Đà Nẵng là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển. Thời gian qua, Thành phố (TP) tập trung nhiều giải pháp nhằm đổi mới cơ cấu và từng bước đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế quan trọng ở địa phương….
|
Tuy được quan tâm đầu tư, song hiện nay lĩnh vực khai thác xa bờ tại Đà Nẵng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
|
Mặc dù trong những năm qua các cấp chính quyền, ngành chức năng và cộng đồng ngư dân trên địa bàn TP Đà Nẵng đã nỗ lực đầu tư cho kinh tế biển, đặc biệt là cho ngành nghề khai thác xa bờ. Tuy nhiên trên thực tế, hiện lĩnh vực khai thác xa bờ tại Đà Nẵng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần được tháo gỡ.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng, các khó khăn thách thức của lĩnh vực kinh tế này chủ yếu tập trung về nguồn nhân lực, trình độ quản lý lẫn đội ngũ lao động trực tiếp sản xuất; về phương tiện, thiết bị và công nghệ phục vụ đánh bắt; về sản lượng, năng suất, năng lực chế biến và đầu ra cho sản phẩm…
Nói về những hạn chế, khó khăn này, ông Lưu Quang Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng cho biết: Mặc dù số lượng tàu cá khai thác hải sản xa bờcủa Đà Nẵng đang tăng mạnh nhưng sản lượng đánh bắt vẫn chưa tương xứng, chất lượng thủy sản chưa cao, giá cả sản phẩm làm ra còn bấp bênh và ở mức thấp. Cạnh đó, dù rất nỗ lực nhưng đến nay TP vẫn chưa xây dựng hoàn chỉnh chuỗi liên kết từ khai thác, thu mua và cung cấp dịch vụ hậu cần ngay trên biển; hiện lực lượng lao động nghề biển tại Đà Nẵng đang ngày khan hiếm, phần lớn lao động chưa qua đào tạo và phải huy động từ các tỉnh lân cận... Đây đang là những thách thức, áp lực trong phát triển ngành thủy sản tại Đà Nẵng hiện nay.
Để hiểu hơn về những khó khăn của ngành thủy sản tại Đà Nẵng, chúng tôi đã trực tiếp khảo sát tại phường Nại Hiên Đông (một trong phường có đội tàu đánh bắt lớn nhất của quận Sơn Trà và TP Đà Nẵng) thì được biết, toàn phường này hiện có hơn 310 tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, theo số liệu cung cấp của Nghiệp đoàn nghề cá phường Nại Hiên Đông thì, hiện chỉ có 1/3 số tàu cá của phường còn hoạt động; số còn lại chỉ hoạt động cầm chừng hoặc phải nằm bờ chờ bán tàu để chuyển đổi nghề.
Trên thực tế, nghề khai thác thuỷ sản tại Đà Nẵng hiện vẫn còn lạc hậu, sản phẩm chưa được bảo quản và chế biết tốt trước khi đưa về bờ, giá trị kinh tế không cao.
Theo ngư dân Cao Văn Minh, đồng thời là Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Nại Hiên Đông, trong số 1/3 tàu cá đang hoạt động tại phường có nhiều chủ tàu đang cố gắng bám biển chủ yếu để nhận hỗ trợ dầu từ Nhà nước theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg. “Còn thực tế sau mỗi chuyến biển, ngư dân không có lãi hoặc lãi rất thấp bởi nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt; ngư trường đánh bắt đang bị thu hẹp bởi quy định hạn ngạch chiều dài của tàu, gây nhiều bất cập mà ngư dân khó khắc phục”- ngư dân Cao Văn Minh chia sẻ.
Theo ngư dân Cao văn Minh, quy định hạn ngạch chiều dài tàu cá được đánh bắt trên các vùng biển của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ cho phép những tàu cá có thân tàu dài từ 15m mới được khai thác ở vùng biển khơi. Trong khi đó trước đây,quy định về tàu khai thác gần bờ, xa bờ được tính theo công suất của tàu, tàu có công suất trên 90 CV là tàu xa bờ, đánh bắt ngoài khơi; nhưng giờ chỉ tính chiều dài của tàu cá mà không tính đến công suất nữa nên nếu tàu công suất lớn nhưng chiều dài chưa đến 15m, có tàu dài trên 15 m nhưng công suất rất nhỏ chỉ có thể khai thác thủy sản ở gần bờ.
“Đây là bất cập mà ngư dân khó áp dụng bởi phải cải hoán chiều dài của thân tàu để đảm bảo đánh bắt xa bờ rất tốn kém…. Ngoài ra trên thực tế khi xa khơi, năng lực và công nghệ khai thác phần lớn của ngư dân Việt Nam đều yếu kém hơn ngư dân các nước khác. Vì thế, sản lượng thường thấp và chất lượng không cao, nên khó cạnh tranh được. Trong khi đó, sản phẩm bán ra vẫn bị tư thương ép giá, ngư dân khó mà lãi được”- ngư dân Cao Văn Minh bức xúc chia sẻ.
Cũng liên quan đến những khó khăn của nghề cá tại Đà Nẵng, ngư dân Lê Văn Xin (67 tuổi, trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) đồng tình với những nhận định của ngư dân Cao Văn Minh. Mặt khác, ngư dân này cho hay: Dịch bệnh COVID-19 đang kéo theo nhiều hệ lụy mà ngư dân phải gánh chịu. Theo ông, trong thời gian gần 02 năm qua, dịch COVID-19 lây lan và kéo dài khiến các chợ, nhà hàng đóng cửa;một số thị trường xuất khẩu thủy sản lcũng bị “đóng băng”, từ đó sản phẩm đánh bắt của ngư dân không tiêu thụ được, giá cả bấp bênh.
Mặt khác, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19, thị trường lao động nghề biển tại Đà Nẵng vốn phụ thuộc từ nguồn cung ở các tỉnh lân cận như: Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam phải ở nhà, không cung ứng được. Vì thế, nhiều tàu cá phải nằm bờ do thiếu lao động hoặc giá nhân công tăng cao không thể chi trả cho những chuyến vươn khơi.
Ngư dân Lê Văn Xin nói về những khó khăn của nghề biển tại Đà Nẵng hiện nay.
Để tháo gỡ những khó khăn của ngư dân, ông Lưu Quang Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng cho biết,trong thời gian qua, các cấp chính quyền và ngành chức năng TP Đà Nẵng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách rất của riêng mình, đồng thời cụ thể hóa và áp dụng nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo có liên quan của Trung ương nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo thêm động lực để ngư dân tự tin vươn khơi bám biển.
“Nhiều quyết sách từ Trung ương đã được TP Đà Nẵng áp dụng, trong đó đáng kể nhất là Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ ngư dân hoạt động trên các vùng biển xa; Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; Nghị định 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Quyết định 118/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Chính phủ về chính sách hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro thiên tai trên biển…
Cạnh đó, chính quyền TP Đà Nẵng cũng ban hành một số chính sách để hỗ trợ ngư dân như: Quyết định 47/2014/QĐ-UBND về quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP Đà Nẵng; Quyết định 4991/QĐ-UBND ngày 26/7/2016 và Nghị quyết 255/2019/NQ-HĐND ngày 11/7/2019 của HĐND TP Đà Nẵng về quy định chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2019-2025…”- ông Lưu Quang Khánh chia sẻ.
|
Áp dụng các chính sách hỗ trợ, từ năm 2016 đến nay, toàn TP Đà Nẵng có 117 tàu cá hoạt động vùng khơi được đóng mới.
|
Áp dụng các chính sách hỗ trợ trên, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Đà Nẵng, từ năm 2016 đến nay, toàn TP có 117 tàu cá hoạt động vùng khơi được đóng mới, trong đó có 110 tàu được đóng mới theo Quyết định 47 của UBND TP và 07 tàu (05 tàu vỏ thép, 02 tàu vỏ gỗ) được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ; 130 phương tiện khai thác ven bờ được xả bản theo chính sách hỗ trợ tại Quyết định 4991 của UBND TP để giảm lượng tàu khai thác ven bờ; 565 thiết bị giám sát hành trình được hỗ trợ cho các tàu xa bờ; 257 lượt tàu được hỗ trợ 40% kinh phí bảo hiểm thân tàu; 02 tàu được hỗ trợ 50% kinh phí để trang bị máy móc, thiết bị dùng trong khai thác thủy sản theo Nghị quyết 255 của HĐND TP.
TP Đà Nẵng cũng đã hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá và kinh phí thuê bao năm đầu tiên cho các tàu cá xa bờ. Với sự hỗ trợ này đã tạo điều kiện cho ngư dân chủ động giám sát được hoạt động của tàu cá; đồng thời qua đó kịp thời phối hợp xử lý tình huống các tàu cá vi phạm vùng biển, phòng tránh thiên tai, cứu hộ cứu nạn và giúp các cơ quan quản lý Nhà nước giám sát chặt chẽ hoạt động tàu cá, ngư trường, vùng biển khai thác nhằm xác định đúng đối tượng chi dầu hỗ trợ cũng như giúp các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn khi tàu cá của ngư dân gặp nạn; mặt khác cũng góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định./.
Theo Bài, ảnh: Đình Tăng/dangcongsan.vn - Ngày 27/6/2021
https://dangcongsan.vn/kinh-te/kinh-te-bien-da-nang-thuc-trang-va-dinh-huong-phat-trien-583999.html