Cơn chóng mặt xảy ra đột ngột, nhưng chấm dứt cũng rất nhanh, chỉ trong mấy giây đồng hồ để rồi xuất hiện trở lại, hay gặp nhất ở quãng 50 - 60 tuổi.
Đây là nguyên nhân gây té ngã ở người cao tuổi dẫn đến chấn thương.
Chóng mặt là một triệu chứng người bệnh cảm thấy mọi vật quanh mình quay tít, chông chênh, có khi cảm thấy bồng bềnh như đi thuyền trên sóng hoặc bước hẫng, đi lại không vững. Trong một số trường hợp, chóng mặt kèm theo buồn nôn hoặc nôn, vã mồ hôi, tim đập nhanh, hồi hộp, sợ hãi.
Nguyên nhân của chóng mặt rất phức tạp, có khi cần sự phối hợp khám của nhiều chuyên khoa như tai mũi họng, nội khoa, thần kinh, mắt, Xquang và làm một số xét nghiệm khác. Tuy vậy, thường cũng chỉ tìm được nguyên nhân ở 30% các trường hợp.
Các nguyên nhân chính gây ra chóng mặt là: Chấn thương (va chạm, ngã, đụng đập, tai nạn giao thông...) gây ra chấn động tai trong. Nhiễm độc (rượu, thán khí, oxyt cacbon...). Dùng một số thuốc có ảnh hưởng đến tai trong (tiền đình). Viêm tai giữa, viêm xương chũm, viêm màng não. Nhiễm virus. Rối loạn điều hành tuần hoàn ở trong tai, huyết áp dao động. Do ống tai ngoài bị bít (vật lạ, ráy tai...). Do có tổn thương trong não.
Chóng mặt kèm theo buồn nôn hoặc nôn, vã mồ hôi, tim đập nhanh, hồi hộp, sợ hãi.
Chóng mặt kịch phát theo tư thế là hay gặp nhất
Ở người cao tuổi, hay gặp nhất loại chóng mặt kịch phát theo tư thế. Loại này đột ngột, trước đó không có bệnh gì rõ rệt, thường vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối lúc đi ngủ. Khi đang nằm, đầu nghiêng trên gối quay sang phải hoặc trái, hay quay cả người, hoặc đang ngồi mà nghiêng đột ngột sang một bên, người bệnh thấy chóng mặt dữ dội. Thường cơn chóng mặt xuất hiện theo một tư thế nhất định hoặc theo một bên nhất định (bên phải hoặc bên trái).
Đối với người bệnh đang lên cơn chóng mặt, thầy thuốc chỉ nên khám tối thiểu, tránh làm tăng cơn chóng mặt, và tôn trọng tư thế nằm mà người bệnh đã chọn, tránh di chuyển không cần thiết.
Nếu người bệnh đồng thời bị chóng mặt, ù tai, điếc có thể nghĩ đến một hội chứng tai trong, gọi là hội chứng Menière, do sũng nước ở tai trong. Tuy rất khó chịu, hội chứng này có xu hướng tự khỏi, người bệnh có thể hết chóng mặt, song vẫn còn ù tai kéo dài và nghe kém.
Các chứng chóng mặt xuất hiện từ từ, xảy ra ở bất kỳ tư thế nào, không dữ dội song kéo dài trong nhiều ngày, có kèm theo rung giật nhãn cầu (động mắt), thường biểu hiện một tổn thương trong não, cần phải được các chuyên khoa phối hợp khám kỹ mới xác định được nguyên nhân và đề ra cách chữa hợp lý.
Cách đối phó với chứng chóng mặt
Cần phải chẩn đoán nguyên nhân, tuy nhiên trong một số trường hợp cần tiến hành điều trị triệu chứng trước trong thời gian tìm ra nguyên nhân. Trong khi điều trị triệu chứng, cần khám tỉ mỉ, nhiều khi phải phối hợp với các chuyên khoa nội, thần kinh, mắt, tai mũi họng và các thăm dò cận lâm sàng khác để chẩn đoán chính xác.
Thường người bệnh lo lắng, sợ hãi nhiều hơn là thực sự có một tổn thương thực thể. Gặp các loại chóng mặt kịch phát theo tư thế như trên, có thể chữa bệnh qua 3 giai đoạn:
Chữa triệu chứng, từ 2-3 ngày, làm giảm các biểu hiện khó chịu: khi đang cơn, người bệnh cần nằm yên ở nơi yên tĩnh, ít ánh sáng, nằm nghiêng về phía không gây cơn; dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Nâng đỡ sức khỏe, từ 10 ngày đến 2 tuần: Có thể hoạt động nhẹ nhàng, tránh đi lại trên cao, cheo leo, tránh gần các vật chuyển động nhanh (như xe cộ...); Dùng thuốc theo chỉ định.
Tập luyện là phương pháp chữa trị cơ bản. Giai đoạn này cần kéo dài trong nhiều tháng. Bài tập nhằm rèn luyện cho tiền đình (bộ phận tai trong có chức năng cơ bản của thăng bằng) chịu đựng các thay đổi tư thế, dần dần phục hồi hoàn toàn.
Người bệnh ngồi trên mép giường, nhắm mắt thư giãn, rồi dần dần nghiêng đầu về một bên cho đến khi đầu nằm ngang trên giường, giữ tư thế này ít nhất 30 giây, trả đầu về tư thế cũ, lại ngồi yên trong 30 giây, đoạn tiếp tục làm động tác nghiêng đầu về phía đối diện. Lần đầu tập chỉ làm 3-4 lần động tác trên, sau đó tiến lên làm mỗi buổi tập 5-7 lần. Mỗi ngày tập 2 buổi, vào sáng sớm và tối trước ngủ, kiên trì tập trong 4-5 tuần lễ hoặc dài ngày hơn.
Song song với kiên trì luyện tập như trên, người bệnh cần tránh các yếu tố gây kích động tâm thần, tâm lý, thần kinh, tránh các chất kích thích như rượu, thuốc lá.
Cách phòng ngừa chóng mặt
Chóng mặt có thể phòng ngừa bằng cách luyện tập thích nghi cho hệ thống giữ thăng bằng của cơ thể khi bệnh nhân ở giai đoạn ổn định hay chóng mặt nhẹ. Tránh thay đổi tư thế đột ngột vì dễ té ngã gây chấn thương. Ngoài ra người cao tuổi không uống rượu, bia; đeo khẩu trang khi tiếp xúc với môi trường...; khám và điều trị tích cực các bệnh tai mũi họng, nhiễm khuẩn.
Theo suckhoedoisong - Ngày 3/6/2021
https://suckhoedoisong.vn/cai-thien-chong-mat-o-nguoi-cao-tuoi-n194051.html