Thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Lô-mô-nô-xốp cho rằng, để một học sinh không đọc thông, viết thạo lên học lớp 6 là một tội ác, thậm chí là bạo lực tinh thần khủng khiếp cho đứa trẻ.
Một vụ việc tại tỉnh Đồng Tháp đã gây rúng động dư luận khi một số học sinh lớp 6 tại Trường trung học cơ sở - Trung học phổ thông Tân Mỹ, huyện Thanh Bình... không đọc được chữ. Đến lúc sự việc được một số cơ quan báo chí phanh phui, ngành GD&ĐT địa phương mới hay biết.
Vẫn biết căn bệnh thành tích trầm kha trong ngành giáo dục chưa thể giải quyết trong một sớm, một chiều nhưng để những đứa trẻ đọc một câu phải đánh vần mà vẫn có thể lên lớp đến lớp 6 thì người viết không thể tưởng tượng được. Dù lý do là gì đi nữa cũng không thể biện minh cho việc bắt các em ngồi nhầm lớp, để rồi có học sinh vì mặc cảm mà bỏ học.
Theo thông tin báo chí đăng tải, việc các em học sinh trên chưa đọc thông, viết thạo đã được gia đình phát hiện và họ "không hiểu vì sao con mình được lên lớp", dù rằng có phụ huynh đã mạnh dạn xin cho con ở lại lớp.
Càng khó hiểu hơn khi giáo viên lại không nhận ra điều đó, vẫn ghi những đánh giá "đẹp" vào học bạ để "đẩy" các cháu lên lớp?
Tôi đã chua xót thay cho phụ huynh, khi ước mơ của họ chỉ là "con đọc chữ giỏi, viết chữ thạo". Than ôi, khi cả nước đang hoàn thành chương trình phổ cập tiểu học hơn 1 thập kỷ thì có những phụ huynh lớp 6 chỉ mong con mình đọc thông, viết thạo?
Không biết các thầy cô giáo nghĩ gì, lãnh đạo ngành giáo dục Đồng Tháp nghĩ gì khi nghe lời mong ước đầy xót xa của phụ huynh, khi họ đã tin tưởng cho con mình đến trường học chữ, để mong con có tương lai tốt hơn mình?
Thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường liên cấp Lô-mô-nô-xốp (Hà Nội) đã phải thốt lên: Để một học sinh không đọc thông, viết thạo lên học lớp 6 là một tội ác, thậm chí là bạo lực tinh thần khủng khiếp cho đứa trẻ.
Nếu sự việc không bị phát giác, liệu cháu có tiếp tục ngồi nhầm lớp? Với một số trường trung học phổ thông thực hiện phương thức xét tuyển học bạ, số học sinh này có thể học lên cấp cao hơn, thậm chí có thể học lên bậc cao đẳng, đại học với những cuốn học bạ đã được "phù phép" này! Và xa hơn, sẽ là hệ lụy khủng khiếp cho cả xã hội và bản thân các em.
Khi sự việc bị phát hiện, ngành giáo dục Đồng Tháp "hỏa tốc" ra công văn chấn chỉnh việc học sinh không đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng, đồng thời kiên quyết không để học sinh chưa đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng tối thiểu của từng khối lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT được lên lớp.
Việc tổ chức phụ đạo, kèm cặp cho các em để đảm bảo kiến thức, kỹ năng tối thiểu theo quy định là cần thiết và là biện pháp duy nhất trong trường hợp này để tránh các cháu bị tổn thương thêm một lần nữa. Bên cạnh đó, cần phải xử lý nghiêm trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan đến tình trạng để học sinh ngồi nhầm lớp này.
"Trị" bệnh thành tích trong giáo dục là cả một quá trình lâu dài, quan trọng là phải "bốc đúng thuốc". Và khi nào, quyền lợi của người học được đưa lên hàng đầu và tiêu chí học sinh lên lớp để đánh giá thi đua, xếp loại, khen thưởng giáo viên được thay đổi thì khi đó, chúng ta mới có thể tin tưởng vào một nền giáo dục học thật, thi thật, đánh giá thật.
Theo Hoàng Lam/dantri.com.vn - 13/4/2021
https://dantri.com.vn/blog/toi-ac-tu-nhung-cuon-hoc-ba-dep-nhu-ve-20210413041305987.htm