Cập nhật: 09/04/2021 10:24:00
Xem cỡ chữ

Nhằm từng bước đưa các giống lúa năng suất, chất lượng cao vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích và đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đã triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 201 ngày 22/12/2015 của HĐND tỉnh về “Một số cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020”.

Vụ Đông Xuân năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Tuấn, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương gieo cấy hơn 8 sào lúa giống TBR 225. Đây là một trong những giống lúa chất lượng cao mà gia đình được tỉnh hỗ trợ với mức giá ưu đãi. Theo chị Tuấn, giống lúa TBR 225 có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khá, khả năng chống đổ tốt, thích ứng rộng; trỗ nhanh, trỗ thoát, thời gian trỗ ngắn từ 4-5 ngày, năng suất ước đạt hơn 60 tạ/ha.

Điểm nhấn trong bức tranh nông nghiệp Vĩnh Phúc những năm qua phải kể đến các cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Toàn tỉnh đã hỗ trợ gần 98.000 ha các giống lúa cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, chiếm 75% tổng diện tích trồng lúa của tỉnh. Riêng từ năm 2017, Vĩnh Phúc đã đưa 55% diện tích giống lúa mới, chất lượng cao vào sản xuất thay thế giống lúa Khang dân 18 thuần chủng. Năm 2020, giá trị sản xuất đạt trên 145 triệu đồng/ha, giá trị thu nhập đạt trên 65 triệu đồng/ha đất canh tác, tăng 7,5% so với năm 2015.

Việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 201 của HĐND tỉnh đã góp phần quan trọng đưa những bộ giống lúa có năng suất, chất lượng cao để mở rộng diện tích sản xuất trên địa bàn tỉnh ở các vụ tiếp theo, nâng cao thu nhập, đời sống cho người nông dân, đảm bảo an sinh xã hội./.

Đặng Thưởng