, gồm 74 hộ với 347 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông như trồng lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Ðặc sản của xóm làm nên nét nổi bật về nông sản xã Vân Sơn là những mảnh vườn có nhiều gốc quýt cổ và mật ong trong vườn cam, quýt. Bên cạnh những nếp nhà sàn theo kiểu truyền thống của người Mường được bảo tồn gần như nguyên vẹn, vài năm trở lại đây, người dân xóm Chiến đã khôi phục và thường xuyên mặc trang phục truyền thống tạo nên nét đặc trưng về bản sắc, thẩm mỹ. Ðàn ông mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, có hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực trái; quần ống rộng, thêm khăn thắt ngang bụng, còn gọi là khăn quần; trên đầu quấn khăn trắng. Dịp lễ, Tết, trang phục ngày thường được thay bằng lễ phục với áo lụa tím hoặc tơ vàng, khăn mầu tím than, bên ngoài khoác đôi áo chùng đen dài tới gối, cài cúc bên nách và sườn phải. Phụ nữ ngày thường mặc áo pắn (áo ngắn), loại áo cánh ngắn mầu trắng hoặc nâu, ống tay dài, bên trong mặc áo yếm, đầu thường đội khăn trắng, xanh; váy dài mầu đen. Nét đặc sắc trên trang phục của phụ nữ Mường chính là phần hoa văn được thêu, dệt tinh tế nổi lên giữa trang phục và cạp váy, thắt lưng. Ðồng bào Mường ở xóm Chiến nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung sở hữu kho tàng văn hóa dân gian phong phú với nhiều thể loại như: thơ dài, bài mo, truyện cổ, dân ca, ví đúm, tục ngữ… Ngoài ra, còn có: hát ru em, đồng dao, hát đập hoa, hát đố, hát trẻ con chơi... Nhạc cụ của đồng bào Mường cũng rất phong phú, gồm: Cồng, nhị, sáo trống, khèn lù… gắn liền với những làn điệu dân ca từ cổ xưa truyền lại.
Xóm Chiến, xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc (Hòa Bình).
Nhờ bề dày văn hóa truyền thống và những tiềm năng về địa lý, con người, từ năm 2019, địa phương được Quỹ Ô-xtrây-li-a vì Nhân dân châu Á và Thái Bình Dương (AOP) hỗ trợ kinh phí triển khai dự án "Cải thiện sinh kế bền vững thông qua phát triển Du lịch cộng đồng". Từ nguồn lực cho vay của dự án, có ba hộ dân triển khai mô hình lưu trú cho khách du lịch (homestay). Ông Hà Văn Thạn, chủ homestay Hải Thạn cho biết, khi chưa có dịch Covid-19, trung bình mỗi tháng, nhà ông đón khoảng 100 khách. Trước đó, gia đình ông cùng hai hộ khác đầu tư sửa sang nhà cửa, công trình phụ vừa bảo đảm giữ gìn nét truyền thống vừa đủ tiện nghi phục vụ du khách trong nước và nước ngoài. Ðiểm mạnh của xóm Chiến là tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, với 60 trong số 74 hộ trong xóm cùng tham gia làm du lịch cộng đồng. Trong đó, 14 hộ tham gia nhóm văn nghệ, 14 hộ tham gia đón tiếp khách và hướng dẫn viên, 14 hộ tham gia nhóm dịch vụ bán hàng, 14 hộ tham gia nhóm cho thuê phương tiện, 14 hộ tham gia nhóm ẩm thực... Từ khi làm du lịch cộng đồng, người dân càng chú trọng chăm sóc cảnh quan môi trường, quy hoạch khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, nâng cấp đường làng, ngõ xóm… Du khách tới xóm Chiến thích thưởng thức văn nghệ với những điệu múa hát truyền thống của người Mường, ẩm thực địa phương phong phú, tham quan danh lam, thắng cảnh. Cũng trên địa bàn xã Vân Sơn, từ xóm Chiến, du khách thuận tiện di chuyển sang xóm Tớn tham quan động Nam Sơn. Ðộng được người dân địa phương phát hiện vào đầu năm 2004 trong khi dò tìm nguồn nước. Ðộng Nam Sơn có chiều dài 455 m, cấu trúc rất đẹp, chia làm ba ngăn (ngăn ngoài, ngăn giữa, ngăn trong), mỗi ngăn ẩn chứa vẻ đẹp kỳ bí, lung linh, khác lạ với hệ thống nhiều cột đá, nhũ đá, măng đá và rèm đá. Ðộng nằm trong hệ sinh thái của khu vực rừng đệm Vườn quốc gia Cúc Phương và Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, được công nhận di tích thắng cảnh quốc gia vào năm 2008. Bên cạnh động Nam Sơn còn có hang Núi Kiến ở xóm Hượp là một trong số những hang động đẹp của tỉnh Hòa Bình, nằm trong hệ sinh thái đồi rừng và cảnh quan trên núi đá vôi trên tuyến đường tham quan du lịch huyện Tân Lạc. Cửa hang Núi Kiến cao 30 m so với chân núi, hang sâu vào lòng núi gần 200 m, nơi rộng nhất khoảng 30 m, vòm cao từ 1 m đến 20 m. Hai cửa hang đều ở hướng Tây Bắc, hang chia thành sáu vòm động chính có giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật và du lịch, được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh đầu năm 2019.
Thúc đẩy du lịch phát triển đồng bộ
Chủ tịch UBND xã Vân Sơn Hà Văn Huê cho biết, nhờ những mô hình du lịch cộng đồng được triển khai kịp thời như ở xóm Chiến mà giai đoạn 2016 - 2020, lĩnh vực du lịch của huyện Tân Lạc tăng trưởng đạt 32%. Trong đó, tăng về lượt khách đạt 16,6%, tăng về thu nhập đạt 37,2%, tăng về lao động đạt 42,3%. Những con số này cho thấy, địa phương từng bước phát huy được tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch. Toàn huyện hình thành ba không gian du lịch chính: không gian phía bắc, gồm các xã: Phú Cường, Suối Hoa, Phú Vinh; phía nam gồm các xã: Phong Phú, Vân Sơn, Ngổ Luông; khu vực trung tâm gồm thị trấn Mãn Ðức và các xã lân cận như: Tử Nê, Thanh Hối. Các điểm du lịch đều thuận tiện trong giao lưu, hợp tác, di chuyển. Trong tương lai, các địa phương sẽ có những giải pháp cụ thể để phát triển đồng bộ dựa trên tiềm năng sẵn có và chú trọng triển khai, quy hoạch giao thông, khu dân cư, dịch vụ.
Theo đánh giá từ các chuyên gia dự án AOP, nhìn chung, từ khi triển khai du lịch cộng đồng, địa phương đã luôn nỗ lực, có những cá nhân tích cực như ông Hà Văn Thạn vừa chủ động trong vận hành du lịch vừa linh hoạt xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình đón tiếp khách; bà Hà Thị Biêu, chủ homestay Xuân Trường tuy đã cao tuổi nhưng rất tích cực đăng bài quảng bá du lịch, tương tác và giữ mối liên hệ chặt chẽ với du khách trên trang mạng xã hội. Những bài viết của bà tạo ấn tượng bởi sự chân thành, mộc mạc, hiếu khách. Nhiều câu chuyện, kỷ niệm nhỏ khi được chính người dân địa phương kể cho du khách lại trở thành điểm nhấn thu hút. Như chuyện các cụ già xóm Chiến kể về ba cây vải hàng trăm năm tuổi, sự tích những nhũ đá có hình thù kỳ lạ ở động Nam Sơn. Tuy triển khai mô hình du lịch cộng đồng muộn hơn so với các điểm khác ở tỉnh Hòa Bình nhưng mô hình ở xóm Chiến nhanh chóng thành công. Các hộ dân luôn phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó, nhà đông khách san sẻ cho nhà ít khách, không cạnh tranh phức tạp. Các hộ dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng ở xóm Chiến chia sẻ mong muốn du khách đến địa phương không chỉ dừng lại ở các dịch vụ ăn, ngủ, nghỉ, tham quan… mà lâu dài, địa phương cần có thêm định hướng để các hộ cùng phát triển thêm nhiều mô hình sinh thái, cung cấp nông sản, khôi phục nghề thủ công truyền thống, phục dựng lại một số phong tục, lễ hội đã mai một trong cộng đồng người Mường. Hiện tại, xóm Chiến có nhiều cụ già chơi thạo các nhạc cụ truyền thống, thuộc lòng điệu hát cổ xưa, giữ công thức độc đáo về bài thuốc, ẩm thực... Trong tương lai gần, cần có giải pháp lưu giữ, truyền dạy, nhân rộng trong cộng đồng để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bền vững. Ðây cũng là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch cộng đồng.
Hiện nay, một điểm khó khăn của xóm Chiến là giao thông chưa thuận tiện. Ðường liên xã đã xuống cấp, đường bê-tông liên xóm nhỏ hẹp khiến xe ô-tô lớn không vào được. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch còn ít, chưa khôi phục được nghề truyền thống là dệt, đan lát; chưa đa dạng hóa được loại hình trải nghiệm cho du khách… Ngoài ra, vấn đề giới thiệu, quảng bá du lịch còn hạn chế khiến thông tin về địa điểm vẫn thưa vắng, thậm chí "mất hút" trên bản đồ du lịch Hòa Bình. Hy vọng, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục nỗ lực bứt phá để Vân Sơn trở thành điểm nhấn thu hút du khách khi đến với tỉnh Hòa Bình.
Theo Bài và ảnh: MAI LỮ/nhandan.com.vn - Ngày 13/3/2021
https://nhandan.com.vn/tin-tuc-du-lich/xuan-am-van-son-638273/