Chuyên gia cho rằng, các địa phương có thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 2 cần tăng cường ôn tập trực tuyến cho các em, những bài học thực tế tốt hay chưa tốt của đợt 1 cần được nghiên cứu và áp dụng cho đợt thi tới.
Gần 1 triệu thí sinh trên cả nước vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1. Đây cũng là năm thứ 2 kỳ thi diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các điểm thi phải thay đổi kịch bản tổ chức thi theo từng ngày, từng giờ. Đây cũng là năm thứ 2 Bộ GD-ĐT quyết định tổ chức chia kỳ thi làm 2 đợt.
Chuyên gia giáo dục Đặng Tự Ân, Giám đốc quỹ Quốc gia đổi mới giáo dục Việt Nam đã có những chia sẻ để cùng nhìn lại kỳ thi đặc biệt này.
PV: Lại một mùa thi đặc biệt vừa khép lại, khi mục tiêu đặt ra vừa phải đảm bảo an toàn về phòng dịch nhưng vẫn phải đúng quy chế, nghiêm túc. Ông có chia sẻ gì về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, thưa ông?
Ông Đặng Tự Ân: Tôi rất thông cảm với những phụ huynh và cá nhân lo lắng về kỳ thi này. Kết thúc 2 ngày thi, có thể thấy, các khâu trong kỳ thi từ ra đề thi, bảo quản đề thi và các khâu in ấn đề thi của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước chưa xảy ra sự cố đáng tiếc nào. Công tác tổ chức coi thi được đánh giá là an toàn, đúng quy chế, đề thi có sự phân hóa tốt, tương đồng với đề minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố trước đây vài tháng, đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp và làm căn cứ để xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học.
Thông qua các phản ánh về kỳ thi trên các phương tiện truyền thông có thể nhận thấy thí sinh vui vẻ, nhẹ lòng sau khi thi xong đợt 1. Công tác phòng chống dịch tại một số địa phương cũng được thực hiện khá tốt. Tuy có phát hiện những ca lây nhiễm nhưng không ảnh hưởng đến toàn bộ kỳ thi. Có thể nói đến thời điểm này, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã tổ chức thành công, đạt mục tiêu kép, đảm bảo sức khỏe cho thí sinh, người làm thi, đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Năm nay kỳ thi cũng cũng được chia làm 2 đợt, tôi cho rằng đây là quyết định hợp lý với tình hình thực tiễn. Đây là năm thứ 2 Bộ GD-ĐT tổ chức thi 2 đợt, có lặp lại cách tổ chức thi, nhưng vẫn có những tình huống mới chưa từng có trong tiền lệ, thậm chí chưa từng có trong lịch sử giáo dục Việt Nam. Các hội đồng thi phải thực hiện xét nghiệm nhanh Covid-19 cho toàn bộ thí sinh và cán bộ, giáo viên coi thi, áp dụng các quy tắc đảm bảo phòng chống dịch. Những hoạt động này đã được nhiều hội đồng thi thực hiện rất nghiêm túc.
Từ những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, mà các kịch bản của từng hội đồng thi phải thay đổi từng ngày, từng giờ. Có những điểm thi buổi sáng thí sinh vẫn đến thi nhưng buổi chiều đã phải phong tỏa.
Trong bối cảnh dịch bệnh khó lường, có lẽ không có giải pháp nào tối ưu hơn việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT làm 2 đợt.
PV: Dù đã có nhiều kịch bản dự phòng từ trước, nhưng khi phát hiện có các thí sinh dương tính với SARS-CoV-2, F1, F2 tại các hội đồng thi, mỗi nơi lại có một cách giải quyết khác nhau. Theo chuyên gia, liệu trong những năm tiếp theo, có cần những kịch bản cụ thể và thống nhất giữa các địa phương không, thưa ông?
Ông Đặng Tự Ân: Chúng ta đã tổ chức làm 2 đợt thi, như vậy với những thí sinh thi đợt 1, không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì nên cố gắng có những biện pháp để các em đến trường thi và được thi bình thường. Những em khi đến trường thi mới phát hiện mắc Covid-19 thì cần có phương án cụ thể để không xảy ra tình trạng phải giải tán hội đồng coi thi, gây ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh, đây là điều cần rút kinh nghiệm và thực hiện tốt hơn trong những năm tiếp theo.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã được phân cấp mạnh cho các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi của tỉnh mình. Nhiều địa phương đã chỉ đạo rất sát sao, không có chuyện tỉnh ra văn bản chỉ đạo các Sở GD-ĐT tự tổ chức thi. Tuy nhiên, ưu điểm này còn chưa đồng đều tại các địa phương, vẫn có những nơi công tác tổ chức thi chưa được tốt.
PV: Để chuẩn bị tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 cũng như những năm tiếp theo, cần lưu ý những điểm gì, thưa ông?
Ông Đặng Tự Ân: Để chuẩn bị cho kỳ thi đợt 2, trước hết cần ưu tiên cả nước chung tay dập dịch để các trường trở về trạng thái bình thường mới. Bên cạnh đó, các trường, các địa phương có thí sinh thi đợt 2 cần tăng cường ôn tập trực tuyến cho các em, những bài học thực tế tốt hay chưa tốt của kỳ thi đợt 1 sẽ được các địa phương nghiên cứu và áp dụng cho các kỳ thi đợt 2.
Để chuẩn bị cho kỳ thi trong những năm tiếp theo đạt được những kết quả tốt nhất, tôi cho rằng, cần tổ chức dạy học trực tuyến theo một chiến lược quốc gia, coi dạy học trực tuyến là 1 phần của kế hoạch dạy học trong các nhà trường, tức lồng ghép dạy học trực tuyến với dạy học trực tiếp. 2 phương thức này hỗ trợ cho nhau, mỗi cái đều có thế mạnh riêng. Bên cạnh đó, kế hoạch dạy học cũng cần linh hoạt hơn nữa, trong đó, ưu tiên thời gian cho các lớp cuối cấp hoàn thành kế hoạch thực học sớm cho học sinh các trường. Xây dựng các kịch bản chi tiết cho kỳ thi tốt nghiệp THPT để trường hợp xảy ra những tình huống bất ngờ như thiên tai, dịch bệnh có thể ứng phó kịp thời. Đặc biệt cũng cần xây dựng các kịch bản chi tiết, thống nhất giữa các địa phương nếu gặp các sự cố.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Theo N.T/VOV.VN – 10/7/2021
https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/nhin-lai-ky-thi-tot-nghiep-thpt-dot-1-bai-hoc-nao-cho-thi-dot-2-872569.vov