Cập nhật: 17/07/2021 08:16:00
Xem cỡ chữ

Trong danh sách những bộ phim gây tranh cãi có những tên tuổi kinh điển như "La Dolce Vita" (1960), "Taxi driver" (1976), "Pulp Fiction" (1994), ...

La Dolce Vita (1960)

"La Dolce Vita" (Cuộc sống ngọt ngào) của đạo diễn người Italy Federico Fellini ra mắt vào năm 1960, giành được Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes cùng năm. Phim cũng nhận được được 4 đề cử Oscar và giành một giải.Tác phẩm của Federico Fellini lọt top 100 bộ phim hay nhất của điện ảnh thế giới do tạp chí Empire bình chọn. Tuy nhiên "La Dolce Vita" cũng nằm trong danh sách những bộ phim gây tranh cãi nhất. 

Marcello Mastroianni và Anita Ekberg trong La Dolce Vita (1960).

Marcello Mastroianni và Anita Ekberg trong La Dolce Vita (1960).

Phim đề cập đến cuộc sống hào nhoáng, tự do đến mức điên cuồng của những người thuộc giới thượng lưu ở Rome. Chuyện phim xoay quanh nhân vật chính Marcello Rubini (do diễn viên Marcello Mastroianni thủ vai), một nhà văn bỏ ngang giấc mộng văn chương để trở thành phóng viên chuyên săn tin tức nhạy cảm và giật gân. Anh tìm kiếm những cô gái thuộc đủ mọi thành phần, tiếp cận các chức sắc tôn giáo, những gã nhà giàu tha hoá để viết bài đưa tin hay làm tư liệu cho tiểu thuyết.

"La Dolce Vita" tạo ra một bức tranh muôn màu cuộc sống của thời đại đang phát triển với những con người nhân cách phức tạp. Nhưng lại gây tranh cãi bởi những giá trị mới thách thức các nguyên tắc đạo đức Công giáo. Ngoài nội dung mang tính thời đại, phim nổi tiếng bởi sự gợi tình, phóng khoáng trong từng cảnh quay. Cộng đồng Công giáo cảm thấy khó chấp nhận tư tưởng cởi mở về tình dục, thậm chí có cả tình dục đồng tính xuất hiện trong phim. Đặc biệt phân cảnh mở đầu của phim khi một chiếc trực thăng chở tượng Chúa Kitô trước sự kinh ngạc và thích thú của những người xem bên dưới được cho là sự xúc phạm. Tờ báo L'Osservatore Romano của Vatican đã lên án bộ phim trong một bài báo có tựa đề "La Schifosa Vita" ("Cuộc sống kinh tởm"). 

Taxi driver (1976) 

Kiệt tác của Martin Scorsese công chiếu tại Cannes vào năm 1976. Nhân vật chính của bộ phim là một cựu chiến binh Việt Nam Travis Bickle do Robert De Niro thủ vai. Tinh thần bất ổn của Travis với những phân cảnh bạo lực khiến người xem đặc biệt khó chịu. Phần cao trào đẫm máu đã châm ngòi cho các cuộc tranh luận gay gắt về câu hỏi đạo đức trong phim.

Martin Scorsese, Jodie Foster và Robert de Niro trong cuộc họp báo tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 29 năm 1976.  

Martin Scorsese, Jodie Foster và Robert de Niro trong cuộc họp báo tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 29 năm 1976.  

Chủ tịch Hội đồng giám khảo Cannes năm đó là Tennessee Williams đã công khai chỉ trích bộ phim. Ông chia sẻ với phóng viên: “Xem cảnh bạo lực trên màn hình là một trải nghiệm tàn bạo đối với khán giả. Các bộ phim không nên lấy niềm vui kích động khi kéo dài những cảnh tàn ác khủng khiếp như thể một bộ phim đang ở đấu trường La Mã”.

Tuy nhiên, ban giám khảo Cannes không thể phủ nhận những giá trị nghệ thuật của bộ phim, cuối cùng đã trao giải "Cành cọ vàng" cho "Taxi Driver". Nhà sản xuất Michael Phillips nhớ lại : “Một nửa số khán giả đã đứng lên vỗ tay tán thưởng. Nửa còn lại la ó". Đạo diễn Scorsese đã không đối mặt với những chỉ trích hay phân trần với giới phê bình khi nhận giải. Sau khi biết thông tin Chủ tịch Hội đồng giám khảo Cannes căm ghét bộ phim đến mức nào, đạo diễn Scorsese đã bỏ qua lễ trao giải và bay về Mỹ. 

Do the right thing (1989)

Đạo diễn Spike Lee - Chủ tịch Hội đồng giám khảo LHP Cannes 2021 cũng từng gây tranh cãi với "Do the right thing" - tác phẩm phản ánh những căng thẳng chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát Mỹ. Phim được công chiếu vào năm 1989 với câu chuyện dựa trên sự kiện có thật tại Brooklyn (New York). Tác phẩm đã gây căm phẫn cho một số nhà phê bình khi được phát hành. Nhiều người lúc đó cho rằng bộ phim kích động bạo loạn trong cộng đồng người da đen ở Mỹ.

Spike Lee và Steven Soderbergh tại một bữa tiệc trong Liên hoan phim Cannes lần thứ 42 năm 1989. 

Spike Lee và Steven Soderbergh tại một bữa tiệc trong Liên hoan phim Cannes lần thứ 42 năm 1989. 

“Đó là một bộ phim tuyệt vời, một bộ phim tuyệt vời", nhà phê bình phim nổi tiếng Roger Ebert tuyên bố sau buổi chiếu. "Nếu tác phaarm này không giành được giải thưởng lớn, tôi sẽ không trở lại vào năm sau". Thế nhưng, Hội đồng lại quyết định trao giải "Cành cọ vàng" cho bộ phim "Sex, Lies và Videotape" của Steven Soderbergh. Chủ tịch ban giám khảo Wim Wenders cho rằng nhân vật chính của "Do the right thing" là “không có tính anh hùng”. 

Pulp Fiction (1994)

"Pulp Fiction" - tác phẩm thuộc thể loại phim hậu hiện đại và là một trong những bộ phim xuất sắc nhất của đạo diễn Quentin Tarantino giành giải thưởng "Cành cọ vàng" tại Cannes 1994. Tuy nhiên quyết định này của Hội đồng giám khảo đã tạo nên cuộc tranh luận gay gắt. 

Samuel L. Jackson, Maria de Medeiros, Quentin Tarantino, Bruce Willis, Uma Thurman và John Travolta tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 47 năm 1994. 

Samuel L. Jackson, Maria de Medeiros, Quentin Tarantino, Bruce Willis, Uma Thurman và John Travolta tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 47 năm 1994. 

Nhiều người cho rằng, loạt phim dự thi tại LHP năm 1994 có rất nhiều tác phẩm ấn tượng như “La Heine Magot” (Hoàng hậu Magot), “Exotica” (Vẻ đẹp hiếm), “Burnt by the sun” (Cháy dưới ánh mặt trời) và đặc biệt được kỳ vọng là “Three Colors: Red” (Ba màu: Đỏ) – tập phim nằm trong bộ ba tác phẩm lấy cảm hứng từ màu quốc kỳ Pháp của đạo diễn Krzysztof Kieslowski. Nhưng Hội đồng giám khảo dẫn đầu bởi Clint Eastwood cùng đồng nghiệp, đã bị hấp dẫn bởi một bộ phim tội phạm kiểu Mỹ.

Tờ  Los Angeles Times lưu ý tác phẩm giành giải  “không nhất thiết phải là bộ phim được ngưỡng mộ nhất”. Quentin Tarantino cũng bày tỏ "Tôi không bao giờ mong đợi chiến thắng hay bất cứ điều gì vì tôi không làm loại phim gắn kết mọi người với nhau. 

24 Hour Party People (2001)

Một trong những vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử Cannes xảy ra với một bộ phim có nội dung tưởng chừng rất "vô hại" xoay quanh nền âm nhạc pop tại Anh thập niên 70, 80. Bộ phim hài của Michael Winterbottom kịch tính hóa những chiến tích của Joy Division và Happy Mondays, với phân cảnh gây tranh cãi khi ca sĩ chính đã đầu độc hơn 3.000 con chim bồ câu trên bờ biển Manchester.

Dàn diễn viên của "24 Hour Party People" (2001) tạo dáng với những chú chim bồ câu giả tại LHP Cannes. 

Dàn diễn viên của "24 Hour Party People" (2001) tạo dáng với những chú chim bồ câu giả tại LHP Cannes. 

Sau đó, tại Cannes, các sao nam của bộ phim đã dùng những con chim bồ câu nhồi giả để tấn công lẫn nhau trong một nhà hàng, và các thực khách sang trọng tại đó đã phát hoảng vô cùng vì nghĩ chúng là chim bồ câu thật. 

Irreversible (2002) 

Bộ phim kinh dị gây tranh cãi dữ dội của Gaspar Noé vẫn là bộ phim kinh dị khét tiếng nhất trong lịch sử Cannes. Ước tính có ít nhất 200 khán giả rời khỏi buổi chiếu, 20 người khác được cho là cần hỗ trợ y tế sau khi ngất xỉu. “Trong 25 năm làm việc, tôi chưa bao giờ thấy điều này tại liên hoan Cannes,” một phát ngôn viên của đội cứu hỏa nói với BBC. “Những cảnh trong phim này thật không thể chịu nổi, ngay cả đối với những người chuyên nghiệp chúng tôi”.

Vincent Cassell và Monica Belluci tại LHP Cannes lần thứ 55 năm 2002.

Vincent Cassell và Monica Belluci tại LHP Cannes lần thứ 55 năm 2002.

Với sự tham gia của cặp đôi Vincent Cassel và Monica Belluci, bộ phim kể về một người đàn ông truy tìm, trả thù kẻ đã xâm hại bạn gái mình. Được kể theo một cấu trúc đảo ngược, phi tuyến tính, tâm điểm của phim là phân cảnh  bị cưỡng đoạt dài 9 phút của nhân vật Belluci, cảnh duy nhất trong phim mà máy quay vẫn ở một vị trí cố định. Cây bút Le Monde đã lên án với lời bình luận "bạo lực vô cớ của bộ phim tương xứng với sự lười biếng về trí tuệ của nó". 

Fahrenheit 9/11 (2004) 

Trong suốt lịch sử 74 năm, Cannes đã tỏ ra thờ ơ với dòng phim tài liệu. Nhưng năm 2004, bộ phim chính trị của đạo diễn Michael Moore mang tên "Fahrenheit 9/11" đã trở thành tác phẩm tài liệu đầu tiên bước lên bục vinh quang của liên hoan phim này kể từ năm 1956.

Michael Moore tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 57 năm 2004.

Michael Moore tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 57 năm 2004.

Bộ phim nhận được tràng pháo tay tán thưởng gần 20 phút và được trao giải thưởng "Cành cọ vàng" bởi Quentin Tarantino. Tuy nhiên một số ý kiến vẫn phàn nàn rằng Fahrenheit 9/11 được trao là dựa trên quan điểm chính trị của Michael Moore chứ không phải những thành tựu điện ảnh mà tác phẩm đóng góp. 

Antichrist (2009)

Lars von Trier không xa lạ với những tranh cãi. Trong suốt sự nghiệp của mình, nhà làm phim người Đan Mạch đối diện với sự chỉ trích đối với tác phẩm của mình. Năm 2009, tham dự Cannes với tác phẩm kinh dị "Antichrist", Lars von Trier đã mang đến trải nghiệm đầy ám ảnh cho khán giả bởi mối quan hệ đáng lo ngại của cặp vợ chồng do Willem Dafoe và Charlotte Gainsbourg thủ vai. 

Willem Dafoe, Lars von Trier và Charlotte Gainsbourg tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 62 năm 2009.

Willem Dafoe, Lars von Trier và Charlotte Gainsbourg tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 62 năm 2009.

Nhiều nhà phê bình đã lên tiếng chỉ trích Lars von Trier tôn thờ chủ nghĩa thù ghét phụ nữ và phim tràn ngập những cảnh tình dục phản cảm. Mặc dù vậy, "Antichrist" vẫn đem về cho Charlotte Gainsbourg giải "Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất".

"Blue is the warmest colour" (2013)

"Blue is the warmest colour" - bộ phim lãng mạn về tình yêu đồng giới giữa 2 người cô gái là Emma và Adèle. Bộ phim dựa trên cuốn tiểu thuyết đồ hoạ cùng tên của nhà văn Pháp Julie Maroh.

Phim nhận được rất nhiều lời ca ngợi khi được trao giải thưởng danh giá Cành cọ vàng "Blue is the warmest colour" đã được vinh danh ở Cannes, nhận giải thưởng cao quý nhất. Hai ngôi sao là Adèle Exarchopoulos và Léa Seydoux cũng nhận giải Cành cọ vàng.

Léa Seydoux, Abdellatif Kechiche và Adele Exarchopoulos tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 66 năm 2013.

Léa Seydoux, Abdellatif Kechiche và Adele Exarchopoulos tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 66 năm 2013.

Nhưng chỉ một tuần sau đó, tác giả Julie Maroh bất ngờ đăng đàn chỉ trích bộ phim là "lố bịch", "khiêu dâm". Bà cảm thấy hối tiếc vì đã cho phép đạo diễn toàn quyền làm theo ý mình. Cô cho rằng bộ phim là một tác phẩm “phô bày một cách tàn nhẫn và lạnh lùng về tình dục đồng tính, như thể một bộ phim cấp 3”.

Ngọn lửa chỉ trích lan rộng và bùng lên khi hai diễn viên chính lên tiếng tố mình bị lạm dụng trong suốt thời gian đóng phim. Adèle Exarchopoulos và Léa Seydoux cho biết họ bị vắt kiệt sức trong 5 tháng rưỡi dù ban đầu họ chỉ tưởng là 2 tháng. Hai nữ diễn viên cho biết họ không được sử dụng diễn viên đóng thế trong cảnh nóng, phải thực hiện phân cảnh đó liên tục trong suốt 10 ngày liền cho đến khi đạo diễn ưng ý. Thậm chí họ bắt buộc phải đánh bạn diễn thật mạnh để tạo tính chân thực cho phim. 

Cả hai nữ diễn viên cho biết họ sẽ không bao giờ làm việc với Kechiche nữa. “Ông ấy là người tham lam, khắt khe và không quan tâm tới cảm xúc của diễn viên. Ông ấy làm tất cả vì mục đích nghệ thuật của mình”, Lea chia sẻ./.

Theo Lê Anh/VOV.VN.Ảnh: Getty - 17/7/2021

https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/diem-danh-nhung-bo-phim-gay-tranh-cai-nhat-trong-lich-su-lhp-cannes-874363.vov