Cập nhật: 28/06/2021 14:46:00
Xem cỡ chữ

Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng và tác động nặng nề của đại dịch. Một số quốc gia đã lên kế hoạch tận dụng vaccine như một động lực chính để hồi sinh nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch.

Cứu cánh cho ngành du lịch Bali, Indonesia

Dựa trên số liệu của Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia ngày 22/6, sau hơn 1 năm vật lộn với đại dịch, Bali - biểu tượng du lịch của Indonesia đã trải qua mức tăng trưởng âm 12,21% trong quý IV năm 2020. Dự báo trong quý II năm 2021, “đảo của các vị thần” sẽ tiếp tục tăng trưởng âm từ 6-8%.

Để vực dậy ngành kinh tế mũi nhọn, chính phủ Indonesia đã xây dựng kế hoạch tổng thể phục hồi kinh tế Bali, chọn tỉnh Bali làm thí điểm cho chương trình "du lịch vaccine". Chương trình được kỳ vọng sẽ thu hút du khách trong và ngoài nước đến Bali, không chỉ để du lịch trong một môi trường an toàn, mà còn được được tiêm chủng vaccine Covid-19 miễn phí. Theo kế hoạch, du khách trong nước tham gia tour "du lịch vaccine" sẽ nhận được vaccine theo chương trình tiêm chủng của chính phủ, trong khi đó, du khách nước ngoài sẽ nhận được vaccine từ chương trình tiêm chủng độc lập của khu vực tư nhân để không ảnh hưởng tới phần vaccine miễn phí của người dân.

Tổng thống Indonesia thị sát tiêm chủng ở vùng xanh triển khai "du lịch vaccine" ở Bali. Nguồn : Ban Thư ký Tổng thống Indonesia

Tổng thống Indonesia thị sát tiêm chủng ở vùng xanh triển khai "du lịch vaccine" ở Bali. Nguồn: Ban Thư ký Tổng thống Indonesia

Ba khu vực đã được thiết kế một cách có hệ thống, thành các khu vực xanh an toàn với đại dịch để du lịch đó là Ubud, Nusa Dua và Sanur. Một quy trình mẫu đã được xây dựng cho khách du lịch, bắt đầu khi đến, cách ly và chỉ được phép đến các vùng xanh cho đến khi họ quay trở về đất nước.

Mặc dù hiện nay Covid-19 đang tăng nhanh chóng tại Indonesia với hơn 21.000 ca mắc mới 1 ngày. Tuy nhiên chính quyền tỉnh Bali rất tự tin vào kế hoạch mở cửa vào tháng 7 tới, với hai lý do chính mà Phó Thống đốc Bali Tjokorda Oka Artha Ardhana Sukawat đã nêu ra trong cuộc họp báo cuối tuần qua.

Thứ nhất, Bali là tỉnh được ưu tiên phân phối vaccine và có thành tích tiêm chủng cao nhất trên toàn Indonesia. Hiện nay, tỉnh này đã đạt 70% mục tiêu tiêm chủng cho 3 triệu người trong tổng số 4,3 triệu dân để đạt miễn dịch cộng đồng trong tỉnh. Với việc mở rộng tiêm chủng đại trà dựa vào cộng đồng, phối hợp giữa lực lượng xử lý Covid-19  địa phương, quân đội, cảnh sát, các bệnh viện và chính quyền các cấp; dự kiến đến ngày 10/7 tới đây Bali sẽ hoàn thành việc tiêm chủng 100% mũi thứ nhất và hơn 50% mũi thứ hai cho người dân.

Thứ hai, người dân Bali tự hào đứng đầu toàn quốc về kỷ luật đeo khẩu trang. Thông tư số 07 năm 2021 của Thống đốc Bali đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt, liên quan đến việc "mở rộng việc thực hiện các hạn chế đối với các hoạt động cộng đồng đến cấp làng trong bình thường mới". Phó Thống đốc Bali Tjokorda Oka khẳng định, với chính sách tăng cường tiêm chủng, tiếp tục giữ kỷ luật, việc mở cửa Bali vào tháng 7 đã sẵn sàng đến 90%, tuy nhiên vẫn còn xem xét, tính đến tình hình đại dịch trong nước và trên thế giới.

Giao thức y tế được thắt chặt tại các khu du lịch ở Bali. Nguồn : Kompas

Giao thức y tế được thắt chặt tại các khu du lịch ở Bali. Nguồn: Kompas

“Du lịch vaccine” manh nha tại UAE

Mới đây, thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) dự định triển khai kế hoạch cung cấp vaccine Covid-19 miễn phí cho khách du lịch. Khách du lịch đến Abu Dhabi có thể nhận vaccine Covid-19 của Pfizer, Sinopharm. Đây được coi một động thái có thể thu hút khách du lịch và giúp hồi sinh ngành du lịch đang gặp khó khăn của đất nước. Tuy nhiên, Chính quyền Abu Dhabi chưa có thông báo chính thức về kế hoạch này.

Kế hoạch "du lịch vaccine" tại UAE được manh nha, trước hết là vì 85% những người ở UAE đủ điều kiện tiêm chủng đã được tiêm ít nhất liều vaccine đầu tiên. Thứ hai, nước này có tới 14,7 triệu liều vaccine trong khi dân số khoảng 10 triệu người, có tỷ lệ tiêm chủng bình quân đầu người cao nhất thế giới. Thứ ba, Abu Dhabi dự kiến sẽ dỡ bỏ các biện pháp kiểm dịch bắt buộc đối với khách du lịch, theo danh sách các quốc gia đã được phê duyệt bắt đầu từ ngày 1/7. Khách đến từ 27 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Đức và Mỹ có thể nhập cảnh mà không cần kiểm dịch khi đến.

Để triển khai mô hình “du lịch vaccine” được thành công, điều kiện đầu tiên là quốc gia đó phải có nguồn cung vaccine dư thừa hoặc sản xuất được vaccine. Thứ hai, quốc gia đó đã đạt tới mức miễn dịch cộng đồng hoặc hầu hết dân số được tiêm chủng, kể cả trẻ em trên 14 tuổi. Với hai điều kiện này thì ngay cả UAE cũng chưa đạt được để triển khai mô hình "du lịch vaccine", dù nước này có quy mô dân số nhỏ và nguồn cung cấp vaccine dồi dào, cũng như đã gửi các lô hàng vaccine miễn phí cho Ai Cập và một số nước khác. 

Các trung tâm tiêm vaccine miễn phí cho người dân ở Abu Dhabi. Nguồn: Dha

Các trung tâm tiêm vaccine miễn phí cho người dân ở Abu Dhabi. Nguồn: Dha

Tuy nhiên, mô hình này gặp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế về sự bất bình đẳng trong tiêm chủng ngày càng gia tăng nghiêm trọng trên toàn thế giới. Du lịch y tế đã làm dấy lên những lo ngại về đạo đức trong việc tiếp cận vaccine. Trong khi nhiều nước dư nguồn cung vaccine Covid-19 thì nhiều quốc gia và người dân trên toàn cầu chưa được tiếp cận hoặc không có khả năng tiếp cận./.

Theo Hương Trà/VOV-Jakarta - Ngọc Thạch/VOV-Cairo - 28/6/2021

https://vov.vn/du-lich/du-lich-vaccine-dong-luc-hoi-sinh-nganh-du-lich-trong-dai-dich-869574.vov