Cập nhật: 08/05/2021 08:37:00
Xem cỡ chữ

Phiếu bầu cử hợp lệ là phiếu đáp ứng đủ các điều kiện theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp năm 2015.

Những ngày này, cùng với cả nước, không khí chuẩn bị cho công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trên cả nước đã và đang được tiến hành chặt chẽ, đúng tiến độ và luật định. Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Ngọc Lan, Đoàn Luật sự Hà Nội về quy định phiếu bầu cử hợp lệ và không hợp lệ.

PV: Thưa Luật sư, những phiếu bầu cử nào được coi là phiếu hợp lệ?

Luật sư Nguyễn Ngọc Lan: Quy định về phiếu bầu cử hợp lệ đã được nêu rõ trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp năm 2015. Về nguyên tắc, phiếu bầu cử hợp lệ là phiếu đáp ứng đủ các điều kiện: Phiếu theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra; Phiếu có đóng dấu của Tổ bầu cử; Phiếu bầu đủ hoặc ít hơn số lượng đại biểu đã ấn định cho đơn vị bầu cử; Phiếu không ghi thêm tên người khác ngoài danh sách những người ứng cử hoặc ghi thêm nội dung khác.

Đồng thời, Tổ bầu cử phải có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cử tri cách thức bỏ phiếu để bảo đảm phiếu bầu cử hợp lệ. Điều này được quy định cụ thể tại Thông tư số 01/2021 của Bộ Nội vụ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

PV: Những phiếu bầu cử nào được coi là phiếu không hợp lệ, thưa Luật sư?

Luật sư Nguyễn Ngọc Lan: Phiếu không hợp lệ là phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra; Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử; Phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử; Phiếu gạch xóa họ, tên của tất cả những người ứng cử; phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách những người ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác.

Trong quá trình kiểm phiếu, nếu phát hiệu có phiếu bầu cử được cho là không hợp lệ thì Tổ trưởng Tổ bầu cử đưa ra để toàn Tổ xem xét, quyết định. Đối với phiếu không hợp lệ phải được ghi rất rõ trong biên bản và không được tính vào trong tổng số phiếu bầu cử là phiếu hợp lệ.

PV: Việc kiểm đếm số phiếu bầu cho từng người ứng cử được tổ bầu cử thực hiện như thế nào, thưa Luật sư?

Luật sư Nguyễn Ngọc Lan: Việc kiểm đếm số phiếu bầu cho từng người ứng cử sẽ được Tổ kiểm phiếu kiểm tra một cách rất nghiêm ngặt và chi tiết. Việc kiểm đếm số phiếu bầu cho từng người ứng cử được Tổ bầu cử thực hiện đối với những phiếu hợp lệ. Các phiếu bầu hợp lệ được xếp thành các loại, gồm: Loại phiếu bầu 1 đại biểu; loại phiếu bầu 2 đại biểu; loại phiếu bầu 3 đại biểu,....

Tổ bầu cử kiểm phiếu theo từng loại phiếu bầu để làm căn cứ xác định số phiếu bầu cho từng người ứng cử. Để việc kiểm phiếu được chính xác, Tổ bầu cử phân công ít nhất 3 người kiểm phiếu, gồm: 1 người đọc, 1 người ghi, 1 người kiểm tra việc đọc và ghi. Cách ghi số phiếu cho từng người ứng cử tham khảo theo cách vẽ lần lượt các hình vuông và 1 đường chéo, cứ 5 phiếu tạo thành một hình vuông có 1 đường chéo.

PV: Việc tính và ghi tỉ lệ phần trăm trong các biên bản kết quả bầu cử được thực hiện như thế nào?

Luật sư Nguyễn Ngọc Lan: Kết quả bầu cử phải được ghi theo mẫu biểu nhất định và có quy định cụ thể để mang tính thống nhất ở tất cả các điểm bầu cử khác. Tỷ lệ phần trăm (%) trong các biên bản kết quả bầu cử được xác định đến số ở hàng thập phân thứ hai (chữ số thứ hai sau dấu thập phân) và được làm tròn số để bảo đảm tổng tỷ lệ phần trăm của các tiêu chí, thành phần là 100%. Nếu chữ số thứ ba sau dấu thập phân là từ 5 trở lên thì được làm tròn lên thêm 1 đơn vị vào chữ số ở hàng thập phân thứ hai. Ví dụ: 22,566% thì được làm tròn thành 22,57%.

PV: Xin cảm ơn Luật sư./.

Theo Đỗ Minh/VOV1 - 8/5/2021

https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/the-nao-la-phieu-bau-cu-hop-le-va-khong-hop-le-855101.vov