Một nghiên cứu mới cho thấy những bệnh nhân đã tiêm chủng ngừa cúm hàng năm có thể được bảo vệ trước một số tác động nghiêm trọng liên quan đến COVID-19.
Theo dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ các bệnh nhân trên khắp thế giới và được trình bày tại Đại hội của Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm châu Âu (ECCMID), những người đã tiêm vaccine cúm trước khi nhiễm COVID-19 đều ít phải chăm sóc khẩn cấp tại phòng cấp cứu và phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) hơn.
Các nhà nghiên cứu từ Trường Y khoa, Đại học Miami Miller đã chia ra hai nhóm gồm 37.377 bệnh nhân có sự tương đồng về tuổi tác, các vấn đề sức khỏe bao gồm béo phì, bệnh phổi và yếu tố lối sống như thói quen hút thuốc. Nhóm đầu tiên đã được chủng ngừa cúm từ hai tuần đến sáu tháng trước khi nhiễm COVID-19, trong khi các thành viên của nhóm thứ hai cũng đã mắc COVID-19 nhưng không tiêm phòng cúm trước đó.
Sau đó, nhóm nghiên cứu so sánh tỷ lệ xuất hiện của 15 tác động sức khỏe bất lợi bao gồm đột quỵ, nhiễm trùng huyết và huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), cũng như thuyên tắc phổi, suy hô hấp, hội chứng suy hô hấp cấp, đau khớp, suy thận, chán ăn, đau tim, viêm phổi, cấp cứu, nhập viện, chăm sóc đặc biệt ICU và tử vong trong vòng 120 ngày sau khi xét nghiệm dương tính với COVID-19 ở cả hai nhóm đối tượng nghiên cứu.
Kết quả cho thấy những bệnh nhân không được tiêm phòng cúm có nguy cơ bị đột quỵ tăng 58%, khả năng phát triển nhiễm trùng huyết tăng 45%. Ngoài ra, họ cũng có nhiều khả năng phải điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt ICU (tăng 20%) và phòng cấp cứu (cao hơn 58%).
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng nguy cơ tử vong không giảm. Thêm vào đó, lý do việc tiêm vaccine cúm có thể cung cấp sự bảo vệ chống lại COVID-19 như thế nào hiện vẫn chưa được biết chính xác và cần phải nghiên cứu thêm.
Dẫn lời trợ lý nghiên cứu Susan Taghioff tại Đại học Y khoa Miami Miller: “Tiêm phòng cúm thậm chí có thể mang lại lợi ích cho những người do dự khi chủng ngừa COVID-19 bởi tính mới của công nghệ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là vaccine cúm có thể thay thế cho vaccine COVID-19 và chúng tôi vận động mọi người nên tiêm vaccine COVID-19 nếu có thể. Việc tiếp tục thúc đẩy tiêm vaccine cúm cũng có khả năng giúp ích cho dân số toàn cầu tránh được gánh nặng bùng phát đồng thời của cả virus cúm và COVID-19 khiến hệ thống y tế quá tải”.
Được biết, một số nghiên cứu hiện đang tiến hành hoặc đã được lên kế hoạch xem xét một loại vaccine kết hợp có thể đồng thời chống lại bệnh cúm, COVID-19 và các bệnh đường hô hấp khác. Công ty Moderna hiện đang thử nghiệm vaccine cúm mRNA cho những người tham gia thử nghiệm lâm sàng. Đây là một trong những công ty đã công bố kế hoạch tạo ra vaccine kết hợp trong tương lai./.
Theo CTV Lương Trâm/VOV.VN (Biên dịch) - 16/7/2021
https://vov.vn/suc-khoe/tiem-phong-cum-co-the-lam-giam-mot-so-tac-dong-nghiem-trong-cua-covid-19-874149.vov