Cập nhật: 05/04/2021 16:35:00
Xem cỡ chữ

Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị Tài nguyên di sản làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến di sản, du lịch, thương hiệu, báo chí và truyền thông, bảo tàng...

ĐH Quốc gia Hà Nội mở ngành học mới, cử nhân Quản trị Tài nguyên di sản - 1

Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới theo tiêu chuẩn về giá trị địa chất, địa mạo.

Khoa Các khoa học liên ngành, ĐH Quốc gia Hà Nội vừa mở ngành học mới Cử nhân Quản trị Tài nguyên di sản, tuyển sinh trong năm 2021.

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành cho biết, Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên di sản vô cùng đa dạng và phong phú. Cả nước hiện có trên 40.000 di tích các loại được kiểm kê, trong đó UNESCO đã ghi danh 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 14 di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Bên cạnh đó là 179 bảo tàng, lưu giữ gần 4 triệu hiện vật, trong đó có 127 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu, mặc dù công tác quản lý di sản ở Việt Nam hiện nay đã có những cải thiện đáng kể, với sự quan tâm nhiều hơn của các cơ quan quản lí và đại chúng, nhưng cũng không khó để chúng ta bắt gặp những vấn đề nhức nhối, những bài toán nan giải trong quản lý di sản mà ở đó lợi ích của các chủ thể di sản còn nhiều mâu thuẫn, lợi ích nhóm hay sự thiên lệch về đầu tư, sự phát triển thiếu bền vững trong đầu tư và quản lí di sản…

Theo thời gian, rất nhiều di sản dần đang bị xuống cấp, mai một, thậm chí biến mất hoàn toàn bởi những tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, cơ chế thị trường và biến đổi khí hậu.

Để có thể giải quyết trọn vẹn bài toán quản lí và bảo tồn di sản thì việc đào tạo mang tính chuyên sâu, đơn ngành, phân mảnh theo từng công đoạn, lĩnh vực là chưa đủ, mà thêm vào đó, nhu cầu về nguồn nhân lực có tư duy tổng hợp, liên ngành, có cách tiếp cận, nhìn nhận vấn đề đa chiều là những điều kiện tối thiết để có thể quản lí tài nguyên di sản một cách hài hòa và bền vững, cái mà tự thân đã mang đậm tính liên ngành.

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu cho biết, chương trình của cử nhân Quản trị Tài nguyên di sản của ĐH Quốc gia Hà Nội được thiết kế gồm cả khối kiến thức về Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa học quản lí, Khoa học tự nhiên, kinh tế, công nghệ.

Sinh viên tốt nghiệp từ chương trình không chỉ có nền tảng kiến thức thuần túy về mặt học thuật mà còn được trang bị nhiều kỹ năng thực tế. Bên cạnh những kiến thức về nhận diện, quản lý, bảo tồn di sản, các em còn có tư duy kinh tế, khả năng khởi nghiệp để từ đó tạo ra những giá trị gia tăng cho di sản, góp phần phát huy giá trị di sản theo hướng bền vững, cũng như thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo và nền kinh tế văn hóa của quốc gia.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến di sản, du lịch, thương hiệu... ở cả khối nhà nước, khối tư nhân và các tổ chức phi chính phủ như: Giảng dạy và nghiên cứu tại các cơ quan nghiên cứu, đào tạo về di sản, văn hóa và du lịch;

Làm việc trong hệ thống các cơ quan quản lí di sản, văn hóa, du lịch từ trung ương đến địa phương; Làm công tác bảo tàng tại Bảo tàng các tỉnh và thành phố; Các doanh nghiệp dịch vụ của công nghiệp di sản, du lịch nhà nước và tư nhân; Các cơ quan thông tấn, báo chí và truyền thông và các tổ chức phi chính phủ…

Theo Nhật Hồng/dantri.com.vn – 5/4/2021

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/dh-quoc-gia-ha-noi-mo-nganh-hoc-moi-cu-nhan-quan-tri-tai-nguyen-di-san-20210405153031735.htm