Cập nhật: 03/06/2021 14:09:00
Xem cỡ chữ

COVID-19 không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới du lịch mà còn rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực liên quan. Để hỗ trợ, các chuyên gia cho rằng Chính phủ hãy cho doanh nghiệp, người lao động cái "cần câu cơm."

Du lịch Việt lâm cảnh bị dịch bệnh bao vây tứ phía. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Du lịch Việt lâm cảnh bị dịch bệnh bao vây tứ phía. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Những tưởng COVID-19 sẽ chỉ “quá tam ba bận” để du lịch Việt có cơ phục hồi vào đợt cao điểm Hè này. Nhưng không, đại dịch bùng phát ngay trước kỳ nghỉ vàng khiến các doanh nghiệp trở tay không kịp.

Dịch bệnh đã cho thấy sự khó lường và khả năng hủy diệt của nó đối với các ngành nghề kinh tế, đặc biệt là du lịch. Mặc dù không chủ quan vì đã có tới ba lần kinh nghiệm trước đó, nhưng quả thực COVID-19 bùng phát lần thứ tư trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của những người làm nghề và các chuyên gia cho rằng đây sẽ là “bước ngoặt lịch sử của du lịch Việt Nam.”

Để hiểu rõ hơn về tình hình của các doanh nghiệp trong "mùa COVID thứ tư,” Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, ông Nguyễn Công Hoan đã có cuộc trao đổi với phóng viên.

Bước ngoặt lịch sử

- Giữa thời điểm tất cả các đơn vị lữ hành đang háo hức dồn sức chuẩn bị đón mùa du lịch cao điểm Hè 2021 thì COVID-19 lại bùng phát, điều này đã tác động thế nào đến các doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Hoan: Đại dịch COVID-19 lần thứ tư ập đến đúng dịp cao điểm Hè 2021 nhanh, mạnh như “sóng thần,” không gì có thể ngăn cản nổi. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, du lịch nói chung chịu tổn thất nặng nề cả về kinh tế và tinh thần.

Vuot ‘song than COVID’: Du lich muon ‘can cau’ hon ‘con ca’ hinh anh 1

Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, ông Nguyễn Công Hoan. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Sau ba lần bùng phát, chúng ta đã khống chế thành công virus SARS-CoV-2 và nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh doanh, chúng tôi đã nghĩ rằng “quá tam ba bận,” COVID-19 sẽ khó bùng phát vào mùa Hè này hoặc nếu có thì cũng nhẹ và ít ảnh hưởng.

Bởi lẽ, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm phòng chống COVID-19, cũng là một trong số ít quốc gia kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Bên cạnh đó, tình hình tiêm vaccine trên thế giới và Việt Nam đang triển khai rất tích cực. Trong khi nhu cầu đi du lịch của người dân cao, tạo hứng khởi cho những người làm nghề. Vì thế, các doanh nghiệp còn tồn tại đều kỳ vọng rất lớn vào thị trường nội địa trong mùa Hè 2021.

Thế nhưng, đại dịch COVID-19 lại bùng phát lần thứ tư với mức độ nguy hiểm và trên diện rộng nhất từ trước đến nay ở Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Mặc dù đợt dịch lần này không tác động đến nhiều doanh nghiệp lữ hành như những lần trước vì nhiều công ty đã đóng cửa, chưa “tái hòa nhập,” nhưng mức độ thiệt hại và hệ lụy của nó đối với những công ty còn tồn tại lại lớn hơn rất nhiều.

Nói như vậy là bởi một số doanh nghiệp đã dùng tất cả nguồn lực cuối cùng để tranh thủ cơ hội, thậm chí có những doanh nghiệp huy động thêm các nguồn lực khác để đầu tư cho dịch vụ, sản phẩm du lịch.

Chính vì thế, dịch bệnh trở lại khiến tinh thần, niềm tin và kỳ vọng của doanh nghiệp giảm xuống rất thấp. Họ hoài nghi, lo lắng không biết COVID-19 còn dai dẳng đến lúc nào và cũng không thể dự đoán đến khi nào mới được kiểm soát.

Vuot ‘song than COVID’: Du lich muon ‘can cau’ hon ‘con ca’ hinh anh 2

Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư thực sự khiến những người trong ngành du lịch choáng váng, bởi đã sức cùng lực kiệt. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Dẫu vậy, tôi cho rằng từ lần bùng phát dịch này, chúng ta phải tĩnh tâm suy nghĩ và tính toán lại mọi kịch bản và kế hoạch. Việc dự báo khi nào du lịch có thể phục hồi thực sự cần thận trọng hơn bao giờ hết.

- Trước diễn biến khó kiểm soát của dịch bệnh hiện nay, theo ông doanh nghiệp du lịch nên làm gì?

Ông Nguyễn Công Hoan: Thật khó để áp dụng một mô hình chung cho tất cả bởi mỗi doanh nghiệp đều có những điều kiện, đặc điểm riêng.

Trải qua những đợt COVID-19 trước đây, rất nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, chuyển đổi hoặc bổ sung thêm lĩnh vực kinh doanh khác. Nguồn lực doanh nghiệp đã phải san sẻ cho nhiều mảng và chỉ dành một phần nào đó cho du lịch.

Tuy nhiên, sau đợt dịch lần thứ 4, liệu rằng còn có những doanh nghiệp khác bước chân vào thị trường du lịch hay không? Còn bao nhiêu doanh nghiệp tiếp tục duy trì mảng lữ hành? Những nhân lực du lịch có còn mặn mà với ngành, khi mà thu nhập đã mất hay giảm đáng kể sau một thời gian dài? Ngành du lịch sẽ ra sao?

Vuot ‘song than COVID’: Du lich muon ‘can cau’ hon ‘con ca’ hinh anh 3

COVID-19 đã tạo ra bước ngoặt lịch sử lớn đối với ngành du lịch. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Theo tôi, có lẽ COVID-19 sẽ tạo ra bước ngoặt lịch sử lớn đối với ngành du lịch. Bởi chúng tôi dự đoán lực lượng lao động và số lượng doanh nghiệp xác định dứt bỏ hẳn mảng du lịch sẽ rất lớn.

Trong bối cảnh hiện nay, việc các doanh nghiệp du lịch chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh là cần thiết.

Chuyển đổi thế nào cho hiệu quả?

- Vâng, có thể nói để tự cứu mình trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp du lịch cần chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh. Nhưng để hiệu quả, cần chuyển đổi như thế nào cho phù hợp với giai đoạn vẫn đang phải sống chung với dịch bệnh?

Ông Nguyễn Công Hoan: Ở giai đoạn này, chúng ta không chỉ dừng ở những việc đã làm từ khi đại dịch COVID-19 ập đến như: Sắp xếp lại tổ chức, tiết giảm chi phí, đào tạo nhân sự, chuyển đổi số… mà các doanh nghiệp phải tĩnh tâm lại và điều chỉnh tất cả kế hoạch một cách căn cơ, bài bản, lâu dài hơn.

Nếu như trước đây chúng ta vẫn tính toán theo kiểu điều chỉnh ngắn hạn thì bây giờ kế hoạch phải tính toán dài hơi. Thậm chí, phải chuyển đổi, bổ sung thêm các lĩnh vực kinh doanh mới. Cụ thể mảng kinh doanh nào thì phụ thuộc vào năng lực tài chính và chuyên môn của ông chủ và chính những nhân sự còn duy trì trong doanh nghiệp.

Vuot ‘song than COVID’: Du lich muon ‘can cau’ hon ‘con ca’ hinh anh 4

Ông Hoan cho rằng thời điểm này, doanh nghiệp cần tĩnh tâm lại để điều chỉnh tất cả kế hoạch một cách căn cơ, bài bản, lâu dài hơn. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Có nhiều chủ doanh nghiệp lữ hành không xuất thân từ ngành du lịch nay có thể quay về ngành nghề cũ từng được đào tạo bài bản. Giai đoạn này nên ưu tiên dùng năng lực chuyên môn đó để chuyển đổi kinh doanh hơn vì đầu tư về mặt tài chính bởi thời điểm này rất rủi ro. Khả năng thành công sẽ cao hơn nếu kinh doanh dựa trên cơ sở nền tảng kiến thức, kỹ năng của ông chủ và người lao động đang có.

Thực tế, nhân sự ngành du lịch có kỹ năng về ngoại ngữ, đào tạo, thương mại, nhân sự, truyền thông, tư vấn… Vậy thì, hãy dùng những kỹ năng đó để tồn tại trong bối cảnh COVID-19 chưa biết đến khi nào mới kết thúc.

Quan điểm của tôi là doanh nghiệp nên duy trì du lịch ở góc độ đam mê, cố gắng giữ một bộ phận tối thiểu, đợi thị trường phục hồi. Với người lao động, chúng ta vẫn duy trì kết nối như hàng tuần họp giao ban online, các group tương tác để trao đổi, đánh giá tình hình thị trường nhằm duy trì kỹ năng chuyên môn du lịch.

Nhân viên vẫn có một phần lương, được đóng bảo hiểm xã hội từ phía công ty và họ dùng những chuyên môn của mình để làm nghề tay trái, bù đắp thu nhập. Có những nhân sự của Flamingo Redtous hiện chuyển sang làm thêm tư vấn viên bảo hiểm hay bán hàng online, thiết kế đồ lưu niệm… rất thành công và thu nhập tốt hơn cả khi làm du lịch.

Vuot ‘song than COVID’: Du lich muon ‘can cau’ hon ‘con ca’ hinh anh 5

Mong một tương lai sôi động sớm trở lại với du lịch. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Về tài chính, doanh nghiệp cũng phải tính toán và để dành quỹ dự phòng, để khi du lịch phục hồi mang ra đầu tư khởi động lại hoạt động kinh doanh, tránh tình trạng có bao nhiêu mang ra đầu tư hết nhưng không hiệu quả, khiến doanh nghiệp chết dần, chết mòn trước khi thị trường có thể phục hồi.

Doanh nghiệp muốn “cần câu cơm”…

- Vậy còn ở góc độ cơ chế, chính sách từ Chính phủ, doanh nghiệp mong mỏi điều gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Hoan: Qua báo chí và rất nhiều cuộc trao đổi với người trong nghề, tôi thấy hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều mong muốn Chính phủ hỗ trợ giảm thuế, giảm lãi, giãn nợ, hỗ trợ trả lương cho người lao động…

Tuy nhiên, tôi lại có tư duy khác. Việc hỗ trợ thuế của Nhà nước thời điểm này là không có ý nghĩa vì doanh nghiệp không có doanh thu. Còn nếu hỗ trợ trả lương cho người lao động, thì chưa biết đến khi nào du lịch mới phục hồi, mà chính sách hỗ trợ phải xác định được thời điểm bắt đầu và kết thúc. Mặt khác, nếu thời gian qua nhà nước hỗ trợ trả lương cho nhân viên, vô hình chung sẽ tạo sức ỳ cho nhân sự ngành.

Trên thực tế, COVID-19 cũng ảnh hưởng nặng nề tới rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác liên quan tới du lịch như vận tải, nhà hàng-khách sạn, các khu vui chơi, giải trí. Khoản đầu tư của họ là khổng lồ nhưng cũng không có doanh thu. Trong khi đó, lữ hành chỉ phải trả chi phí duy nhất là nhân sự, còn văn phòng có thể chuyển sang làm việc online.

Theo tôi, Nhà nước hãy cho doanh nghiệp, người lao động cái "cần câu cơm" hơn là cho "con cá." Giai đoạn này, tôi cho rằng có bốn đề xuất chính từ phía doanh nghiệp đối với Chính phủ.

Thứ nhất, hiện nguồn lực của Nhà nước có hạn nên cần ưu tiên công tác phòng chống dịch, các vấn đề an sinh xã hội đồng thời ưu tiên thúc đẩy những ngành ít chịu ảnh hưởng nhất để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh như nông nghiệp, y tế, công nghệ, công nghiệp, gia công xuất khẩu… nhằm duy trì và tăng trưởng GDP, thêm nguồn thu cho ngân sách để có thêm nguồn lực chiến đấu với đại dịch và hỗ trợ lại những ngành bị ảnh hưởng.

Vuot ‘song than COVID’: Du lich muon ‘can cau’ hon ‘con ca’ hinh anh 6

Các chuyên gia cho rằng giai đoạn này ngành du lịch cũng như doanh nghiệp cần Chính phủ cho chiếc "cần câu" hơn là "con cá." (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Thứ hai, Nhà nước cần nghiên cứu chính sách khuyến khích những ngành sản xuất kinh doanh phù hợp tạo ra nhiều việc làm mới cho nhân sự ngành du lịch chuyển sang hay các doanh nghiệp du lịch chuyển sang đầu tư nhằm duy trì hoạt động và giải quyết việc làm cho người lao động.

Thứ ba, Nhà nước cần có quỹ hỗ trợ, chương trình ưu đãi lãi suất cho các doanh nghiệp du lịch với những khoản vay đầu tư lĩnh vực mới tiềm năng trên cơ sở đánh giá, thẩm định tính khả thi hiệu quả của dự án.

Nhà nước cũng nên có cơ chế khuyến khích các công ty, doanh nghiệp không thuộc ngành du lịch sử dụng nhân sự ngành kinh tế xanh. Bởi, nhân sự ngành du lịch có nhiều kỹ năng mềm về sale, marketing, bán hàng, phiên dịch… Ví dụ, doanh nghiệp lĩnh vực khác sử dụng nhân lực du lịch, nhà nước sẽ có chính sách ưu đãi về thuế hay tiền điện, đào tạo chuyển đổi hoặc một ưu đãi nào đó để khuyến khích.

Thứ tư, Nhà nước cần thành lập, đầu tư cho bộ phận nghiên cứu đánh giá thị trường du lịch với các nhiệm vụ dự báo khi nào du lịch có thể phục hồi; thị trường nào phục hồi trước, phục hồi sau; những dòng sản phẩm nào sẽ tương ứng với mỗi thị trường trong thời gian tới. Công khai kết quả nghiên cứu, tập huấn định hướng cho các doanh nghiệp...

Đây là cách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả nhất và công bằng cho tất cả mọi người đầu tư vào du lịch khi thị trường phục hồi.

- Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.

Theo Mai Mai (Vietnam+) – 3/6/2021

https://www.vietnamplus.vn/vuot-song-than-covid-du-lich-muon-can-cau-hon-con-ca/717057.vnp