Hội chứng suy giảm trí nhớ hay còn gọi là bệnh Alzheimer là một bệnh lý thoái hóa thần kinh hàng đầu gây sa sút trí tuệ (chiếm tỷ lệ 55%).
Bệnh gây suy giảm dần dần và vĩnh viễn trí nhớ, các chức năng nhận thức của người bệnh, từ đó, ảnh hưởng đến hoạt động sống và làm việc hàng ngày.
Bệnh Alzheimer là một bệnh thoái hóa não nguyên phát, căn nguyên chưa rõ ràng, biểu hiện lâm sàng bằng trạng thái mất trí tiến triển, không phục hồi, thường khởi phát ở lứa tuổi trên 65. Tỷ lệ bệnh Alzheimer ở người trên 65 tuổi là khoảng 5% và ở nhóm người trên 85 tuổi là 20%. Về lâm sàng, trạng thái mất trí tiến triển thường khởi đầu bằng rối loạn trí nhớ, các rối loạn ngôn ngữ, rối loạn hoạt động, rối loạn trí tuệ. Các biến đổi đặc trưng trong não là sự giảm sút đáng kể các nơron, teo lan tỏa vỏ não, giãn rộng não thất.
Nguyên nhân và những giả thuyết
Nguyên nhân của bệnh Alzheimer còn chưa được biết rõ. Hiện nay, một số nghiên cứu cho rằng sự kết hợp yếu tố nguy cơ môi trường và gene kích hoạt quá trình bệnh lý sau nhiều năm gây sa sút trí tuệ. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ gây bệnh khác gồm cao tuổi, béo phì hoặc cơ thể có các yếu tố nguy cơ mạch máu như hút thuốc lá, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp...
Các nhà khoa học đưa ra một số giả thuyết cố gắng giải thích nguyên nhân của bệnh, trong đó có giả thuyết cholinergic thiết lập cả phương pháp trị liệu bệnh trực tiếp. Giả thuyết này đề xuất rằng AD là do giảm tổng hợp của chất truyền thần kinh acetylcholin. Tuy nhiên giả thuyết cholinergic đã không được duy trì hỗ trợ rộng rãi, vì thuốc dùng để điều trị thiếu hụt acetylcholine thực sự không có hiệu quả đối với bệnh nhân.
Một buổi sinh hoạt của các bệnh nhân sa sút trí tuệ.
Những biểu hiện
Biểu hiện sớm của bệnh Alzheimer chủ yếu là triệu chứng quên. Người bệnh quên những việc gần đây, quên những chi tiết quan trọng, quên tên người, cuộc hẹn, quên uống thuốc... và thường phải nhờ vào lịch và ghi chú. Đặc biệt, còn có thêm triệu chứng là bệnh nhân thường hay lặp lại cùng một câu chuyện, cùng một câu hỏi hay cùng một vấn đề.
Không những vậy, người bệnh dễ bị xao nhãng bởi những sự kiện xung quanh xen vào, suy nghĩ và thực hiện những công việc hàng ngày chậm, dễ mắc sai sót hơn. Ngoài ra, trong giai đoạn sớm, người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc hiểu, diễn đạt bằng lời và có thể có thay đổi kín đáo về hành vi, thái độ và cảm xúc.
Hội chứng suy giảm trí nhớ - bệnh Alzheimer dần dần sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động sống, làm việc, các mối quan hệ gia đình và xã hội hàng ngày của người bệnh. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm có ý nghĩa quan trọng trong việc làm chậm diễn tiến của bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh và giảm gánh nặng cho người chăm sóc.
Phòng ngừa cách nào?
Hiện nay không có bất kỳ bằng chứng dứt khoát nào hỗ trợ đặc biệt hiệu quả cho các biện pháp ngăn chặn hoặc trì hoãn sự khởi đầu của bệnh, tuy nhiên các nghiên cứu dịch tễ học đã đề xuất mối quan hệ giữa các yếu tố nhất định, chẳng hạn mối liên hệ giữa chế độ ăn uống, nguy cơ tim mạch, các sản phẩm dược phẩm, sản phẩm công nghệ thông tin, với khả năng số bệnh nhân ngày một tăng.
Mặc dù các yếu tố tim mạch, như tăng cholesterol, tăng huyết áp, tiểu đường và hút thuốc lá, được liên kết với một nguy cơ khởi phát và phát triển bệnh Alzheimer, nhưng statin là loại thuốc làm giảm cholesterol vẫn chưa chứng minh được hiệu quả trong việc ngăn ngừa hoặc cải thiện tiến trình phát triển bệnh. Chế độ ăn kiêng của người vùng Địa Trung Hải, trong đó bao gồm trái cây và rau quả, bánh mì, lúa mì và ngũ cốc khác, dầu ô liu, cá và rượu vang đỏ có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Việc sử dụng vitamin không tìm thấy bằng chứng đủ hiệu quả để khuyến cáo trong việc phòng ngừa và chữa trị bệnh: như vitamin C, E, hoặc axit folic, có hoặc không có vitamin B12. Thử nghiệm kiểm tra acid folic (B9) và vitamin B khác không cho thấy bất kỳ liên kết quan trọng với suy giảm nhận thức.
Những người tham gia các hoạt động trí tuệ như đọc sách, chơi trò chơi hội đồng, hoàn thành câu đố ô chữ, chơi nhạc cụ, hoặc tương tác xã hội thường xuyên cho thấy giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Điều này tương thích với các lý thuyết dự trữ nhận thức, trong đó nêu rằng một số kinh nghiệm đời sống cho kết quả hoạt động thần kinh hiệu quả hơn việc cung cấp dự trữ một nhận thức cá nhân trong sự trì hoãn việc khởi đầu của những biểu hiện mất trí nhớ.
Chăm sóc tại nhà
Bệnh Alzheimer không thể chữa trị được và dần dần nó sẽ làm cho người bệnh không có khả năng đáp ứng những nhu cầu riêng của họ, cho nên việc chăm sóc phải được quản lý chặt chẽ trong quá trình của bệnh.
Trong giai đoạn đầu và giữa, sửa đổi môi trường sống và lối sống có thể tăng tính an toàn cho bệnh nhân và giảm gánh nặng cho người chăm sóc. Bệnh nhân có thể không có khả năng tự ăn uống, do đó, yêu cầu thực phẩm được cắt thành từng miếng nhỏ hoặc nghiền. Khi nuốt sẽ rất khó khăn, cho nên phải sử dụng các ống dẫn thức ăn. Trong trường hợp này, hiệu quả y tế và đạo đức của việc nuôi bệnh là một yếu tố quan trọng của những người chăm sóc và các thành viên trong gia đình. Khi bệnh tiến triển, các vấn đề y tế khác nhau có thể xuất hiện, chẳng hạn như bệnh răng miệng, loét áp lực, suy dinh dưỡng, các vấn đề vệ sinh, da, hô hấp, hoặc nhiễm trùng mắt. Chăm sóc cẩn thận có thể ngăn chặn chúng.
Theo suckhoedoisong.vn - Ngày 17/5/2021
https://suckhoedoisong.vn/phong-hoi-chung-suy-giam-tri-nho-alzheimer-n192652.html