Cập nhật: 24/06/2021 07:55:00
Xem cỡ chữ

ThS.BS Trần Thị Kim Dung - Khoa Cấp cứu - Chống độc, BVĐK Nông Nghiệp chỉ rõ các biện pháp phòng chống say nắng, say nóng cần biết trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay.

Những yếu tố thuận lợi dễ bị say nắng, say nóng

Có rất nhiều yếu tố thuận lợi khiến người dân dễ bị say nắng, say nóng, trong đó phải kể đến:

- Tập luyện và lao động trong môi trường nóng

- Không có điều hoà hoặc thông khí

- Mặc quần áo không phù hợp (quá dầy, bí, không thấm nước)

- Thiếu sự thích nghi với khí hậu

- Không uống nước, môi trường quá nóng

- Dùng một số loại thuốc làm giảm tiết mồ hôi: chẹn beta, kháng cholinergic, lợi tiểu, Ethanol, kháng histamine,…

- Một số tình trạng bệnh lý: bỏng rộng, rối loạn nội tiết, sốt...

- Béo phì

- Kiệt muối nước

- Sống một mình

- Tuổi quá cao hoặc quá nhỏ.

Phân biệt giữa lả nhiệt và say nắng say nóng

Điều trị và phòng ngừa lả nhiệt và say nắng say nóng

Xử trí ngoài bệnh viện: Làm mát ngay tức thì và hỗ trợ chức năng các cơ quan

Đưa bệnh nhân ra khỏi môi trường nóng, cởi bỏ quần áo, chuyển tới nơi bóng râm, lên xe mát hay nhà mát

Hỗ trợ đường thở, hô hấp, tuần hoàn bằng đặt đường truyền TM, thở oxy, thông khí hỗ trợ nếu có chỉ định

Làm mát tức thì bằng bất kỳ phương tiện gì sẵn có nhưng chuyển ngay vào viện nếu nghi ngờ say nắng say nóng

Áp nước ấm trên người bệnh nhân sau đó dùng quạt để tăng quá trình bốc hơi

Áp gói nước đá lên người bệnh nhân vùng cổ, nách, bẹn

Chuyển bệnh nhân bằng xe điều hoà hoặc mở cửa sổ.

Xử trí tại khoa cấp cứu: Nếu có các biểu hiện nặng như mệt lả, đái ít, rối loạn ý thức,… cần vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất bằng xe điều hòa hoặc mở cửa sổ.

Say nắng, say nóng là thể bệnh lý nhiệt nguy hiểm; gặp khi tình trạng tăng thân nhiệt quá mức, thường trên 40 độ C, thường kèm theo đáp ứng viêm hệ thống dẫn tới tổn thương cơ quan đích cùng với tổn thương thần kinh.

Các biện pháp phòng chống say nắng, say nóng

- Khi phải ra ngoài khi trời nắng nóng, bạn cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.

- Uống đầy đủ nước khi trời nắng nóng hoặc phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát. Có thể ống nước có pha một chút muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây, tránh xa nước ngọt có ga, đồ uống năng lượng.

- Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút.

- Luôn trang bị đầy đủ các thiết bị chống nắng, chống nóng khi lao động, làm việc dưới trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ, nón rộng vành, kính râm...

- Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt ở các công xưởng, hầm, lò... rất có ý nghĩa trong việc phòng chống bị say nắng, say nóng.

- Khi vừa đi nắng về, đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao, nếu tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ.

- Vào mùa nắng nóng, chúng ta cần uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mát, rau củ quả chứa nhiều kali như: rau đay, mồng tơi, rau má, cà chua..., mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ thoát mồ hôi.

- Không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe hơi đỗ, tắt máy, trong thời tiết nắng nóng dù chỉ để trong thời gian ngắn, do nhiệt độ trong xe hơi có thể tăng hơn 11 độ C chỉ trong 10 phút.

Theo Hồng Anh/suckhoedoisong.vn – 23/6/2021

https://suckhoedoisong.vn/8-bien-phap-phong-chong-say-nang-say-nong-can-biet-n195533.html