PGS-TS Lương Ngọc Khuê cho biết theo WHO, hút thuốc lá cũng như hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ mắc và làm trầm trọng hơn các bệnh nền, khiến người mắc COVID-19 có nguy cơ tử vong cao hơn.
Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá phát biểu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Chiều 27/5, chia sẻ với báo giới về hoạt động của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá nhân Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25-31/5/2021), Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cho biết nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến thuốc lá, năm 2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá” cho Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5).
Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các quốc gia tăng cường thực hiện các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Tư vấn cai nghiện miễn phí
Theo Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, trong những năm qua, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá đã chú trọng triển khai tư vấn cai nghiện thuốc lá.
Quỹ đã hỗ trợ thiết lập và duy trì tổng đài tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí tại Bệnh viện Bạch Mai 1800-6606 và tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định thành phố Hồ Chí Minh số 1800-1214, đồng thời hỗ trợ 8 bệnh viện tổ chức hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá.
“Các hoạt động tập trung vào việc tổ chức hoạt động cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá tại bệnh viện, nâng cao năng lực cho đội ngũ bác sỹ, tư vấn viên trong bệnh viện về tác hại thuốc lá và phương pháp tư vấn cai nghiện thuốc lá, truyền thông về tác hại thuốc lá và lợi ích của cai nghiện thuốc lá cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân," Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cho biết.
Các mô hình điểm về cai nghiện thuốc lá dựa vào cộng đồng cũng đã được thực hiện tại 8 phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá, bao gồm Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Viện Y Dược học dân tộc, Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện huyện Cần Giờ và Bệnh viện huyện Bình Chánh.
Đến nay, đã có mạng lưới các bệnh viện thuộc Bộ Y tế tổ chức hoạt động cai nghiện thuốc lá, trong đó có những bệnh viện chuyên khoa có liên quan đến các bệnh có sử dụng thuốc lá và có lượng bệnh nhân lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phổi trung ương, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba Đồng Hới, Bệnh viện E, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, trong đó Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện vệ tinh hỗ trợ kỹ thuật trong vấn đề cai nghiện thuốc lá và các bệnh viện.
Giai đoạn 2019-2020, có trên 30.000 cuộc gọi đến Tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá trong đó gần 14.400 cuộc gọi được tư vấn cai nghiện thuốc lá và có hồ sơ theo dõi.
Các tư vấn viên đã tư vấn ngắn cho 30.472 lượt bệnh nhân, tưvấn chuyên sâu cho 3.445 lượt bệnh nhân. Tổng số bệnh nhân cai nghiện thành công trên 1 năm là 859 trường hợp.
Các thông tin các bệnh nhân cai nghiện thuốc lá đều được quản lý dữ liệu trên phần mềm quản lý và theo dõi người cai nghiện thuốc lá. Phần mềm giúp hỗ trợ tư vấn viên quản lý, theo dõi và đánh giá kết quả của cuộc gọi đến; lưu hồ sơ bệnh án và cung cấp số liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.
Năm 2020, Quỹ đã phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai triển khai mô hình thí điểm phòng khám, tư vấn cai nghiện thuốc lá lồng ghép vào phòng quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản tại 3 cơ sở y tế gồm Bệnh viện huyện Ba Vì, Trung tâm Y tế huyện Việt Yên (Bắc Giang), Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi).
Quỹ cũng tiếp tục hỗ trợ Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương triển khai nghiên cứu thử nghiệm một số phương pháp y học cổ truyền hỗ trợ điều trị cai nghiện thuốc lá như phương pháp dùng thuốc (trà nhúng BTL) và phương pháp không dùng thuốc (dán nhĩ áp kết hợp xoa bóp bấm huyệt).
Các bài thuốc, phác đồ y học cổ truyền sẽ tiếp tục được nghiên cứu theo quy trình để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, từng bước giúp người dân có thể tiếp cận được các phương pháp y học cổ truyền và tăng khả năng cai nghiện thuốc lá thành công.
Thay đổi tích cực trong nhận thức về tác hại của thuốc lá
Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê đánh giá, những kết quả trong công cuộc phòng chống tác hại của thuốc lá chính là những thay đổi tích cực trong nhận thức về tác hại của thuốc lá, thay đổi hành vi sử dụng thuốc lá, không hút thuốc gần mọi người, là những cơ quan đơn vị tích cực xây dựng môi trường không khói thuốc, là tỷ lệ hút thuốc lá giảm tại nhiều địa phương.
Kết quả nghiên cứu “Tình hình sử dụng thuốc lá và thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá” của 34 tỉnh, thành phố năm 2020 cho thấy, một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ hút thuốc nam giới giảm so với năm 2015 (từ 2,5% đến 12%) như Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Tháp, Tiền Giang. Các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Đồng Tháp, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Nam, Tiền Giang có tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc giảm (từ 8,8% đến 33,2%) so với năm 2015.
Bên cạnh đó, tỷ lệ hiểu biết về tác hại của việc sử dụng thuốc lá cao với 95,5% người trưởng thành tin rằng hút thuốc lá sẽ gây ra các bệnh nguy hiểm; tỷ lệ người biết về Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá là 65,2%.
Giai đoạn 2019-2020 đã có gần 22.000 trường học, 3826 nhà máy 377 công ty xe khách thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá.
Nhiều bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội tích cực tham gia và triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá như Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên...
Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê chia sẻ trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay, cần tuyên truyền để mọi người nhận thức rõ việc bỏ thuốc lá sẽ giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19.
"Theo Tổ chức Y tế Thế giới, người hút thuốc lá có khả năng mắc COVID-19 cao gấp 1,5 lần người không hút thuốc lá. Hút thuốc lá cũng như hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ mắc và làm trầm trọng hơn các bệnh nền, khiến người mắc COVID-19 có nguy cơ tử vong cao hơn. COVID-19 tấn công và làm suy yếu phổi khiến những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc cao hơn. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các tổ chức và chuyên gia y tế công cộng hàng đầu lo ngại rằng những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn nếu mắc COVID-19. Thời điểm đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp chính là thời gian phù hợp nhất để người hút thuốc quyết tâm bỏ thuốc lá," Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh./.
Theo Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+) - 27/5/2021
https://www.vietnamplus.vn/who-nguoi-hut-thuoc-la-co-kha-nang-mac-covid19-cao-gap-15-lan/715846.vnp