Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc viêm gan B rất cao. Người mắc chủ yếu do lây truyền từ mẹ sang con. Do đó dự phòng lây nhiễm viêm gan B đối với phụ nữ mang thai đóng vai trò quan trọng.
Viêm gan B tại Việt Nam
Tại Việt Nam cứ 8 người sẽ có 1 người mắc viêm gan B mạn tính. Năm 2018, có khoảng 25.335 ca tử vong do ung thư gan tại Việt Nam. Bệnh thường gặp nhất ở nam giới và thứ 5 ở phụ nữ.
Bất kỳ ai chưa có miễn dịch bảo vệ đều có thể mắc viêm gan B. Tuy nhiên, độ tuổi khi nhiễm vi rút viêm gan B là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc bệnh có chuyển thành viêm gan mạn hay không.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc vi rút viêm gan B có nguy cơ tiến triển thành mắc viêm gan B mạn cao nhất. Nếu không được tiêm phòng và điều trị dự phòng, trên 90% trẻ sinh từ mẹ nhiễm viêm gan B sẽ mắc viêm gan B mạn. Vì vậy, cần tiêm phòng vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh ngay trong 24 giờ đầu sau sinh.
Trẻ mắc vi rút viêm gan B thường không có triệu chứng hoặc rất mờ nhạt. Trái lại, 30-50% người lớn mắc vi rút viêm gan B có triệu chứng viêm gan cấp như mệt mỏi, chán ăn, vàng da; và khoảng 6-10% sẽ tiến triển thành viêm gan B mạn.
Tầm soát và dự phòng viêm gan B với phụ nữ mang thai
Tất cả phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm HBsAg sớm khi khám thai lần đầu để kiểm tra có mắc viêm gan B mạn hay không và có biện pháp dự phòng lây truyền sang con.
Phụ nữ mang thai cần được tiêm phòng vắc xin viêm gan B để ngăn ngừa lây nhiễm bệnh.
Với bà mẹ có HBsAg âm tính và anti-HBs âm tính:
+ Lưu kết quả xét nghiệm vào hồ sơ khám thai. Tư vấn cho bà mẹ để thông báo kết quả xét nghiệm cho nhân viên y tế khi sinh.
+ Tư vấn cho bà mẹ sau này đi tiêm phòng vắc xin vì chưa có miễn dịch bảo vệ. Vắc xin viêm gan an toàn với phụ nữ có thai.
+ Tiêm vắc xin viêm gan B cho tất cả trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu sau sinh.
+ Tiêm vắc xin viêm gan B mũi sơ sinh càng sớm càng tốt sau khi đã kiểm tra và đảm bảo trẻ có sức khỏe ổn định.
Trẻ sinh có mẹ HBsAg (+) cần tiêm globulin miễn dịch HBIG trong 12 giờ đầu sau sinh.
Nếu không được tiêm huyết thanh dự phòng, trẻ sinh ra từ mẹ mắc viêm gan B có nguy cơ tiến triển thành viêm gan B mạn rất cao. Vì vậy, cần:
+ Tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ ngay sau sinh.
+ Tiêm HBIG trong 12 giờ đầu sau sinh tại một vị trí khác.
+ Sau đó, cần hoàn thành tiếp 3 mũi vắc xin viêm gan B theo đúng lịch: 1 mũi 1 lần lần lượt từ khi trẻ từ đủ 2,3,4 tháng tuổi.
+ Xét nghiệm HBsAg và anti-HBs sau 1-2 tháng để kiểm tra miễn dịch bảo vệ.
Với bà mẹ có HBsAg dương tính:
+ Lưu kết quả xét nghiệm vào hồ sơ khám thai. Tư vấn cho bà mẹ thông báo kết quả xét nghiệm cho nhân viên y tế khi sinh.
+ Tiêm vắc xin viêm gan B mũi sơ sinh cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh.
+ Tiêm ngay một mũi huyết thanh viêm gan B (HBIG) trong 12 giờ đầu sau sinh (nếu có). Sau đó, tiêm đủ 3 mũi vắc xin viêm gan B theo đúng lịch. Làm như vậy, có thể giảm lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con tới 95%.
+ Xét nghiệm HBsAg và anti-HBs 1-2 tháng sau mũi tiêm cuối cùng đánh giá miễn dịch bảo vệ. Nếu chưa đạt, cần tiêm tiếp 3 mũi vắc xin và xét nghiệm lại.
+ Giới thiệu bà mẹ đến bác sĩ chuyên khoa để theo dõi viêm gan B.
+ Tư vấn cho các thành viên trong gia đình đi xét nghiệm viêm gan B và tiêm phòng.
Viêm gan B không lây qua sữa mẹ. Bà mẹ có thể cho con bú và không lo lây truyền vi rút sang con.
Khi nào cần điều trị thuốc kháng vi rút ở phụ nữ có thai nhiễm viêm gan B mạn?
- Đối với phụ nữ đang trị viêm gan vi rút B mạn tính muốn có thai:
+ Nếu đang dùng thuốc Entecavir (ETV) thì ngừng thuốc ETV trước khi có thai 2 tháng và chuyển sang dùng thuốc TDF.
+ Đối với phụ nữ đang điều trị viêm gan vi rút B mạn tính đang dùng TDF thì tiếp tục sử dụng thuốc.
- Đối với phụ nữ nhiễm viêm gan vi rút B chưa phải điều trị và đang mang thai:
+ Theo Hiệp hội nghiên cứu bệnh gan Hoa Kỳ (AASLD) khuyến cáo điều trị bằng thuốc kháng vi rút để dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con khi bà mẹ có tải lượng vi rút > 200.000 IU/ml (>10^6 copies/ml).
+ Các thuốc kháng vi rút hiện tại nghiên cứu ở phụ nữ có thai bao gồm lamivudine, telbivudine và tenofovir (TDF). Trong đó, TDF là thuốc được ưu tiên dùng vì giảm thiểu rủi ro sự xuất hiện của tình trạng kháng thuốc trong quá trình điều trị. Các nghiên cứu hiện tại cho thấy hiệu quả cao của TDF trong việc ngăn ngừa lây truyền từ mẹ sang con.
Lưu ý: TAF là thuốc mới điều trị viêm gan B tuy nhiên hiện tại chưa có các dữ liệu nghiên cứu về sự an toàn cho phụ nữ có thai, do đó không đủ dữ liệu để khuyến nghị sử dụng TAF trong thai kỳ.
+ Điều trị bằng thuốc kháng vi rút được khuyển cáo bắt đầu lúc thai khoảng 28-32 tuần và tiếp tục duy trì đến 3 tháng sau sinh. Tuy nhiên khi ngưng điều trị cần theo dõi men gan ALT sau mỗi 3 tháng trong 6 tháng và tư vấn theo dõi bà mẹ định kỳ sau khi dừng thuốc.
Theo suckhoedoisong.vn - Ngày 9/7/2021
https://suckhoedoisong.vn/du-phong-viem-gan-b-o-phu-nu-mang-thai-n196694.html