Cập nhật: 04/07/2021 07:33:00
Xem cỡ chữ

Ung thư đại trực tràng (UTĐTT) là một trong những loại ung thư thường gặp trên thế giới, có tỷ lệ mắc đứng hàng thứ 3, cũng là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng hàng thứ 2 ở cả nam và nữ. Do đó, tầm soát UTĐTT là việc rất quan trọng để giảm tỷ lệ mắc và biến chứng của UTĐTT.

Tại sao phải tầm soát UTĐTT?

Các nghiên cứu cho thấy UTĐTT thường được chẩn đoán muộn (55% các ca bệnh UTĐTT được chẩn đoán ở giai đoạn II, III). Điều này đồng nghĩa với việc UTĐTT bên cạnh việc phẫu thuật cần hỗ trợ của các phương pháp hóa trị hay xạ trị.

Nếu chẩn đoán ở giai đoạn trễ các phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị có thể để lại một số di chứng đối với người bệnh, đặc biệt là ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

UTĐTT thường xảy ra ở độ tuổi từ 65-70. Do đó cần phải tầm soát để phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư hay UTĐTT ở giai đoạn sớm để việc điều trị hiệu quả hơn và giảm các biến chứng liên quan. Tầm soát là việc rất quan trọng để giảm tỷ lệ mắc và biến chứng của UTĐTT.

Nếu tầm soát bằng nội soi có thể phát hiện những tổn thương dạng polyp có thể điều trị khỏi hoàn toàn qua nội soi. Tuy nhiên, nếu không tầm soát UTĐTT sẽ phát hiện bệnh ở giai đoạn trễ việc điều trị rất khó khăn, có thể gây nhiều biến chứng và dẫn đến tử vong.

Tầm soát, phát hiện sớm UTĐTT mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.

Độ tuổi nào nên tầm soát UTĐTT?

Tầm soát sớm UTĐTT sẽ cân bằng được lợi ích giữa việc phát hiện và ngăn ngừa ung thư, lợi ích tài chính cho người bệnh và nguy cơ tai biến cho người bệnh, đặc biệt là những người từ 75 tuổi trở lên. Các nghiên cứu gần đây cho thấy độ tuổi mắc UTĐTT đang trẻ hóa, do đó khuyến cáo nên tầm soát UTĐTT từ 45 tuổi trở lên.

Việc tầm soát cũng có thể có những biến cố liên quan đến đại tràng như chảy máu hoặc thủng trực tràng trong quá trình nội soi. Tuy nhiên các tai biến này rất thấp. Những tai biến này tăng dần theo độ tuổi những người trên 75 tuổi nguy cơ sẽ cao hơn do đó sẽ ngưng tầm soát cho người trên 75 tuổi. Với nhóm tuổi này chỉ thực hiện việc nội soi trong một số tình huống đặc biệt.

Các phương pháp tầm soát

Có hai phương pháp chính để tầm soát UTĐTT: Phương pháp xét nghiệm phân và chẩn đoán hình ảnh.

- Thực hiện xét nghiệm phân để tầm soát UTĐTT: có thể thực hiện các xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân, hóa miễn dịch phân, hoặc thực hiện kỹ thuật cao DNA kết hợp hóa miễn dịch.

+ Tìm máu ẩn trong phân tức tìm hemoglobin cầu hồng cầu xuất hiện trong phân. Khi lấy phân xét nghiệm người bệnh cần ngưng dùng các loại thuốc chống viêm giảm đau trong thời gian 7 ngày trước khi lấy mẫu phân. Ngoài ra, người bệnh cũng không được ăn các loại thực phẩm như thịt đỏ, thịt gia cầm, thực phẩn giàu vitamin C hay thức ăn có màu trong thời gian 3 ngày trước khi lấy mẫu phân.

+ Hóa miễn dịch phân cũng là một xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân tuy nhiên người bệnh không cần hạn chế ăn uống giống xét ghiệm tìm máu ẩn trong phân thông thường. Và chỉ cần lấy một mẫu phân do đó người bệnh dễ chấp nhận hơn và cho độ đặc hiệu cao hơn.

+ Xét nghiệm DNA kết hợp hóa miễn dịch: Xét nghiệm này có thể phát hiện tế bào ung thư rơi vãi trong phân. Tuy nhiên xét nghiệm này đòi hỏi kỹ thuật và chi phí cao do đó chưa được ứng dụng rộng rãi trong tầm soát UTĐTTT.

Bên cạnh các phương pháp xét nghiệm phân thì có thể sử dụng phương pháp hình ảnh học để tầm soát UTĐTT. Phương pháp hình ảnh học gồm 3 kỹ thuật: Nội soi đại tràng ảo, nội soi đại tràng chậu hông và nội soi đại tràng.

+ Nội soi đại tràng ảo sử dụng kỹ thuật cắt lớp vi tính đa lát cắt mỏng sau đó dựng hình lại toàn bộ khung đại tràng và có thể phát hiện những polyp hoặc tổn thương UTĐTT tương tự như nội soi đại tràng thật. Tuy nhiên nội soi đại tràng ảo người bệnh cũng cần chuẩn bị ruột tiêu chuẩn,người bệnh được bơm hơi vào lòng đại tràng sẽ là những biến cố bất lợi liên quan đến nội soi đại tràng ảo.

Ưu điểm của phương pháp này là chi phí thấp hơn, tuy nhiên nếu phát hiện polyp thì sẽ chuyển sang nội soi đại tràng thật để cắt polyp như vậy chi phí sẽ tốn kém hơn.

+ Nội soi đại tràng chậu hông: Sẽ giảm được tỷ mắc UTĐTT, có thể khảo sát được đại tràng, đại tràng chậu hông và đại tràng xuống. Trong quá trình khảo sát có thể đánh giá được tổn thương, thực hiện sinh thiết, và có thể thực hiện kỹ thuật cắt polyp. Tuy nhiên, phương pháp này dễ bỏ sót những tổn thương ở đại tràng ngang, đại tràng lên và manh tràng. Các nghiên cứu cho thấy đối với ung thư đại tràng ngang, đại tràng lên, manh tràng chiếm khoảng 41-45% trong tổng số UTĐTT, do đó nội soi đại tràng chậu hông sẽ bỏ sót những tổn thương này. 

+ Nội soi đại tràng: Là phương pháp hiệu quả nhất trong tầm soát ung thư đại trực tràng. Giúp giảm tỷ lệ mắc cũng như tử vong liên quan đến UTĐTT. Nội soi đại tràng có thể quan sát được trực tràng, khung đại tràng và một phần đoạn cuối hội tràng. Trong quá trình nội soi có thể phát hiện được những tổn thương tiền ung thư, cụ thể là những tổn thương polyp đại trực tràng. Phát hiện UTĐTT với độ nhạy, độ đặc hiệu cao. Trong quá trình nội soi có thể đánh giá những tổn thương, sinh thiết, cắt polyp tổn thương ung thư sớm.

Theo suckhoedoisong.vn - Ngày 3/7/2021

https://suckhoedoisong.vn/tai-sao-nen-tam-soat-utdttt-n196315.html