Chùa Tân Thanh không chỉ là nơi đáp ứng đời sống tâm linh, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của người dân địa phương mà còn có ý nghĩa lớn trong việc khẳng định chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.
Trên khắp dải đất Việt Nam từ biên cương đến nơi hải đảo, ở đâu cũng có những ngôi chùa với nét kiến trúc thuần Việt, thể hiện nền văn hóa đất nước và khát vọng hướng thiện, lòng từ bi theo tinh thần Phật giáo, yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Chùa Tân Thanh được hình thành cũng từ chính nguồn mạch ấy.
Được khởi công năm 2015, chùa Tân Thanh gồm 3 khu: điện thờ chính (cung Tam Bảo), điện thờ Đức Thánh Trần, điện thờ Đức Thánh Mẫu và Tam Quan. Trong khuôn viên chùa có trên 100 pho tượng và khoảng 1.000 cây xanh các loại, trong đó gần một nửa là những cây hoa đào bung cánh rực rỡ mỗi dịp Xuân về.
Tọa hướng Đông Bắc - Tây Nam, chùa Tân Thanh nằm trên thế đất đẹp với bên trái có núi hình rồng chầu, bên phải có núi hình voi phục, phía sau thế núi như ngai rồng... Chùa Tân Thanh được dựng trên vùng đất cao nhìn ra cửa khẩu Tân Thanh và cách đường biên giới chỉ khoảng 300 mét. Đây được coi là ngôi chùa sát với đường biên giới nhất của nước ta.
Ngôi chùa được thiết kế theo kiến trúc thuần Việt, toàn bộ hệ thống cột là gỗ lim; đầu đao mái ngói... thể hiện bản sắc truyền thống của dân tộc.
Chị Nguyễn Hạnh Trang (du khách người Hà Nội) chia sẻ: “Điều đầu tiên tôi cảm nhận khi đến ngôi chùa này là không khí trong lành. Thú vị hơn cả là nó nằm ngay chợ Tân Thanh, ở ngay sát biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tôi và gia đình khi đến đây đã được trải nghiệm rất nhiều, kết hợp mua sắm, tham quan, vãn cảnh chùa và được biết thêm rất nhiều điều thú vị”.
Từ xa nhìn lại, cổng chùa Tân Thanh sừng sững với Tam quan chồng diêm lợp ngói mũi hài, mái đao đầu rồng đặc trưng ở các ngôi chùa Việt truyền thống. Đến chiêm bái chùa, du khách đều nhận thấy nơi đây có rất nhiều điểm nhấn từ kiến trúc thuần Việt đặc sắc, hài hòa với cảnh quan tổng thể, cách trang trí cảnh quan, cách bố trí các khu thờ tự, bài trí trong các điện thờ... Đặc biệt là tất cả câu đối, hoành phi trong chùa đều hoàn toàn là chữ thư pháp Việt.
Bước vào chùa, phía tay phải của du khách là đền thờ Quan Trấn Ải - nơi tưởng nhớ công lao biết bao anh hùng đã hy sinh xương máu để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Trong chùa có bức hoành phi lớn chạm hai câu thơ “Trấn Ải Tân Thanh trung nghĩa lưu sử sách - Non sông Đại Việt trường tồn mãi nghìn thu” như lời nhắc nhở và khẳng định về chủ quyền bờ cõi nước Nam.
Đại đức Thích Bản Chung, người trông nom quản lý chùa Tân Thanh, cho biết: “Khi ở đây chúng tôi thấy cuộc sống rất an yên, là một ngôi chùa nơi địa đầu tổ quốc. Hằng ngày tụng niệm để cầu nguyện cho quốc thái dân an, trong tâm tôi cũng cảm nhận rằng đây là ngôi chùa đem lại sự an lạc cho mình và cho rất nhiều người đến với ngôi chùa này. Ngoài tu hành, chúng tôi cũng tổ chức hướng đạo cho nhân dân và du khách thập phương xa gần đến với chùa để hiểu hơn về ý nghĩa của ngôi chùa này. Cảm giác chung của rất nhiều du khách khi đến đây đó là khi ra về tâm đều được bình an, an lạc”.
Trên tất cả các viên gạch xây dựng nên chùa đều được đúc dòng chữ "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam".
Đứng trên hiên chùa nhìn ngược xuống Tam quan, đất trời, núi non và con người dường như hòa làm một. Thoảng trong gió, tiếng chuông chùa vang vọng càng làm cho không gian trong chùa như an yên, mang đến cảm giác thư thái cho Phật tử.
Thượng tọa Thích Quảng Truyền (Uỷ viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Phó Trưởng ban Trị sự Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn), trụ trì chùa Tân Thanh cho biết: Ngôi chùa có một điểm hết sức đặc biệt, đó là mỗi viên gạch xây dựng đều được đúc nổi dòng chữ “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, khẳng định ngôi chùa không chỉ là một địa chỉ tâm linh, văn hoá mà còn là cột mốc chủ quyền vững chãi nơi biên cương của Tổ quốc.
“Khi xây dựng chùa tôi là người thiết kế, và đưa ra ý tưởng tất cả viên gạch xây dựng chùa đều được đúc chữ “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - Phật Lịch 2559 khởi tạo chùa Tân Thanh”. Đây là cột mốc văn hóa, cột mốc chủ quyền thể hiện nền văn hóa của người Việt, không gì có thể thay đổi được, thời gian có thể làm mục nát, làm hư hỏng nhiều thứ, nhưng cột mốc văn hóa tâm linh này muôn đời không bao giờ mất đi”, Thượng tọa Thích Quảng Truyền nói.
Đứng trên hiên chùa phóng tầm mắt thu hết cả đất trời. Trong tiếng chuông ngân... cảm giác như thiên nhiên và con người hòa làm một.
Dù chỉ mới được xây dựng và khánh thành vài năm trở lại đây nhưng chùa Tân Thanh đã thu hút đông đảo du khách thập phương đến chiêm bái, vãn cảnh. Với vẻ tráng lệ cùng kiến trúc thuần Việt, chùa Tân Thanh khiến du khách luôn muốn được ghé thăm, dâng nén tâm nhang cầu nguyện cho quốc thái dân an và gửi gắm ước nguyện biên cương bình yên, giàu mạnh...
Như chia sẻ của Thượng tọa Thích Quảng Truyền: “Với vị thế, văn hóa của ngôi chùa nhắc nhở tất cả mọi người trong đó có bạn bè quốc tế rằng chúng ta phải yêu chuộng hòa bình. Tôi mong tất cả mọi người có một ngày nào đó đến với Tân Thanh, đến với Lạng Sơn, đến với địa đầu Tổ quốc để chúng ta thấy yêu giang sơn hơn, để quý trọng hơn hòa bình, để chúng ta nhìn nhận lại chính mình, để chúng ta thấy có trách nhiệm hơn với Tổ quốc, với dân tộc, cùng nhau hoàn thiện, xây dựng quê hương đất nước ngày càng ấm no, ngày càng phồn vinh”./.
Theo Duy Thái/VOV-Đông Bắc – 21/6/2021
https://vov.vn/van-hoa/di-san/chua-tan-thanh-cot-moc-tam-linh-noi-bien-cuong-phia-bac-867531.vov