Cập nhật: 20/06/2021 07:30:00
Xem cỡ chữ

Chiều chiều, giữa phố phường Ðồng Hới (Quảng Bình) náo nhiệt, hình ảnh người đàn ông dáng gầy, đạp chiếc xe cũ với tiếng chuông leng keng bán kẹo kéo trở nên thân thuộc. Không chỉ mang đến cho nhiều người món kẹo dân dã mà ông dường như đang giúp níu giữ ký ức một thời đã qua.

Ông Phạm Văn Lương bán kẹo kéo cho khách.

Nghề đặc biệt

Nghề làm kẹo kéo, có nơi gọi kẹo dồi, kẹo lạc… là nghề làm kẹo thủ công, với nguyên liệu chính gồm đường và lạc, khi làm phải kéo, vỗ, nhồi, nặn khá tốn công sức. Giữa xã hội hiện đại, những tưởng nghề làm kẹo thủ công ấy mất đi, món kẹo dân dã đó không còn tuy nhiên nó vẫn xuất hiện trong các siêu thị, cửa hàng trong các bao gói khá bắt mắt. Ở Quảng Bình, còn một người duy nhất làm nghề kẹo kéo và bán kẹo theo cách riêng của mình. Chiếc xe kẹo kéo không chỉ cho ông nguồn thu nhập mà đã giúp nhiều người neo lại trong ký ức về món kẹo đậm vị rơm rạ làng quê thuở ấu thơ. Ðó là ông Phạm Văn Lương, ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh.

Ðến đầu làng Hà Thiệp, xã Võ Ninh, ai cũng nhiệt tình chỉ đường khi chúng tôi hỏi nhà ông Lương kẹo kéo. Ông mời chúng tôi vào nhà, pha trà tiếp chuyện. Câu chuyện cuộc đời của người đàn ông gắn bó gần 40 năm với tiếng chuông leng keng ấy như thước phim cũ được giới thiệu trong không gian đượm vị trà và giòn thơm của đĩa kẹo lạc. Ông Lương đi bộ đội đóng quân ở tỉnh Ninh Thuận. Rời quân ngũ, ông ở lại nơi đó lập nghiệp. Trong một lần đi khai hoang, ông trúng mìn sót lại từ chiến tranh cho nên mất một phần ba chân phải. Gửi lại giấc mơ lập nghiệp dang dở xứ nắng Phan Rang, ông trở về quê hương, chọn nghề bán kem dạo ở cổng trường, chợ làng và gắn bó với tiếng chuông rao từ đó. Ðường đi xấu, trên đôi chân không còn lành lặn đó ông đã nhiều lần vấp ngã, nhưng rồi tự động viên mình đứng dậy tiếp tục mải miết với vòng xe mưu sinh. Trong những ngày leng keng bán kem que ấy, ông đã gặp người cùng nghề với mình rồi hai người nên duyên vợ chồng. Một lần, được người bạn gợi ý, ông Lương chuyển sang làm kẹo kéo và gắn bó đến nay.

Theo ông Lương, nghề làm kẹo đã tạo nên tính kiên nhẫn và giúp ông tích lũy nhiều kinh nghiệm. Kẹo lạc thì nhiều người biết làm nhưng làm sao cho kẹo ngọt, thơm, vị béo thì phải có bí quyết riêng. Và rồi ông kéo chúng tôi ra căn bếp thấp lè tè, giới thiệu cách làm kẹo. Ông chỉ dùng nguyên liệu là đường, lạc rang và nước cốt chanh tươi để làm thành kẹo. Việc đầu tiên mỗi sáng là ông bỏ ít cát trắng sạch vào nồi đun nóng để rang lạc. Thấy tôi tò mò vì lần đầu mới biết đến việc dùng cát rang lạc, ông Lương giải thích, làm như vậy, lạc rang chín đều, đặc biệt là hạt không bị cháy sém hai bên. Rang xong, ông sàng lấy lạc để chế biến kẹo. Tiếp đó là công đoạn nấu kẹo, ông múc ba bát nước vào nồi đun sôi, bỏ 4 kg đường cát trắng, khuấy đều liên tục một lúc rồi nhấc nồi nước đường xuống ngâm vào chậu nhôm lớn chứa đầy nước và tiếp tục khuấy. Ông dừng tay cho thêm một ít nước cốt chanh tươi và khuấy cho đến khi nước đường sánh lại và chuyển sang mầu vàng mật ong. Nước cốt chanh, sẽ giúp cho đường khi nguội không bị vón cục mà mềm, dẻo để làm kẹo; đồng thời làm cho kẹo có vị ngọt thanh, dịu. Khi nước đường trong nồi nguội và đặc sánh lại, ông bỏ chút va-ni để tạo mùi thơm, rồi mang ra đập - kéo - nhồi mạnh vào chiếc móc sắt trên tường. Có điều lạ là càng kéo, nhồi mạnh, liên tục thì kẹo mới trắng, giòn. Sau gần 30 phút với công đoạn tốn nhiều sức nhất, ông trải kẹo vừa nhồi xong như tấm thảm rồi rải đều lạc rang vào, từ từ khép thảm kẹo lại sao cho thành khối dài để lạc không bung ra và mỗi khi kéo, kẹo thành từng thanh có cả nha và nhân lạc. “Làm kẹo kiểu thủ công này phải kiên nhẫn, không được vội ở công đoạn nào, vì như vậy sẽ hỏng. Muốn kẹo ngon phải biết cách nhồi, kéo nha, rồi rang lạc làm nhân. Tôi làm dần thành quen, nhắm mắt cũng biết kẹo đến độ nào. Kẹo mình ngon vì làm ra và bán trong ngày, lạc rang chưa kịp lên mùi dầu”- ông Lương chia sẻ.

Tiếng chuông ký ức

Gần 40 năm qua, với chiếc xe đạp cũ kỹ nhưng vẫn còn chắc chắn của mình, ông Phạm Văn Lương cứ đều đặn vượt quãng đường dài từ quê lên phố, len lỏi khắp các con đường, ngõ xóm của TP Ðồng Hới để bán món kẹo đặc biệt ấy. Khách của ông già có, trẻ có, đàn ông, phụ nữ cũng nhiều. Người già mua kẹo để gợi nhớ ký ức về tiếng chuông leng keng một thời xưa cũ, trẻ em mua kẹo vì ngon ngọt, giá rẻ và vui khi thấy những thứ đồ dùng cũ kỹ của ông bán kẹo chỉ được nhìn trên ti-vi, sách báo. Ba tôi, người đã có nhiều năm gắn bó với tiếng leng keng tàu điện ở Thủ đô Hà Nội những năm bao cấp, tâm sự, tiếng chuông của người bán kẹo kéo giúp ba gợi nhớ đến một thời tàu điện Hà Nội. Ba nói: “Bây giờ hầu như người bán hàng rong đều ghi âm tiếng rao rồi phát ra loa làm ồn ào phố xá, làng quê nhưng người bán kẹo kéo lại dùng chuông để rao theo cách riêng của mình. Tiếng chuông giúp gợi nhớ quá khứ, chuông làm cho không gian phố xá ồn ào như lắng lại. Ba nghe lâu thành quen, cứ ít hôm không nghe tiếng chuông người của người bán kẹo như thiếu vắng đi điều gì đó. Mà cũng có thể vì thế, người dân mới nhớ đến bác kẹo kéo nhiều hơn”. Nghe ba nói vậy, tôi chợt nghĩ, chính mình cũng quen với tiếng leng keng ấy mỗi lần đi trên phố. Ðến mức, nghe tiếng chuông dù đang ở xa cũng thúc nhắc tôi tìm bác Lương cho bằng được để mua vài chiếc kẹo kéo mang về.

Ba tôi giờ không còn ăn được kẹo kéo nhưng mỗi lần nghe ông Lương leng keng đầu ngõ, ông nhờ con trai tôi chạy ra mua vài thanh kẹo để phát cho các cháu. Có khi ông nhắn mời bác kẹo kéo vào nhà uống chén trà, hỏi han cuộc sống. Các cháu vừa hau háu nhai kẹo kéo, vừa nghe ông kể về thứ kẹo quê mộc mạc của một thời chưa xa. Có thể còn nhỏ chưa hiểu hết giá trị của thứ kẹo quê ấy nhưng ít ra chúng có cảm tình với những chiếc kẹo lạc nóng giòn cầm trên tay mà ở đó mang nặng ký ức của những thế hệ đi trước. Và, có thể nhờ thế mà hai con trai tôi thích ăn kẹo kéo và mến ông Lương hơn.

Ông Phạm Văn Lương chia sẻ, cứ bốn giờ chiều hằng ngày, ông bắt đầu đi bán kẹo kéo trên chiếc xe đạp cũ cho đến 12 giờ đêm mới trở về nhà. Không chỉ ở trung tâm TP Ðồng Hới mà hang cùng ngõ hẻm, cổng chợ, cổng trường nào ông cũng tới. Mỗi ngày chặng đường ông đi về hơn 60 km. Tính ra mỗi năm, người đàn ông này đạp xe bán kẹo kéo với chặng đường… xuyên châu lục. Tôi hỏi ông sao không đổi chiếc xe máy mà đi cho đỡ mệt, ông cười bảo, xe máy tốn thêm chi phí, nên thu nhập bị bớt đi; vả lại, xe máy chưa chắc đã vào được tận cùng ngõ hẻm, rồi bờ kè, bãi biển Nhật Lệ, Bảo Ninh. Xe đạp, như ông nói vẫn là phương tiện cơ động nhất ở mọi địa hình. Ông Lương chia sẻ thêm là chiếc xe mình đang đi có từ thời… mới giải phóng. Mỗi năm, ông hai lần thay xích, líp, một lần thay moay-ơ; khung xe được gia cố thêm các thanh giằng bằng thép để nâng trọng lượng chở. Vật bất ly thân cùng với chiếc xe là cái bơm và mấy miếng vá. Phong cách… bao cấp là vậy nhưng ông vẫn rong ruổi qua ngày tháng, xuyên không gian để bán những ký ức ngọt ngào, neo lại hình ảnh sinh động trong nỗi nhớ, trong ký ức của nhiều người, qua nhiều thế hệ. “Tôi gần 40 năm đạp xe bán kem, rồi chuyển sang bán kẹo kéo, chứng kiến được nhiều sự thay đổi của quê hương, của TP Ðồng Hới, của chính những người là khách hàng thân thiết. Có nơi chưa có đường thì nay đã thành phố xá sầm uất, lối đi cũ đầy đất đá nay đường rộng thênh thang. Nhiều cô, cậu học trò ngày xưa mua kẹo kéo của tôi nay đã thành người có địa vị trong xã hội. Gặp lại, họ vẫn nhận ra ông bán kẹo kéo ngày nào. Mua vài thanh kẹo, họ nói mấy lời động viên là cũng thấy vui lắm rồi”- ông Lương trải lòng với nụ cười hiền trên khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi.  

Chiều muộn, TP Ðồng Hới đã sáng đèn. Người đàn ông dáng hao gầy trong bộ áo quần xanh gò lưng đạp xe cùng tiếng rao leng keng lẫn vào trong ồn ào của phố xá làm lòng tôi như lắng lại. Chợt nhớ lời ông từng tâm sự: Dịch dã những tưởng không ảnh hưởng gì tới công việc bán kẹo kéo của ông ở cuối làng cát Hà Thiệp, hóa ra sự tác động không hề nhẹ. Học sinh buộc phải nghỉ hè sớm, ông mất đi những khách hàng nhỏ tuổi hằng ngày háo hức, ngóng chờ tiếng leng keng xe kẹo kéo; người dân không được tụ tập đông ở bãi biển, quán xá thì ông thiếu đi những khách hàng thân thiết vừa mua kẹo vừa mượn chiếc xe “bao cấp” của ông để chụp ảnh lưu niệm; và cả hàng nghìn khách du lịch không đến được Quảng Bình trong mùa hè này, ông cũng hụt đi nguồn thu từ xe kẹo kéo mà họ là những khách hàng tiềm năng, được cung ứng kẹo tận nơi lưu trú.

Giờ đây, khi con cái đã lớn có công việc ổn định, mưu sinh không còn là gánh nặng thì việc tiếp tục đạp xe bán những ký ức dịu ngọt trên từng con đường, góc phố thân thuộc, với ông Lương là niềm vui, hạnh phúc.

Theo Bài, ảnh: HƯƠNG GIANG và HOÀNG PHƯƠNG/nhandan.vn - Ngày 20/6/2021

https://nhandan.vn/dong-chay/ky-uc-leng-keng-651443/