Cập nhật: 25/04/2021 14:32:00
Xem cỡ chữ

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, ở Việt Nam chỉ có 185 sinh viên/ vạn dân, tính cả CĐ có 200 sinh viên nhập học/vạn dân. Chúng ta đi sau các nước tới 20 năm.

Tại buổi tọa đàm "Hướng nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Tiếp cận đại học của Việt Nam còn rất thấp so với khu vực, chưa nói đến trên toàn thế giới.

Ngay trong khu vực châu Á, tỷ lệ sinh viên nhập học đại học trên 1 vạn dân của Việt Nam còn thấp. Từ năm 2005, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia có tỷ lệ sinh viên nhập học lên hàng trăm sinh viên/vạn dân. Cụ thể như Hàn Quốc là 300-600 sinh viên nhập học/vạn dân.

Trong khi Việt Nam, đến nay nếu chỉ tính sinh viên đại học là 185 sinh viên nhập học/vạn dân, tính cả cao đẳng có 200 sinh viên nhập học/vạn dân. Chúng ta đi sau các nước tới 20 năm. Do đó, việc mở rộng quy mô học đại học, cao đẳng là cần thiết".

Bà Thủy cho biết thêm, Việt Nam đầu tư cho giáo dục, đặc biệt cho giáo dục đại học ở mức rất thấp so với khu vực và thế giới. Không có đầu tư mà muốn có chất lượng giáo dục đại học cao, phải xếp hạng ngang tầm quốc tế … thì rất khó khả thi.

"Chúng tôi mong mỏi từ phía Nhà nước sẽ dành một phần ngân sách để đầu tư cho những trường chương trình đào tạo quốc tế, những chương trình mũi nhọn trong các trường đại học để chúng ta có những đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của giáo dục đào tạo và của nền kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư từ xã hội hóa, tham gia của các doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức trong nước, quốc tế và các địa phương. Khi đó, tương lai của ngành giáo dục sẽ có nhiều khởi sắc" - bà Thủy nói.

Việt Nam chỉ có 185 sinh viên/vạn dân, đi sau các nước tới 20 năm - 1

Đại học phải chú trọng chất lượng thật

Cũng tại buổi tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy cho rằng, xã hội yêu cầu ngày càng cao, vì vậy các trường đại học phải chú ý chất lượng thật.

Ngay trong các quy định về mở các ngành đào tạo của Bộ GD& ĐT cũng yêu cầu rất rõ về việc khảo sát nhu cầu của xã hội, đánh giá sinh viên có việc làm sau khi ra trường.

Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải căn cứ vào nhu cầu và năng lực của các trường. Nếu không đáp ứng được yêu cầu xã hội, không theo nhu cầu xã hội thì dần dần trường đó sẽ không thể tuyển sinh.

Như vậy không có cách nào khác, các trường đại học phải gắn kết với doanh nghiệp. Giảng viên có thể đến từ doanh nghiệp, có thể không cần trình độ cao siêu, nhưng lại có kinh nghiệm làm việc ở doanh nghiệp thì sẽ được tham gia vào đào tạo đại học.

Về chuyển đổi số trong giáo dục, bà Thủy cho biết, các trường đại học cũng sẽ phát triển dần thành đại học số. Chính phủ đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng 2030, trong đó đặc biệt ưu tiên một số lĩnh vực cần chuyển đổi số mạnh mẽ, dẫn dắt hàng đầu như giáo dục, y tế, tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, năng lượng mới, tài nguyên môi trường, sản xuất nông nghiệp… 

Theo bà Thủy, nếu quá trình chuyển đổi số như vậy sẽ làm cho các ngành nghề biến mất trong tương lai, đặc biệt những ngành nghề mang tính chất lặp đi lặp lại, ở trình độ kỹ năng thấp thì sẽ bị thay thế. Để có thể làm chủ cuộc cách mạng số thì càng phải có tri thức cao, có kỹ năng hiện đại, cập nhật, nếu không sẽ bị lạc hậu và tụt lại trong cuộc cách mạng thông tin này.

Theo Nhật Hồng/dantri.com.vn - 25/4/2021

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/viet-nam-chi-co-185-sinh-vienvan-dan-di-sau-cac-nuoc-toi-20-nam-20210425130923760.htm