Cập nhật: 30/07/2021 10:42:00
Xem cỡ chữ

Những người trẻ tuổi không hẳn là hoàn toàn không có nguy cơ bị COVID-19 trầm trọng và kết quả một nghiên cứu mới đây được đăng trên Tạp chí Mayo Clinic Proceedings cho thấy một số người thậm chí còn có nguy cơ cao hơn bình thường.

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ), những người dưới 45 tuổi sẽ tăng 3 lần nguy cơ mắc COVID-19 trầm trọng nếu họ mắc các bệnh sau đây:

Ung thư

Bệnh tim

Rối loạn về máu

Trưởng nhóm nghiên cứu Jennifer St. Sauver, chuyên gia dịch tễ học, cho biết: “Hầu hết mỗi tình trạng bệnh mạn tính đều là một yếu tố nguy cơ liên quan tới tình trạng mắc COVID-19 trầm trọng. Nhìn chung, những bệnh nhân trẻ tuổi có xu hướng bị mắc COVID-19 ít nghiêm trọng hơn những người lớn tuổi, nhưng điều đó không có nghĩa là những người trẻ tuổi không bị bệnh trầm trọng”.

Nghiên cứu phân tích dữ liệu từ gần 10.000 bệnh nhân ở tiểu bang Minnesota và Wisconsin  (Mỹ) có chẩn đoán mắc COVID-19 từ tháng 3/2020 đến tháng 9/2020 cho thấy, ung thư là yếu tố nguy cơ lớn nhất liên quan tới tình trạng COVID-19 trầm trọng ở những người dưới 45 tuổi nhưng không phải là yếu tố đáng kể đối với người lớn tuổi.

Theo nhóm nghiên cứu, những bệnh nhân trẻ tuổi thường bị mắc bệnh ung thư nặng hơn và được điều trị bằng các biện pháp mạnh hơn, điều này có thể khiến họ dễ bị nhiễm các bệnh khác, trong đó có COVID-19. Một phát hiện khiến nhóm nghiên cứu ngạc nhiên, đó là trong số những người mắc bệnh mạn tính, những người bị rối loạn phát triển, rối loạn nhân cách, tâm thần phân liệt và các chứng loạn thần khác có nguy cơ cao bị tình trạng COVID-19 trầm trọng. Điều này có thể là do một số biện pháp điều trị nhằm kiểm soát các tình trạng bệnh đó khiến họ có nguy cơ cao hơn mắc COVID-19 trầm trọng.

Tiêm chủng là cách tốt nhất để phòng ngừa COVID-19

Nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích sâu hơn và nhận thấy một số nhóm chủng tộc và sắc tộc có nguy cơ cao hơn những nhóm khác, cụ thể: bệnh nhân gốc châu Á có nguy cơ cao nhất mắc COVID-19 trầm trọng, tiếp theo là người da đen và gốc Tây Ban Nha. Điều này có thể là do các yếu tố kinh tế và xã hội khiến những quần thể này có nguy cơ phơi nhiễm cao hơn với virut.

Theo nhóm nghiên cứu: “Tiêm chủng là cách tốt nhất để phòng ngừa COVID-19 và tất cả mọi người đủ điều kiện thì nên được tiêm chủng. Điều may mắn là có rất ít trường hợp phải chống chỉ định tiêm chủng và các loại vắc xin hiện nay dường như rất hiệu quả, thậm chí đối với cả biến thể Delta. Vì vậy, bất kể bạn đang mắc bệnh gì, tình trạng sức khỏe chung ra sao, tuổi tác thế nào thì việc tiêm chủng vẫn là biện pháp tốt nhất để bảo vệ bạn không bị COVID-19 trầm trọng".

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng: “Hãy bảo vệ những người mắc bệnh mạn tính bằng cách tiêm phòng cho họ và mọi người xung quanh vì họ có nguy cơ bị các biến chứng do COVID-19, kể cả họ còn trẻ tuổi”.

Theo Thanh Liêm/suckhoedoisong.vn - 30/7/2021

https://suckhoedoisong.vn/doi-tuong-nao-duoi-45-tuoi-co-nguy-co-cao-bi-covid-19-tram-trong-n198491.html