Cập nhật: 04/06/2021 10:17:00
Xem cỡ chữ

Với nhiều nông sản đặc trưng như: rau quả, gia súc, gia cầm chất lượng cao và các loài dược liệu quý, Tam Đảo được kỳ vọng là một trong những địa phương sẽ triển khai có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ việc khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sản phẩm tiêu biểu của mình, đã giúp người dân Tam Đảo nâng tầm sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.

Trà hoa vàng là một trong những cây trồng đặc trưng của Tam Đảo. Khai thác thế mạnh này, nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp đã trồng, nhân giống thành công cây trà hoa vàng và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ cây trà hoa vàng. Khi tỉnh triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, thì cây trà hoa vàng Tam Đảo và các sản phẩm từ cây trồng này đã trở thành những sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh.

Khai thác lợi thế đất đồi tại địa phương, người dân trên địa bàn huyện Tam Đảo đã trồng nghệ và chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau. Từ thế mạnh cây trồng sẵn có, Công ty Cổ phần nghệ & trà xanh Tam Đảo đã chế biến và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm được chế biến từ cây nghệ của địa phương như tinh bột nghệ Tam Đảo, viên tinh bột nghệ mật ong rừng Tam Đảo. Khi tham gia vào chương trình OCOP của tỉnh, các sản phẩm này đã tạo sức bật trên thị trường và trở thành sản phẩm tiêu biểu của địa phương.

Ngay từ cuối năm 2018 khi bắt tay vào triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, UBND Huyện Tam Đảo đã tập trung tuyên truyền, chỉ đạo các địa phương xác định sản phẩm, nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng có lợi thế để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, sản lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mạnh dạn đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng máy móc, thiết bị, nhà xưởng, tích cực hỗ trợ các đơn vị hoàn thiện hồ sơ đăng ký… Sau 2 năm triển khai thực hiện, huyện Tam Đảo đã trở thành địa phương dẫn đầu tỉnh về số sản phẩm OCOP. Hiện trong số 40 sản phẩm OCOP đã được tỉnh công bố trong 2 năm 2019 và 2020 thì có tới 12 sản phẩm của Tam Đảo như các sản phẩm sữa chua, các sản phẩm tinh bột nghệ, trà hoa vàng, nấm ... Sau khi các sản phẩm được công nhận OCOP đã có thêm nhiều cơ hội để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước. Bên cạnh đó, chương trình OCOP còn mở ra cơ hội thuận lợi để người dân trong huyện tham gia trong các chuỗi sản xuất, nâng giá trị hàng nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững./.

Hà Giang