Cập nhật: 10/04/2021 15:15:00
Xem cỡ chữ

Trong những năm gần đây, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh bằng những cơ chế, chính sách cụ thể, du lịch Vĩnh Phúc đã có sự chuyển mình đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để ngành du lịch của tỉnh phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng và lợi thế, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của tỉnh, cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa trong xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch; bài toán về nguồn nhân lực du lịch và đầu tư hạ tầng du lịch.

Ảnh hưởng của dịch Covid- 19 đã tác động lớn đến ngành du lịch của tỉnh kể từ đầu năm 2020 đến nay; trong đó giảm cả về lượng khách du lịch đến với Vĩnh Phúc và doanh thu ngành du lịch. Trước thực trạng trên, tại buổi làm việc giữa Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh, vấn đề được thảo luận tập trung vào thực trạng du lịch Vĩnh Phúc hiện nay, những khó khăn, vướng mắc và hiến kế của doanh nghiệp những giải pháp phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Xuân Nhâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh, khách nội địa vẫn là đối tượng phục vụ chính trong thời điểm này, do vậy tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quảng bá xúc tiến du lịch; có sản phẩm quà tặng lưu niệm đặc trưng; có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa đơn vị quản lý nhà nước về du lịch và các hiệp hội, hội nghề nghiệp trong lĩnh vực du lịch; Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho các khu du lịch.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Flamingo, Vĩnh Phúc có dư địa lớn để phát triển du lịch. Tuy nhiên, để du lịch Vĩnh Phúc phát triển bền vững, cần phải tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng; Tăng cường , xúc tiến, quảng bá du lịch trên nền tảng công nghệ số; phát triển thêm nhiều sản phẩm như: du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc sử dụng các dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.

Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các khu du lịch được nhiều doanh nghiệp đề nghị tỉnh cần tiếp tục quan tâm đầu tư để hạ tầng đồng bộ, môi trường cảnh quan hấp dẫn khách du lịch và đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp phục vụ du khách.

Năm 2021, Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu thu hút 6,7 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt trên 2000 tỷ đồng. Với sự quyết liệt của tỉnh trong việc tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là tập trung các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc ảnh hưởng đến lĩnh vực du lịch, tin tưởng rằng mục tiêu trên sẽ hoàn thành, tiếp tục đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách./.

Ngọc Anh