Cập nhật: 16/06/2021 08:27:00
Xem cỡ chữ

Bình Thuận đã phát triển những sản phẩm du lịch đa dạng, có chất lượng cao dựa trên thế mạnh về biển và những tài nguyên du lịch khác. Sản phẩm, không gian du lịch của tỉnh đã mở rộng và hoàn thiện.

Du lich Binh Thuan dot pha sau 5 nam thuc hien Nghi quyet cua Tinh uy hinh anh 1

Phan Thiết với đường bờ biển trong xanh luôn là điểm đến hấp dẫn. (Ảnh: CTV)

Ngày 25/10/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2020.

Đây được coi là bước đột phá lớn, có ý nghĩa định hình chiến lược phát triển bền vững du lịch Bình Thuận theo hướng tổng thể.

Du lịch phát triển đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Bình Thuận, từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân.

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết, tuy chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu đề ra, nhưng du lịch Bình Thuận cũng đã trở thành một trong ba trụ cột phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, với hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại.

Bình Thuận đã phát triển những sản phẩm du lịch đa dạng, có chất lượng cao dựa trên thế mạnh về biển và những tài nguyên du lịch khác. Sản phẩm, không gian du lịch của tỉnh đã mở rộng và hoàn thiện.

Các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao biển, du lịch thể thao trên cát, golf, du lịch dã ngoại, cắm trại, du lịch văn hóa, tín ngưỡng được chút trọng và có sức cạnh tranh cao so với các tỉnh, thành phố ven biển khác…

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong giai đoạn 2016-2019, ngành du lịch đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng. Lượng khách du lịch đến tỉnh tăng trưởng ổn định, bình quân 11,2%/năm. Doanh thu từ du lịch có mức tăng trưởng khá, bình quân 18,7%/năm. Bình quân công suất sử dụng phòng đạt từ 60-70%.

Tuy nhiên, trong năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động rất nghiêm trọng tới ngành du lịch của tỉnh với sự sụt giảm mạnh về lượng khách lẫn doanh thu.

Sức lan tỏa của Nghị quyết 09 được thể hiện khi du lịch chuyển mình mạnh mẽ tại nhiều địa phương trong toàn tỉnh.

Đảo Phú Quý đã trở thành khu du lịch cấp tỉnh. Du lịch sinh thái dựa trên cơ sở khai thác các tiềm năng du lịch: hồ, thác, khu bảo tồn, vườn trái cây, vườn thanh long… được định hình và phát triển đa dạng, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với các địa phương.

Đặc biệt, ngày 24/8/2020, Mũi Né chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hoàn thành một trong những mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy đề ra về phát triển du lịch.

Cùng với các chủ trương khác, Nghị quyết số 09 đã tác động mạnh mẽ đến việc thu hút các nhà đầu tư lớn đến với Bình Thuận, trong đó có nhiều nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch với các dự án tổ hợp, khu phức hợp du lịch cao cấp.

Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 45 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư mới; lũy kế toàn tỉnh có 387 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực với tổng diện tích đất 6.249ha và tổng vốn đăng ký đầu tư 69.966 tỷ đồng.

Hiện nay, Bình Thuận đang đứng trước thời cơ lớn để tiếp tục khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế khi tuyến cao tốc Bắc-Nam và Cảng hàng không Phan Thiết được triển khai xây dựng; “điểm nghẽn” về chồng lấn giữa quy hoạch khu vực khai thác, dự trữ khoáng sản titan với quy hoạch du lịch bước đầu được quan tâm tháo gỡ cùng với những nỗ lực của tỉnh trong phát triển giao thông đối nội, đối ngoại, kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội…

Du lich Binh Thuan dot pha sau 5 nam thuc hien Nghi quyet cua Tinh uy hinh anh 2

Suối Dứa nằm giữa khu vực khô cằn, hoang mạc thuộc địa bàn huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Vì vậy, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2025 và đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, từ đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 đón 8,9 triệu lượt khách (khách quốc tế chiếm 10-12%), đạt tổng thu 23.300 tỷ đồng và giữ mức tăng trưởng bình quân từ 10-12%/năm, du lịch Bình Thuận phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trước ảnh hưởng đại dịch COVID-19.

Cùng với việc hoàn thiện quy hoạch, đề án, chính sách phát triển du lịch, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Thuận tập trung huy động nguồn lực triển khai các giải pháp đột phá như: đẩy nhanh tiến độ đầu tư sân bay, đường cao tốc; kêu gọi đầu tư xây dựng các bến du thuyền, các khu vui chơi giải trí, hình thành một số khu du lịch đồng bộ, chất lượng có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế tại Khu du lịch quốc gia Mũi Né và khu vực phía Nam thành phố Phan Thiết.

Bên cạnh đó, ngành du lịch đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch; chú trọng phát triển nguồn nhân lực; có chính sách hỗ trợ cho người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn; gắn phát triển du lịch văn hóa trải nghiệm đời sống cộng đồng để nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và hải đảo./.

Theo Hồng Hiếu (TTXVN/Vietnam+) - Ngày 12/6/2021

 https://www.vietnamplus.vn/du-lich-binh-thuan-dot-pha-sau-5-nam-thuc-hien-nghi-quyet-cua-tinh-uy/719464.vnp