Thông qua những trang sách, bút ký của “người trong cuộc", các thế hệ sau có thể hiểu rõ hơn giá trị, tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại của Đại thắng mùa xuân 1975.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta, đã làm nên chiến thắng vĩ đại - Chiến thắng 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự chủ và phát triển.
Thời khắc lịch sử hào hùng ấy đã được các vị tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử,...ghi lại trong những cuốn hồi ức, tiểu thuyết lịch sử, thể hiện một cái nhìn chân thực, khách quan từ nhiều chiều về một trong những sự kiện lịch sử nổi bật nhất thế kỷ XX của dân tộc Việt Nam.
Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng
"Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng" là cuốn sách hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc do NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật phát hành. Sự trăn trở về dân tộc vĩ đại, Đảng quang vinh, quân đội anh hùng, nhớ lại sự chỉ đạo rất nhạy bén, sáng suốt của Bộ thống soái tối cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở giai đoạn cuối cùng đã thôi thúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết những trang hồi ức này.
Cuốn sách được khởi thảo và chuẩn bị trong nhiều năm với sự cộng tác nhiệt tâm của một số cán bộ quân sự từng công tác tại Bộ Quốc phòng. Với 10 chương sách, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành 9 chương viết về các sự kiện lịch sử lớn và chương cuối cùng, trình bày những điều tâm huyết, đúc kết cuộc đời cầm quân quang vinh của mình qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh.
Trong "Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng", ông hồi tưởng lại những quyết sách chiến lược của tập thể Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh - Bộ thống soái tối cao - từ việc hoạch định chính sách đến việc chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện ở chiến trường và huy động sức mạnh của cả dân tộc nhanh chóng kết thúc chiến tranh một cách có lợi nhất. Trí tuệ của một tập thể tài năng thuộc lớp cận vệ đầu tiên chói sáng ở thời điểm lịch sử quyết định dẫn dắt dân tộc ta đi đến đích vinh quang. Với bản tính điềm đạm và đôn hậu vốn có, ông viết về các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh, sĩ quan từ Tổng hành dinh đến những nhà lãnh đạo các chiến trường - những người đồng chí, đồng đội - một cách thân thiết, chân thành, hết sức trân trọng.
Tháng 4/2000, nhân kỷ niệm 25 năm ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, khi ấy bước vào tuổi 90 nhưng còn rất minh mẫn, Đại tướng cho công bố lần đầu tiên cuốn hồi ức này và từ đó đến nay cuốn sách đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tái bản nhiều lần.
Đại thắng mùa xuân
“Đại thắng mùa xuân" - cuốn sách của Đại tướng Văn Tiến Dũng đã phác thảo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Đây là cuốn sách hay mang giá trị lịch sử và quân sự sâu sắc bởi nhiều cứ liệu lịch sử chính xác, do chính Đại tướng Văn Tiến cung cấp. Ông chia sẻ: “Cuốn sách nhằm giới thiệu với bạn đọc những vấn đề thuộc về sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, sự đấu lực và đấu trí rất thông minh của Đảng, nhân dân ta, quân đội ta trong phạm vi chiến lược và chiến dịch để dẫn đến toàn thắng”.
Đại thắng mùa xuân - Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Tác phẩm tái hiện lại sinh động cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975. Trận đánh trải qua ba chiến dịch nổi tiếng là chiến dịch giải phóng Tây Nguyên mở đầu bằng trận đánh Buôn Ma Thuột, Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và kết thúc là chiến dịch Hồ Chí Minh với năm cánh quân thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Trong đó, Chiến dịch Hồ Chí Minh là cuộc quyết đấu chiến lược cuối cùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước. Đây là trận đánh ngắn nhưng thể hiện được nghệ thuật nắm bắt thời cơ của Bộ chỉ huy và có ý nghĩa nhất trong cuộc kháng chiến kiến quốc, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử chống xâm lăng của dân tộc Việt Nam.
Khác hẳn với những cuốn sách thuật lại diễn biến trận đánh đơn điệu, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã dùng lối tường thuật đi sâu vào chi tiết trận đánh kết hợp với diễn tả tâm lý và tinh thần của bộ đội ta trong các chiến dịch, đem lại sự hứng thú cho người đọc. Bên cạnh đó, tác phẩm còn đề cao giá trị “tình người” trong chiến tranh. Đó là tình đồng bào, đồng đội, tình cảm hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam và ngược lại.
Nhớ về Mùa xuân Đại thắng 1975
Nhớ về Mùa xuân Đại thắng 1975.
"Nhớ về Mùa xuân Đại thắng 1975" là tập hợp những hồi ức, những hình ảnh sinh động, những tư liệu, những mẩu chuyện người thật, việc thật góp phần làm nên cuộc đại thắng mùa xuân 1975. Với hơn 400 trang, cuốn sách bao gồm những bài viết về kỷ niệm thời chiến, kỷ niệm chiến trường, kỷ niệm quân dân, đồng đội, đồng hương… gắn với sự nghiệp giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ngoài ra, còn có một số bài dự thi viết về Đại thắng mùa xuân 1975 theo phát động của Hội Khoa học lịch sử thành phố. Song tất cả vẫn là những hồi ức từ sự thật, là ký ức của người trong cuộc.
Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975
"Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975" là cuốn sách của tác giả Nguyễn Hữu Thái, người có mặt tại Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975 lịch sử. Nguyễn Hữu Thái nguyên là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, hoạt động tích cực trong phong trào tranh đấu của sinh viên, học sinh miền Nam từ năm 1963-1975. Ông là “phát thanh viên đặc biệt” đọc lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh trên Đài Phát thanh Sài Gòn trưa 30/4/1975.
Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975.
Thông qua việc tiếp cận nhiều nguồn tư liệu trong và ngoài nước, Nguyễn Hữu Thái đã ghi lại diễn tiến các sự kiện mà ông chứng kiến, cùng lời kể những nhân chứng khác về ngày 30/4/1975 trong cuốn sách "Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975". Ông quan niệm quan niệm đây không phải là một cuốn sách sử hay một bản tổng kết về chiến tranh mà “đơn giản chỉ muốn kể lại câu chuyện về 30/4/1975 như một người trong cuộc, người ghi chép các sự kiện lẫn một nhà nghiên cứu”.
Với cấu trúc mạch lạc, ghi chú rõ ràng, hình ảnh tư liệu dồi dào, cuốn sách giúp người đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ, có được cái nhìn sinh động, toàn cảnh khách quan về diễn biến dồn dập của trận chiến xảy ra trước, trong và sau ngày 30/4/1975 ở Sài Gòn, làm nên Đại thắng Mùa xuân 1975.
Bút ký lính tăng - Hành trình đến dinh Độc Lập
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt - nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 đại đội 4 lữ đoàn 203 đã kể lại hành trình đến ngày chiến thắng trong cuốn "Bút ký lính tăng - Hành trình đến dinh Độc Lập". Đó là hành trình ấy trải dài hàng nghìn cây số, hàng nghìn ngày có lẻ, bao mất mát, hy sinh, vinh quang, cay đắng... của những người lính tăng thiết giáp. Cuốn sách là một tư liệu quý giá về nghệ thuật chiến tranh của phía quân giải phóng, nhìn từ một đơn vị miền Bắc vào tham chiến và đánh thẳng đến dinh Độc Lập - giành chiến thắng cuối cùng
Bút ký lính tăng - Hành trình đến dinh Độc Lập.
"Bút ký lính tăng - Hành trình đến dinh Độc Lập" được tác giả viết như nén tâm nhang thắp cho đồng đội đã khuất, là món quà cho đồng đội đã rời quân ngũ, ngày đêm bươn chải đời thường. Người đọc không chỉ hiểu hơn những khó khăn, gian khổ của những người lính mà còn thấu hiểu những nghĩ suy, tâm sự, tính cách của từng người lính, từng đơn vị… bộc lộ theo từng trận đánh, từng nhiệm vụ được giao
Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75
"Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" của nhà báo Trần Mai Hạnh, ngay khi ra mắt đã tạo dấu ấn mạnh bởi lối thể hiện dạng tiểu thuyết tư liệu lịch sử. Ông viết về những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa kể từ chiến thắng Phước Long của Quân giải phóng (tháng 1/1975), tới những giờ phút lịch sử trưa ngày 30/4/1975 khi chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng dinh Độc Lập, đánh dấu giờ phút toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, non sông thu về một mối.
Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75".
Theo nhà báo Trần Mai Hạnh, kể từ trưa 30/4/1975, khi được chứng kiến và viết bài báo tường thuật về thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc, ông đã ấp ủ viết một cuốn sách về sự kiện này. Sau đó, ông đã xuất bản 2 cuốn sách "Sụp đổ và tự thú", "Ngày tận thế"..., nhưng phải đến "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75", ông mới có dịp khai thác hết những tư liệu mà mình đã thu thập trong những năm tháng lịch sử đó. Cuốn sách không chỉ là dòng hồi ký chân thực dựa trên biên bản những cuộc họp, tường trình về thất bại của tướng lĩnh quân đội Sài Gòn, mà còn thể hiện tính chính luận sâu sắc với những dòng bình luận sắc sảo, cái nhìn nhân văn về những người phía “bên kia”....
Cuốn sách vừa có giá trị về văn học, vừa có giá trị về lịch sử và báo chí. Những tài liệu nguyên bản được xem là tuyệt mật ở thời điểm đó của phía bên kia (phía Việt Nam Cộng hoà và phía Hoa Kỳ) cùng những tư liệu tác giả viện dẫn trong cuốn sách gắn với sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước có độ chính xác và tin cậy cao.
"Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" được Nhà xuất bản chính trị Quốc gia - Sự thật thẩm định, ấn hành lần đầu vào tháng 4/2014. Trong 2 năm cuốn sách liên tiếp giành được các giải thưởng danh giá ở trong nước và khu vực: "Giải thưởng Văn học năm 2014" của Hội Nhà văn Việt Nam, "Giải thưởng Văn học năm 2015 của các nước Đông Nam Á (ASEAN)"./.
Theo PV/VOV.VN - Ngày 30/4/2021
https://vov.vn/van-hoa/van-hoc/chien-thang-lich-su-ngay-3041975-qua-nhung-cuon-sach-hay-853765.vov