Cập nhật: 14/03/2021 09:04:00
Xem cỡ chữ

Nghề gốm ở Bình Dương đã có những đổi mới, sáng tạo để “sống khỏe” trong thời buổi hội nhập nhưng cũng lắm gian nan để lưu giữ và phát triển.

Nghề gốm Bình Dương - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia có tuổi đời gần 200 năm. Cũng như các nghề truyền thống khác, nghề này đã và đang gặp không ít khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập. Để trụ được với nghề, những người yêu nghề đã tìm mọi cách thích ứng và họ cũng rất cần trợ lực từ những chính sách thiết thực để đưa nghề gốm “bay cao, bay xa”.

Thay đổi để thích ứng

Cách trung tâm thành phố Thủ Dầu Một không xa có một con đường mang tên Lò Lu, nằm ở phường Tương Bình Hiệp. Đây cũng là nơi lưu giữ, bảo tồn nghề gốm Bình Dương với hàng chục hộ dân vẫn miệt mài sản xuất lu, vại bằng phương pháp thủ công truyền thống.

Gốm Bình Dương được làm thủ công.

Ông Bùi Văn Giang, Chủ lò lu Đại Hưng - lò gốm cổ nhất Bình Dương, được công nhận là Di sản văn hóa cấp tỉnh cho biết, trước đây, lu, vại được ưa chuộng nên bán rất nhanh, thương lái tìm đến tận lò thu mua sản phẩm. Những năm gần đây, chủ lò phải chủ động tìm đầu ra ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và xuất khẩu sang Campuchia.

Đáp ứng thị hiếu của khách, những người làm nghề phải thay đổi từ mẫu mã đến nước men. Khó khăn và vậy mà thu nhập cũng không cao, nhưng những người thợ vẫn một lòng gắn bó với nghề: “So với nghề khác, nghề này thu nhập ít hơn nhưng vì yêu nghề nên tất cả người trong gia đình vẫn gắn bó, gìn giữ. Có công nhân, đời cha đời mẹ đã làm nghề này suốt 50-60 năm, sau đó đời con về ở đây cũng gắn bó hơn 30 năm, rồi đến đời cháu".

Gốm Bình Dương không chỉ nổi tiếng làm lu, vại mà còn nhiều sản phẩm gia dụng như nồi đất, tô, chén, bình trà gốm sứ… mang nét đặc trưng riêng về màu men và cách trang trí. Những năm gần đây, nhờ có tư duy thay đổi để thích ứng, gốm Bình Dương đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho một bộ phận không nhỏ dân cư. Hiện, Bình Dương có gần 300 cơ sở sản xuất gốm, mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 130 -150 triệu sản phẩm.

Gốm Bình Dương có những nét đặc trưng từ mẫu mã đến chất men.

Nỗ lực không ngừng, gốm Bình Dương đã và đang từng ngày phát triển, dần dần chinh phục được các thị trường khó tính như châu Âu và châu Mỹ. Một số công ty lớn có kim ngạch xuất khẩu hàng triệu USD mỗi năm như Minh Long, Phước Dũ Long, Cường Phát, Minh Phát...

Còn nhiều khó khăn để bảo tồn, phát triển

Nghề gốm ở Bình Dương đã có những đổi mới, sáng tạo để “sống khỏe” trong thời buổi hội nhập nhưng cũng lắm gian nan để lưu giữ và phát triển. Là 3 trung tâm gốm nổi tiếng của tỉnh nhưng đến nay tại phường Chánh Nghĩa (thành phố Thủ Dầu Một), phường Lái Thiêu (thành phố Thuận An) và phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên) số lượng lò gốm giảm đáng kể bởi những quy định khắt khe về môi trường.
    
Ông Lý Ngọc Bạch - Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Bình Dương cho biết, hiện nay chủ trương chung của tỉnh là di dời các cơ sở trong vùng đông dân cư ra một vùng khác và yêu cầu chuyển từ lò nung truyền thống bằng củi sang sử dụng gas, điện. Việc di dời, thay đổi công nghệ đòi hỏi vốn tái đầu tư lớn nên số lượng lò gốm ở Bình Dương đã giảm đáng kể.

Ông Lý Ngọc Bạch cho biết: “Hiện chúng tôi đang kiến nghị những chỗ đất rộng quy hoạch một khu cho gốm sứ về đó phát triển, rồi cho chủ doanh nghiệp vay một số tiền trả dài hạn, ưu đãi để xây dựng theo ý mình. Từ đó sản xuất sẽ thuận lợi hơn, giá thành rẻ hơn để cạnh tranh”.

Không chỉ góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa, nghề gốm cũng mang lại giá trị kinh tế.

Một khó khăn khác của nghề gốm ở Bình Dương đó là thiếu lao động. Bởi, nghề này không chỉ đòi hỏi sự khéo tay mà phải có sự sáng tạo để đưa ra những sản phẩm đẹp mắt, đủ sức cạnh tranh. Cũng chính những đòi hỏi cao của nghề này nên ít lao động trẻ lựa chọn để lập thân, lập nghiệp.

Giải bài toán thiếu lao động cho nghề gốm, trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương đã khôi phục lại việc dạy và học nghề này tại trường. Theo ông Lê Trung Hải, chủ cơ sở gốm Trung Thành (phường Bình Hòa, thành phố Thuận An), đào tạo phải đi đôi với thực hành thì mới mong có đội ngũ lành nghề: “Nếu dạy học viên phải dạy lí thuyết và cho kết hợp thực hành ở lò để có thêm kinh nghiệm. Học viên nắn bằng tay đẹp nhưng khi đổ khuôn, làm khuôn thì không làm được”.

Gốm Bình Dương được chọn trưng bày tại Đại lễ Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội.

Nghề gốm ở Bình Dương qua nhiều thăng trầm nhưng nó đã mang lại những giá trị văn hóa cùng với giá trị kinh tế cao cho tỉnh Bình Dương, góp phần tô điểm cho vẻ đẹp văn hóa con người Bình Dương thêm đa màu, đa sắc. Để nghề gốm phát triển hơn nữa, người yêu nghề mong muốn Bình Dương có những chính sách quan tâm hơn và những đề án, kế hoạch bảo tồn đừng chỉ nằm trên giấy mà nhanh chóng triển khai./.

Theo Thiên Lý/VOV-TPHCM - Ngày 14/3/2021

https://vov.vn/van-hoa/di-san/gom-binh-duong-da-thich-ung-nhung-van-kho-bao-ton-842151.vov