Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương và căn cứ vào mật độ phân bố dân cư ở khu vực bỏ phiếu, Tổ bầu cử lựa chọn địa điểm bỏ phiếu cho phù hợp, bảo đảm thuận tiện để cử tri đến bầu cử.
Chuẩn bị cho ngày bầu cử ở thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định Ngày Bầu cử phải là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước Ngày Bầu cử.
Trường hợp đặc biệt cần hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định, Ủy ban Bầu cử tỉnh trình Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét, quyết định.
Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 133/2020/QH14 ngày 17/11/2020 quyết định rõ Ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là Chủ nhật, ngày 23/5/2021.
Căn cứ vào quy định trên, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 1/2021/TT-BNV về hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ở địa phương.
Lựa chọn địa điểm bỏ phiếu thuận tiện cho cử tri
Địa điểm bỏ phiếu được bố trí ở những nơi công cộng (như nhà văn hóa, hội trường, trường học,...) thuận tiện cho cử tri cũng như thuận lợi cho việc bố trí các trang thiết bị phục vụ cho cuộc bầu cử.
Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương và căn cứ vào mật độ phân bố dân cư ở khu vực bỏ phiếu, Tổ bầu cử lựa chọn địa điểm bỏ phiếu (phòng bỏ phiếu) cho phù hợp, bảo đảm thuận tiện để cử tri đến bầu cử.
Địa điểm bỏ phiếu phải được trang trí trang nghiêm, tiết kiệm; bố trí lối vào cho cử tri bỏ phiếu và lối ra cho cử tri sau khi đã bỏ phiếu xong; địa điểm bỏ phiếu phải bảo đảm an ninh, trật tự.
Tổ trưởng Tổ Bầu cử phải phân công thành viên Tổ Bầu cử luân phiên trực bảo vệ địa điểm bỏ phiếu cả ngày và đêm trước, trong Ngày Bầu cử và cho đến khi kết thúc việc bỏ phiếu, tổng hợp, lập biên bản kiểm phiếu gửi đến Ủy ban Bầu cử tương ứng.
Địa điểm bỏ phiếu gồm cổng ra-vào, khu vực bên ngoài phòng bỏ phiếu và khu vực bên trong phòng bỏ phiếu phải được trang trí theo mẫu hướng dẫn tại Thông tư số 01/2020/TT-BNV của Bộ Nội vụ và cơ quan có thẩm quyền ở địa phương.
Khu vực bên ngoài phòng bỏ phiếu là nơi niêm yết danh sách cử tri; nội quy phòng bỏ phiếu, thể lệ bầu cử; nơi tổ chức lễ khai mạc; nơi tiếp đón cử tri đến bỏ phiếu. Khu vực này có thể bố trí bàn, ghế để cử tri chờ thực hiện việc bỏ phiếu.
Khu vực bên trong phòng bỏ phiếu cần phải được bố trí trang trọng, đủ bàn, ghế, bút viết và những điều kiện cần thiết để cử tri đến bỏ phiếu; nơi nào có hội trường rộng có thể tổ chức lễ khai mạc ngay trong phòng bỏ phiếu.
Phòng bỏ phiếu phải có lối đi vào, lối đi ra một chiều và theo trật tự nhất định, có thể tham khảo bố trí theo sơ đồ sau: Bắt đầu lối vào là bàn hướng dẫn, bàn để cử tri xuất trình Thẻ cử tri và nhận phiếu bầu; tiếp đến là một số bàn để cử tri viết phiếu bầu, nơi để hòm phiếu; bàn đóng dấu “đã bỏ phiếu” vào Thẻ cử tri để xác nhận cử tri đã bỏ phiếu; lối ra cho cử tri sau khi cử tri đã thực hiện xong việc bỏ phiếu.
Tùy điều kiện cụ thể của từng phòng bỏ phiếu, Tổ Bầu cử niêm yết danh sách, tiểu sử những người ứng cử; tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân để cử tri tham khảo trước khi viết phiếu bầu. Nơi cử tri viết phiếu bầu cần có các vách ngăn hoặc phòng kín để bảo đảm cử tri ‘‘bỏ phiếu kín’’ theo quy định của pháp luật về bầu cử.
Đảm bảo việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục
Trong Ngày Bầu cử đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định, công bố, việc bỏ phiếu sẽ được bắt đầu từ 7 giờ và thực hiện liên tục cho đến 19 giờ cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5 giờ hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21 giờ cùng ngày.
Bảng niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở xã Trung Sơn, huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
Trường hợp gần đến giờ kết thúc việc bỏ phiếu theo quy định mà vẫn còn cử tri chưa thực hiện xong việc bỏ phiếu, Tổ Bầu cử có trách nhiệm thông báo đến các cử tri còn ở trong khu vực phòng bỏ phiếu về việc chuẩn bị kết thúc thời gian bỏ phiếu và đề nghị cử tri khẩn trương hoàn thành việc bỏ phiếu. Tổ Bầu cử thực hiện việc đóng hòm phiếu vào đúng thời gian đã quy định, không phụ thuộc vào việc cử tri đã bỏ phiếu hết hay chưa.
Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu, Tổ Bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cáo cho Ban Bầu cử, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.
Trường hợp chưa hết thời gian bỏ phiếu theo quy định mà đã có 100% người trong danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu đã tham gia bỏ phiếu, Tổ Bầu cử cũng không được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu và tiến hành kiểm phiếu trước thời điểm 19 giờ cùng ngày. Do đó, các Tổ Bầu cử, thành viên các Tổ Bầu cử có thể vận động, tuyên truyền để cử tri tích cực tham gia bỏ phiếu, thực hiện quyền bầu cử của mình nhưng không được thúc giục, ép buộc cử tri phải đi bỏ phiếu sớm để kết thúc sớm việc bỏ phiếu.
Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ bầu hộ, bầu thay
Sau khi đã kiểm tra đầy đủ các điều kiện cần thiết cho Ngày Bầu cử, Tổ Bầu cử mới tổ chức lễ khai mạc và tiến hành việc bỏ phiếu.
Lễ khai mạc phải được tổ chức trang trọng, thời gian khoảng 15-20 phút, do Tổ trưởng Tổ Bầu cử chủ trì theo nội dung và trình tự sau đây: Chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; Đọc diễn văn khai mạc; Đọc nội quy phòng bỏ phiếu; Kiểm tra hòm phiếu chính, hòm phiếu phụ trước sự chứng kiến của cử tri; mời hai cử tri không phải là những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ứng cử tại khu vực bỏ phiếu chứng kiến việc kiểm tra hòm phiếu, sau đó niêm phong hòm phiếu chính, hòm phiếu phụ theo quy định.
Sau khi thực hiện thủ tục niêm phong hòm phiếu, Tổ trưởng Tổ Bầu cử tuyên bố cuộc bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 bắt đầu.
Tổ Bầu cử phải bố trí thành viên Tổ Bầu cử thường trực bên hòm phiếu làm nhiệm vụ hướng dẫn cử tri bỏ phiếu và bảo vệ hòm phiếu.
Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu hộ, bầu thay. Khi đến phòng bỏ phiếu, cử tri xuất trình Thẻ cử tri để được nhận phiếu bầu.
Khi bắt đầu việc bỏ phiếu, Tổ Bầu cử mời những cử tri có tên trong danh sách cử tri là lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, người có công với cách mạng, chức sắc tôn giáo (nếu có) và cử tri là người cao tuổi nhất có mặt tại thời điểm khai mạc bỏ phiếu trước.
Việc bỏ phiếu được tiến hành liên tục. Trong quá trình diễn ra việc bỏ phiếu, các thành viên Tổ Bầu cử phải ân cần, lịch sự, hướng dẫn tận tình, chu đáo cho cử tri đến tham gia bỏ phiếu.
Các thành viên Tổ Bầu cử được phân công đảm nhiệm từng công việc trong Ngày Bầu cử phải chủ động thực hiện nhiệm vụ được phân công và hỗ trợ thành viên khác hoàn thành nhiệm vụ chung của Tổ Bầu cử.
Tổ Bầu cử hướng dẫn cụ thể cử tri cách thức bỏ phiếu. Cử tri nếu không tín nhiệm người ứng cử nào sẽ gạch ngang cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên hàng chữ họ và tên người ứng cử); không khoanh tròn; không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu; không để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu.
Khi cử tri gạch phiếu bầu, không ai được xem, kể cả các thành viên Tổ Bầu cử. Nếu cử tri gạch bị nhầm hoặc bị hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác. Cử tri không thể tự gạch phiếu bầu sẽ nhờ người khác gạch phiếu hộ nhưng phải tự mình bỏ phiếu.
Người gạch phiếu hộ phải đọc đầy đủ họ và tên những người ứng cử trên phiếu bầu để cử tri tự mình quyết định. Người gạch hộ phiếu bầu phải ghi trung thực ý muốn của cử tri nhờ viết hộ và bảo đảm bí mật phiếu bầu.
Khi viết hộ phiếu bầu xong phải giao lại phiếu bầu cho cử tri để cử tri tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu. Người khuyết tật không thể bỏ phiếu được, nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
Trong khi tiến hành bỏ phiếu, nếu có tình huống bất thường xảy ra làm gián đoạn cuộc bỏ phiếu, Tổ trưởng Tổ Bầu cử và các thành viên Tổ Bầu cử phải nhanh chóng hội ý để kịp thời xử lý. Trường hợp vượt quá thẩm quyền hoặc không thể tự xử lý được phải tạm dừng cuộc bỏ phiếu.
Tổ Bầu cử phải tiến hành niêm phong và quản lý chặt chẽ hòm phiếu, phiếu bầu và các tài liệu liên quan khác, kịp thời báo cáo Ban Bầu cử để có phương án giải quyết, đồng thời phải có biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục tiến hành.
Tổ bầu cử phải đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào Thẻ cử tri của cử tri đã bỏ phiếu bầu xong.
Sau khi đã hết giờ bỏ phiếu theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Tổ Bầu cử mới được mở hòm phiếu để kiểm phiếu./.
Theo P.V (TTXVN/ Vietnam+) - Ngày 9/5/2021
https://www.vietnamplus.vn/bau-cu-quoc-hoi-to-chuc-trang-nghiem-thuan-tien-cho-cu-tri-bo-phieu/711444.vnp