Cập nhật: 30/06/2021 07:48:00
Xem cỡ chữ

Phát triển du lịch nông thôn không chỉ biến những lợi thế đặc trưng riêng có của khu vực này thành sản phẩm hấp dẫn khách du lịch, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, hình thành khối đoàn kết cộng đồng. Chính vì thế, đẩy mạnh du lịch nông thôn là một trong những nhiệm vụ cấp bách và là động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững.

 Xu hướng về các vùng nông thôn của khách du lịch sau mùa dịch Covid-19 sẽ tăng cao Ảnh: NGUYỄN HUYỀN

Khu vực nông thôn với những tài nguyên du lịch đặc sắc như cảnh quan sinh thái, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, đặc trưng canh tác nông nghiệp, kiến trúc nhà ở, trang phục, làng nghề truyền thống, giá trị ẩm thực… là những giá trị cốt lõi để hình thành điểm đến và cung ứng dịch vụ, hàng hóa cho phát triển du lịch.

 Tuy nhiên, đến nay những lợi thế này vẫn chưa khai thác xứng với tiềm năng, nếu không nói là “mỏ vàng” này đang bị bỏ phí.

Xu hướng tất yếu

Du lịch Việt Nam những năm qua đã có sự tăng trưởng vượt bậc, mang lại thu nhập, tạo việc làm, thúc đẩy và lan tỏa phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường, dần khẳng định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Du lịch nông thôn ở nước ta khá đa dạng, tuy nhiên các loại hình du lịch nông thôn chủ đạo là du lịch nông nghiệp, cộng đồng và sinh thái. Trong bối cảnh Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp, với gần 65,6% dân số sống ở nông thôn, đặc biệt là nhu cầu trở về những vùng nông thôn dân dã của du khách sẽ tăng cao sau dịch Covid-19, phát triển kinh tế du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ là xu thế tất yếu.

Các sản phẩm du lịch nông thôn như trang trại đồng quê, miệt vườn, trải nghiệm làm nông, sinh thái… đã phát triển, chiếm tỉ lệ ngày càng cao bên cạnh các loại hình, sản phẩm du lịch truyền thống. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp ngày càng phát triển, tạo ra nhiều tour du lịch độc đáo, hấp dẫn, bước đầu được du khách đón nhận. Ở một số vùng nông thôn, miền núi tỉnh Quảng Nam, Lào Cai, Hòa Bình, Hà Giang, Đồng Tháp, An Giang, Sơn La, Thanh Hóa, Tiền Giang, Bến Tre… sự tham gia trực tiếp của người nông dân trong hoạt động du lịch đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cho bà con nông dân.

Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến nhận xét: “Du lịch phát triển đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh hiệu quả trực tiếp là doanh thu từ hoạt động du lịch, phát triển du lịch còn là một nguồn sinh kế nhằm xóa đói, giảm nghèo tại những cộng đồng khó khăn, cải thiện đời sống của bà con nông dân, giúp người dân gắn bó với quê hương hơn”.

Chưa có chiều sâu và chưa bền vững

Có thể nhận thấy, các sản phẩm du lịch nông nghiệp có tính độc đáo, chuyên nghiệp cao của Việt Nam chưa nhiều. Nguyên nhân là một số khu vực có điều kiện tự nhiên đồng nhất, tập quán sinh hoạt, văn hóa cộng đồng giống nhau, nên không tránh khỏi sự trùng lặp, đơn điệu giữa các địa phương do cùng khai thác một loại hình sản phẩm.

“Hiện nay, hầu hết các hoạt động du lịch nông thôn vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, trùng lặp, chưa phát huy được giá trị cốt lõi của bản sắc văn hóa truyền thống, sự tinh tế, sự khác biệt và dấu ấn đặc trưng vùng, miền. Nhiều mô hình được khai thác trong thời gian dài nhưng không được đầu tư làm mới, chủ yếu vẫn dựa vào tận dụng tài nguyên tự nhiên nên không còn hấp dẫn du khách”, ông Nguyễn Minh Tiến đánh giá. Phần lớn sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản. Tỉ lệ khách lưu trú còn thấp, chủ yếu là tham quan trong ngày. Chi tiêu của khách du lịch chủ yếu trả cho mua vé tham quan, ăn uống, phòng ở... chưa chi tiêu nhiều cho các dịch vụ khác, do chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ, hoặc có nhưng không hấp dẫn du khách.

Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp và nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, hoặc đã được đầu tư nhưng không đảm bảo chất lượng. Công trình nhà vệ sinh, vệ sinh môi trường tại nhiều khu vực không đáp ứng yêu cầu, thậm chí không có nhà vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, mối liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch còn yếu. Nhiều điểm du lịch còn phát triển tự phát, gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn cũng như thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Tại các điểm du lịch, phần lớn hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách mang tính tự cung, tự cấp, do các hộ gia đình tự sản xuất nên không có thương hiệu; mẫu mã, bao bì chưa hấp dẫn khách du lịch.

Nguồn nhân lực cho phát triển du lịch nông thôn còn thiếu, đặc biệt là lao động được đào tạo, có kỹ năng phục vụ và khả năng sáng tạo cao, kỹ năng quản lý, điều hành cơ sở du lịch nông nghiệp, làng nghề còn hạn chế. Việc bồi dưỡng để người dân địa phương có kỹ năng trình diễn, thuyết minh, phục vụ khách chuyên nghiệp để tạo ra sức hút của sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Hoạt động xúc tiến quảng bá cho du lịch nông nghiệp và nông thôn cũng chưa được đầu tư đúng mức, thiếu chuyên nghiệp và chưa bài bản, hệ thống, đúng đối tượng. 

Theo  THUÝ HÀ/baovanhoa.vn - Ngày 21/6/2021

http://baovanhoa.vn/du-lich/artmid/416/articleid/41743/dong-luc-phat-trien-du-lich-nong-thon-bai-1-mo-vang-dang-bi-bo-phi