Nguyễn Huy Thiệp, bằng tài năng và rất nhiều trăn trở, suy tư, cùng nỗi cô đơn và chịu nhiều cay đắng, đã bước một lối đi riêng, có một tiếng nói riêng khác biệt. Văn chương của ông như dấu vân tay, in đậm dấu ấn Nguyễn Huy Thiệp trên văn đàn.
Đây là những câu thơ cuối cùng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết trên giường bệnh: “Sinh lão bệnh tử/ Luật trời đã ban/ Thì đành chấp nhận/ Với nụ cười thôi… Nói chỉ nói vậy thôi/ Lòng buồn không tả nổi…”. Và chiều mưa ngày 20/3/221, ông đã ra đi mãi mãi, để lại "nỗi buồn không tả nổi" cho tất cả những ai trân trọng, yêu quý ông.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một trong những tên tuổi đáng chú ý nhất, một tác gia truyện ngắn xuất sắc nhất của văn đàn Việt Nam từ sau năm 1975.
Trong cuốn sách cuối cùng của ông xuất bản hồi tháng 8/2020, cuốn “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” với 42 truyện ngắn do chính nhà văn tuyển chọn mang tính tổng kết đời văn của mình, ông chia sẻ: “ Khó nhất không phải chỉ là tiền bạc, cũng khó nhất không phải chỉ là tri thức, mà khó nhất là đạo đức, nhà văn chỉ là người đi tìm đạo cho dân chúng”.
Với ý niệm "tìm đạo" ấy, suốt cuộc đời chữ nghĩa của mình, Nguyễn Huy Thiệp đã trăn trở, suy tư, thậm chí, đã rất cô đơn và lắm khi, phải chịu nhiều đắng cay để bước một lối đi riêng, tìm cho mình một tiếng nói đầy khác biệt… Văn ông, người thích, người không, nhưng cái cách mà ông nhận diện, phản ánh sự thật thì chắc khó có người phủ nhận, đó là một “sự quyết liệt trong văn chương”.
Người bạn văn của ông - nhà văn Nguyễn Văn Thọ từng chia sẻ: Nguyễn Huy Thiệp có hai điều đặc biệt. Thứ nhất, giọng văn lạ, chẳng giống ai từ trước tới nay. Ông có biệt tài trong việc đối thoại (phải nói là số một của văn học Việt Nam), cũng như dựng không khí, cấu trúc, xây dựng nhân vật. Thứ hai, Nguyễn Huy Thiệp nhìn thẳng vào những bề bộn của xã hội, vào cái ác, lẫn chiều sâu của thân phận mỗi cá nhân trong chiều dài thân phận đất nước, dân tộc... Ta có thể thấy rõ trong “Tướng về hưu”, “Những ngọn gió Hua Tát”, “Những người thợ xẻ”, “Chảy đi sông ơi"…
Có người bảo: “Nguyễn Huy Thiệp có sứ mệnh đổi mới văn học và ông đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình”. Dẫu đúng, dẫu sai thì những dấu ấn của ông trên văn đàn là thực sự rõ ràng, đậm nét. Ông tạo ra một cảm quan, cái nhìn mới về đời sống, dẫn đến một hướng viết mới, một ngôn ngữ mới, một cách biểu đạt mới trong văn xuôi Việt Nam hiện đại. Nguyễn Huy Thiệp thường dùng ngôn ngữ bỗ bã đời thường, ông gọi đúng tên sự vật, không kiêng nể, làm nhiều người ban đầu bị choáng, nhưng càng đọc càng thấy say, càng ngẫm càng thấy ngấm - điều chỉ có ở những tài năng.
Nói như nhà phê bình Văn Giá: “Từ Nguyễn Huy Thiệp trở đi, văn học Việt Nam khác. Ông đã cắm một dấu mốc rất ghê gớm và quan trọng vào đời sống văn học Việt Nam. Nguyễn Huy Thiệp là một người dấn thân trong bút pháp và cả trong nhận thức, biết hi sinh, biết cống hiến, đồng cam cộng khổ với người dân... Đó là những điều mà một đời văn “huy hoàng” Nguyễn Huy Thiệp để lại cho tất cả chúng ta”.
Còn theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, sau Nam Cao thì Việt Nam chỉ có Nguyễn Huy Thiệp là người viết có văn và có tư tưởng. Trong khi Nam Cao viết rất hay về người nông dân Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX thì Nguyễn Huy Thiệp cũng xuất sắc trong việc viết về người Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX. Và cái đặc sắc làm nên dấu ấn riêng của Nguyễn Huy Thiệp trong văn chương, theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, chính là ông dám đi đến tận cùng cái ác của con người, làm một cuộc phẫu thuật vào cái ác của con người và phơi bày nó ra mà “chữa bệnh”. Đó là điều mà các văn nghệ sĩ Việt Nam trước ông nói chung luôn dè dặt không dám bước đến tận cùng...
Tuy lột trần cái ác trong con người, nhưng Nguyễn Huy Thiệp lại không bao giờ quên đọc rõ chất “người” trong mỗi con người. Chính lúc cái ác bị phơi bày cũng là lúc cái ác được tiêu diệt.
Bởi thế mới nói, không có chỗ cho sự một chiều trong thế giới người ở văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Và chính điều đó đã làm nên đời văn “huy hoàng” Nguyễn Huy Thiệp…/.
Theo VOV2- 22/3/2021
https://vov.vn/van-hoa/van-hoc/van-chuong-nguyen-huy-thiep-in-dau-van-tay-tren-van-dan-844890.vov