Cập nhật: 21/05/2021 09:05:00
Xem cỡ chữ

Trước thềm bầu cử,Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH, Bùi Văn Cường đã đánh giá toàn diện công việc chuẩn bị cho Ngày Bầu cử, đặc biệt trong bối cảnh dịch đang diễn phức tạp.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chỉ còn 3 ngày nữa, ngày 23/5 tới, cử tri cả nước sẽ đi thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng, bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Cuộc bầu cử là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong năm 2021.

Trước thềm bầu cử, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường để đánh giá toàn diện công việc chuẩn bị cho Ngày Bầu cử, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

- Chỉ còn ít ngày nữa là đến Ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (Chủ nhật ngày 23/5 tới). Xin ông đánh giá về công tác chuẩn bị mọi mặt cho cuộc bầu cử tới thời điểm này?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang đến gần (Chủ Nhật ngày 23/5 tới). Công tác chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc bầu cử đang được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ, chặt chẽ, đúng pháp luật, đảm bảo sẵn sàng cho cuộc bầu cử. Qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy công tác chuẩn bị bầu cử đã bám sát Chỉ thị của Bộ Chính thị, đúng kế hoạch, trình tự theo Luật định và Nghị quyết của Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bầu cử vừa diễn ra, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đánh giá cao Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Bầu cử các cấp và các cơ quan từ trung ương tới cơ sở đã rất sát sao, phối hợp chặt chẽ, thể hiện quyết tâm, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép, vừa nghiêm túc phòng, chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội và tổ chức thật tốt cho cuộc bầu cử lần này.

Về công tác nhân sự người ứng cử, đến thời điểm này các địa phương đã xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh liên quan đến nhân sự người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo đúng các văn bản chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Tính đến ngày 15/5/2021, tổng số ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV còn lại 866, giảm 02 ứng cử viên so với tổng số 868 ứng cử viên theo Nghị quyết số 559/NQ-Hội đồng Bầu cử Quốc gia ngày 17/4/2021 của Hội đồng Bầu cử Quốc gia (rút 02 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV).

Về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, y tế cho cuộc bầu cử: đến nay, các địa phương đã và đang triển khai một cách toàn diện, đồng bộ, cụ thể, sẵn sàng bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn cho Ngày Bầu cử 23/5/2021; tổ chức rà soát, thống kê cơ sở vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhằm đảm bảo vật tư y tế đầy đủ tại các điểm bỏ phiếu.

Về công tác thông tin, tuyên truyền: Các địa phương đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo, tuyên truyền dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: Công khai danh sách cử tri trên nền tảng mạng xã hội zalo; lập sổ phản ánh để người dân có thể ghi kiến nghị đính chính, sửa đổi, bổ sung thông tin trong việc lập và niêm yết danh sách cử tri; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia các tổ chức bầu cử; ban hành phương án tổ chức bầu cử trong điều kiện phòng, chống dịch COVID -19; tổ chức tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đảm bảo công bằng, dân chủ và điều chỉnh linh hoạt. Trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tổ chức các hoạt động bằng hình thức trực tuyến và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời chuẩn bị tốt cơ sở vật chất phục vụ cho cuộc bầu cử.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuẩn bị cho bầu cử vẫn còn có những hạn chế, vướng mắc nhất định như: Một số địa phương có số lượng người lao động đi và đến khá đông, khó khăn trong việc rà soát, lập danh sách cử tri. Số lượng các buổi bố trí cho ứng viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc cử tri vận động bầu cử rất khác nhau ở các địa phương, chưa phù hợp với tình hình bùng phát dịch COVID-19; có nơi chưa chú trọng sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông trong vận động bầu cử. Việc xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo một số nơi còn chậm, lúng túng. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn một số khẩu hiệu tuyên truyền, phát hành băng đĩa tuyên truyền về bầu cử bằng tiếng dân tộc còn gặp khó khăn.

Để đảm bảo cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, ngày 18/5/2021 vừa qua, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tại Nhà Quốc hội, sơ kết đánh giá công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để kịp thời nghe báo cáo, thảo luận, trao đổi, giải đáp các vướng mắc của các địa phương, đồng thời định hướng chỉ đạo các công tác trọng tâm cho đến ngày bầu cử và các công việc sau ngày bầu cử.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã ban hành ngay một số văn bản lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử trong bối cảnh dịch lây lan. Ông đánh giá như thế nào về việc triển khai của các địa phương để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra an toàn, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường: Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới cũng như ở trong nước đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương, bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ chính trị, tích cực chuẩn bị công tác bầu cử còn phải tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Để công tác bầu cử diễn ra thuận lợi, thành công, đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân, giảm thiểu các ảnh hưởng, tác động từ nguy cơ dịch bệnh COVID-19 lây lan, bùng phát, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã ban hành một số văn bản lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể.

Đến thời điểm này, nhìn chung các địa phương đều thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Y tế về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử với hình thức phù hợp bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các ứng cử viên trước khi tiếp xúc cử tri và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn trong hoạt động tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử và các hoạt động khác của cuộc bầu cử. Trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã tổ chức các hoạt động bằng hình thức trực tuyến và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời chuẩn bị tốt cơ sở vật chất phục vụ cho cuộc bầu cử.

Bao dam de Ngay hoi toan dan thuc su vui, dan chu, dung luat, an toan hinh anh 1

Cử tri xã đảo Hưng Phong (Giồng Trôm, Bến Tre) xem tiểu sử ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Hiện nay, một số địa phương cũng đã, đang phải tính đến các phương án tổ chức bỏ phiếu trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn. Cụ thể, tại Hà Nội, sẽ có thêm các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi bầu cử và có phương án riêng đối với các điểm cách ly, phong tỏa. Ủy ban Bầu cử thành phố đã kiến nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia về các phương án đặc thù tổ chức bầu cử tại các điểm cách ly y tế.

Theo đó, một số điểm hiện bị cách ly trước là "điểm bỏ phiếu phụ" (do số lượng cử tri ít) nay thành điểm có số lượng cử tri đông, ví dụ như Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Vì vậy, Ủy ban Bầu cử thành phố đã xin chia nhỏ và ghép số lượng cử tri đang ở khu cách ly vào các khu vực bỏ phiếu liền kề nhưng vẫn bảo đảm số lượng cử tri tại một đơn vị bầu cử không vượt quá 4.000 người.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Bầu cử thành phố yêu cầu sắp xếp chỗ ngồi đảm bảo yêu cầu giãn cách, hạn chế tập trung đông người; bố trí người tham dự không quá 50% sức chứa của hội trường tổ chức. Tại Bắc Giang, dự kiến sẽ không tổ chức khai mạc đông người trong ngày bầu cử; chia nhỏ cử tri thành nhiều đợt để bỏ phiếu theo giờ, tránh tập trung đông người...

- Trong ngày 23/5 tới, Ủy ban Bầu cử các địa phương cần tập trung thực hiện những công việc gì để Ngày Bầu cử thực sự là “ngày hội của toàn dân,” thưa ông?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường: Trong Ngày Bầu cử 23/5 tới, Ủy ban Bầu cử các địa phương cần tập trung thực hiện các công việc sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm theo kết luận của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Vương Đình Huệ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 18/5 vừa qua.

Thứ hai, chỉ đạo tổ chức thật thành công cuộc bầu cử từ mỗi điểm bầu cử đến cấp huyện và toàn tỉnh, thành phố, trong không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm.

Trước diễn biến rất phức tạp, khó lường của tình hình dịch COVID-19, ở những địa phương có nguy cơ cao về dịch bệnh COVID-19, cần tổ chức lễ khai mạc trang trọng, gọn nhẹ. Chú trọng việc nhắc nhở cử tri thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn... nhắc nhở cử tri đến bỏ phiếu lệch giờ cho từng cụm dân cư để không đến cùng một thời điểm. Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho lực lượng làm công tác bầu cử, nhất là người làm công tác bầu cử ở những nơi cách ly, mang hòm phiếu phụ, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm khi kiểm phiếu bầu với những phiếu bầu “đặc biệt.” Đảm bảo an ninh trật tự cho từng khu vực bầu cử.

Bao dam de Ngay hoi toan dan thuc su vui, dan chu, dung luat, an toan hinh anh 2

Anh Lê Văn Luông, Phó Trưởng bản Bá Hạ cùng mọi người treo ảnh Bác, chuẩn bị cho ngày bầu cử. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Thứ ba, Ủy ban Bầu cử địa phương cần nắm chắc tình hình nhân dân, những nơi có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất để kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh. Dự lường các tình huống và có giải pháp xử lý để không bị động, bất ngờ. Thực hiện tốt việc giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung, cũng như công tác bầu cử nói riêng theo đúng quy định pháp luật. Chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất tại điểm bỏ phiếu và các điều kiện cần thiết phục vụ bầu cử, kể cả dự phòng nhân lực để xử lý giải quyết các tình huống phát sinh.

Thứ tư, Tăng cường kiểm tra, giám sát trong ngày bầu cử theo hướng phân công cán bộ theo dõi kiểm tra, giám sát việc bầu cử ở từng địa bàn, để đảm bảo việc bầu cử đúng luật, an toàn phòng, chống dịch.

Thứ năm, tổ chức lực lượng trực tại văn phòng của Ủy ban Bầu cử để theo dõi, kịp thời xử lý các vụ việc phức tạp phát sinh ở địa phương. Báo cáo theo quy định về Hội đồng Bầu cử Quốc gia diễn biến tình hình và kết quả của cuộc bầu cử.

Bên cạnh đó, trước ngày bầu cử Ủy ban Bầu cử các địa phương phải tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền theo hướng: Ủy ban Bầu cử các địa phương cần quan tâm, chỉ đạo các tổ chức phụ trách bầu cử phối hợp cùng chính quyền địa phương các cấp có hình thức thông tin, tuyên truyền rộng rãi, phong phú, đa dạng để cử tri nắm được nội dung các văn bản hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng như các quy định của pháp luật về bầu cử; tạo điều kiện thuận lợi nhất và bảo đảm để tất cả cử tri đều có thể thực hiện quyền bầu cử của mình.

Tập trung tuyên truyền trực quan, cổ động, phát các ca khúc về bầu cử nhằm tạo không khí phấn khởi, khơi dậy trách nhiệm, quyền lợi của cử tri. Bên cạnh đó, cần thông tin, tuyên truyền để cử tri và nhân dân nắm được và tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi tham gia bỏ phiếu bầu cử.

Tại các phòng bỏ phiếu hoặc địa điểm bỏ phiếu phải tạo lối đi, hành lang thông thoáng và có hướng dẫn cụ thể cho cử tri tham gia bỏ phiếu, bảo đảm khoảng cách khi nhận phiếu bầu cử, ghi phiếu và bỏ phiếu bầu cử vào hòm phiếu, đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay sát khuẩn trước và sau khi bỏ phiếu... thực hiện đúng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Về công tác bảo đảm an ninh, trật tự: Ủy ban Bầu cử các tỉnh cần chỉ đạo, phối hợp với lực lượng công an, quân đội tổ chức tốt công tác nắm tình hình bên trong, bên ngoài liên quan đến an ninh, trật tự cuộc bầu cử; phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa từ sớm, từ xa mọi âm mưu, hoạt động chống phá cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây mất an ninh, trật tự, chống Đảng, Nhà nước; củng cố môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, phục vụ tốt nhất cuộc bầu cử, trọng tâm là Ngày Bầu cử.

Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và y tế, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống thiên tai, cháy nổ. Đảm bảo các điều kiện chu đáo cho cử tri đi bầu cử (nước uống, chỗ ngồi, tránh mưa nắng) để ngày bầu cử thực sự vui tươi, dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thành công tốt đẹp. Đối với các khu vực bỏ phiếu đã được Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho phép thực hiện bầu cử sớm, Ủy ban Bầu cử cần chỉ đạo các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương tổ chức việc bầu cử an toàn, chu đáo, đúng quy định và niêm phong phiếu bầu để kiểm phiếu cùng với bầu cử chung của cả nước.

Trân trọng cảm ơn ông./.

Theo Quỳnh Hoa / (TTXVN/Vietnam+) - 20/5/2021

https://baucuquochoi.vn/bao-dam-de-ngay-hoi-toan-dan-thuc-su-vui-dan-chu-dung-luat-an-toan/714.vnp