Một nhóm các nhà khoa học làm việc tại châu Phi phát hiện ra một chủng virus SARS-CoV-2 mới với 34 đột biến ở những du khách tại sân bay tại Angola. Đây là số lượng đột biến nhiều nhất từ trước đến nay...
Theo các chuyên gia nói trên, những biến thể này được phát hiện từ những khách du lịch đến từ Tanzania. Các nhà khoa học cho rằng, tất cả những đột biến này có thể làm tăng khả năng virus chống lại kháng thể và tăng khả năng lây nhiễm.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng, nếu một người có nguy cơ mắc phải chủng virus SARS-CoV-2 Angola thì vẫn nên tiêm vaccine ngừa Covid-19. Mặc dù hiệu quả của vaccine sẽ giảm dần tùy thuộc vào số lượng đột biến nhưng điều này không có nghĩa là vaccine sẽ không có tác dụng.
Đồ họa về virus SARS-CoV-2. Nguồn: ShutterStock.
Trong khi đó, ngày 13/4, chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ áp dụng quy trình phê duyệt nhanh giấy phép sử dụng với các loại vaccine Covid-19 do nước ngoài sản xuất. Thay đổi mới nhất này nhằm giúp Ấn Độ huy động tối đa vaccine đối phó với đợt bùng phát thứ hai của đại dịch Covid-19 đang diễn ra trong nước.
Điều kiện để được xét duyệt cấp phép nhanh là loại vaccine đó đã được phê duyệt giấy phép sử dụng khẩn cấp ở các nước khác. Điều này có nghĩa Ấn Độ sẽ cho phép nhập khẩu và sử dụng nhiều loại vaccine của nước ngoài để tăng tốc độ và diện bao phủ tiêm chủng vaccine Covid-19 trong thời gian tới. Quyết định này được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Tổng cục Quản lý Dược phẩm Ấn Độ cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp với vaccine Sputnik V của Nga. Như vậy, Ấn Độ là quốc gia thứ 60 trên thế giới phê duyệt giấy phép sử dụng với loại vaccine của Nga.
Tuy nhiên, Nhóm Chuyên gia về Quản lý vaccine Covid-19 của Ấn Độ cũng yêu cầu thực hiện các cuộc thử nghiệm lâm sàng song song với các loại vaccine Covid-19 nhập khẩu. Theo đó, 100 người tiêm đầu tiên của mỗi loại vaccine nhập khẩu sẽ được theo dõi trong vòng 7 ngày về hiệu quả an toàn của thuốc trước khi vaccine đó được sử dụng rộng rãi trong chương trình tiêm chủng.
Trong một diễn biến liên quan đến đại dịch toàn cầu, Bộ trưởng Y tế Áo Rudolf Anschober hôm 13/4 cho biết sẽ nộp đơn từ chức vào tuần sau vì kiệt sức và không đủ sức khỏe để "chiến đấu" với đại dịch Covid-19.
Theo ông Anschober, trong cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, nước Áo cần 1 bộ trưởng y tế khỏe mạnh, luôn sẵn sàng sức chiến đấu, song người đó không phải là ông. Ông nêu rõ các vấn đề sức khỏe như huyết áp, đồng thời khẳng định không muốn bản thân suy sụp hoàn toàn.
Bộ trưởng Y tế Anschober là 1 cựu nhà báo và giáo viên. Ông đồng thời là 1 trong những quan chức Chính phủ sớm kêu gọi các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh nghiêm ngặt trước khi số ca lây nhiễm tăng cao.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 tấn công nước Áo tới nay, người dân ngày càng thất vọng với các chính sách của Chính phủ trong việc kiềm chế dịch bệnh và triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 chậm chạp.
Về vấn đề tiêm sớm vaccine Covid-19, một chuyên gia Trung Quốc vừa khuyến cáo nên tiêm vaccine sớm nhất có thể.
Ông Vương Hoa Khánh, chuyên gia của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC) nhận định: Nếu tất cả mọi người đều trì hoãn việc tiêm chủng, thì hàng rào miễn dịch sẽ không bao giờ được thiết lập và mong muốn gỡ bỏ khẩu trang sẽ là điều khó có thể thực hiện. Để trở lại cuộc sống bình thường càng sớm càng tốt, vaccine hiện là lựa chọn tốt nhất.
Ông Vương Hoa Khánh, chuyên gia của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc khẳng định, bất kỳ một loại vaccine nào cũng đều tiềm ẩn rủi ro, trong đó bao gồm vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, theo thống kê chỉ có khoảng 1% số người tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Trung Quốc gặp phản ứng phụ trong khi đó tỷ lệ người tử vong do mắc Covid-19 là 2%, do đó có thể thấy Covid-19 gây ra những nguy hại nghiêm trọng cho cuộc sống và vaccine là biện pháp khả dĩ nhất hiện nay để giảm thiểu những nguy hại này.
Chuyên gia của CDC Trung Quốc cũng cho rằng, hiện tại có một bộ phận người dân có suy nghĩ tại sao phải tiêm vaccine đầu tiên, tại sao không chờ người khác tiêm trước rồi sau đó mới đến mình. Theo ông, Vương Hoa Khánh, suy nghĩ này là rất sai lầm vì nếu tất cả mọi người đều trì hoãn việc tiêm chủng, thì hàng rào miễn dịch sẽ không bao giờ được thiết lập và mong muốn gỡ bỏ khẩu trang sẽ là điều khó có thể thực hiện.
Ông Vương Hoa Khánh nói: “Bất kỳ một loại vaccine nào cũng đều tiềm ẩn rủi ro, tuy nhiên nếu ai cũng lo lắng không tiêm thì sẽ không thể nào ngăn chặn dịch bệnh được”.
Tại Trung Quốc mặc dù tiêm vaccine ngừa Covid-19 không phải là yêu cầu bắt buộc và được tiến hành trên tinh thần tự nguyện, miễn phí, tuy nhiên tốc độ tiêm vaccine tại quốc gia đông dân nhất thế giới này đang được đẩy mạnh trong thời gian qua, với trung bình 3-4 triệu liều vaccine được tiêm mỗi ngày, ngày cao điểm có thể tiêm được 10 triệu liều và hiện đã có hơn 171 triệu liều vaccine Covid-19 được tiêm tại Trung Quốc. Tính riêng tại thành phố Bắc Kinh, đã có hơn 12 triệu dân tại đây đã tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Theo Vũ Anh Tuấn, CTV Khánh Hà/VOV1
PV/VOV-New Delhi, PV/VOV-Bắc Kinh – 13/4/2021
https://vov.vn/the-gioi/chau-phi-phat-hien-chung-sars-cov-2-co-34-dot-bien-an-do-duyet-nhanh-vaccine-nuoc-ngoai-850068.vov