Cập nhật: 21/08/2021 07:41:00
Xem cỡ chữ

Máy rửa tay tự động không tiếp xúc có cấu tạo cực kỳ đơn giản, từ sự kết hợp “2 trong 1” các thiết bị đo thân nhiệt tự động và thiết bị phun xịt gel tự động.

Máy rửa tay tự động không tiếp xúc được mọi người ưa chuộng bởi nhỏ gọn, tiện dụng, hiệu quả khả thi. (Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN)

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Minh cùng hai “trò cưng” là Võ Duy Huân và Lê Đăng Khoa, Trường Trung học Cơ sở Huỳnh Thúc Kháng, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), vừa sáng chế ra máy rửa tay tự động không tiếp xúc, góp phần phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả trong nhà trường.

Sáng chế này đã đạt giải ba Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 6, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức vào tháng 7/2021.

Em Võ Duy Huân chia sẻ trường em hay sử dụng chai đựng dung dịch rửa tay sát khuẩn có dạng ấn xuống, khi nhiều người chạm trực tiếp vào chai dễ gây lây nhiễm chéo.

Ngoài ra, khi đo thân nhiệt, các thầy cô và học sinh đứng rất gần nhau không đảm bảo khoảng cách an toàn. Từ đó, các em đã nảy sinh ý tưởng này để giảm thiểu khả năng lây nhiễm chéo bệnh.

Cô giáo Minh cho biết khi nghe các em trình bày về ý tưởng của mình, cô thấy ý tưởng này có tính ứng dụng thực tiễn cao, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Cô giáo Minh và các học trò của mình đã lên kế hoạch, bàn bạc kỹ lưỡng và đi đến thống nhất việc sẽ cải tiến, sáng tạo để tạo ra sản phẩm khác biệt, chưa từng có.

Máy rửa tay tự động không tiếp xúc có cấu tạo cực kỳ đơn giản, từ sự kết hợp “2 trong 1” các thiết bị đo thân nhiệt tự động và thiết bị phun xịt gel tự động.

Đặc biệt, máy hoạt động nhờ hệ thống pin năng lượng mặt trời nên giúp tiết kiệm điện năng, thân thiện với môi trường.

“Trong quá trình làm, chúng em gặp không ít khó khăn, chẳng hạn như phải đặt mua máy đo cảm biến tận Thành phố Hồ Chí Minh vì tại Quảng Ngãi không có bán. Hơn nữa, do kiến thức có hạn nên phải nhờ đến sự giúp đỡ của cô giáo Minh rất nhiều. Quả thật, chúng em rất vui khi nhìn thấy 'đứa con cưng' hoàn thiện sau nhiều tháng trời mày mò, lắp đặt”- em Lê Đăng Khoa bộc bạch.

Nguyên lý hoạt động của máy cũng không phức tạp. Máy có bộ phận cảm biến khoảng cách dùng để phát hiện vật cản (bàn tay) từ 3-20 cm nên khi đưa tay vào, nó sẽ truyền tín hiệu để máy bơm chạy, phun gel rửa tay ra và một mạch tạo trễ đóng ngắt theo chu kỳ.

Đồng thời, bộ phận máy đo thân nhiệt có thể đo được nhiệt độ cơ thể trong phạm vi từ 32-43 độ C với sai số cho phép đo nhỏ (chỉ cộng, trừ 0,5 độ C); sử dụng phương pháp đo không tiếp xúc với khoảng cách từ 1-3 cm đối với đối tượng cần đo.

Khi người đo tiếp xúc gần với cảm biến nhiệt độ hồng ngoại, lập tức tín hiệu từ cảm biến nhiệt độ chuyển đến bộ vi xử lý trung tâm để xử lý, chuyển tín hiệu tương tự sang tín hiệu số, sau đó hiển thị nhiệt độ trên màn hình OLED.

Khi nhiệt độ cơ thể vượt mức 37,5 độ C, còi báo động sẽ phát ra, đèn led màu đỏ phát sáng cảnh báo đối tượng bị sốt hoặc nghi mắc COVID- 19.

Nếu nhiệt độ cơ thể bình thường, đèn led màu xanh sẽ sáng. Điểm đáng chú ý nữa là, thời gian đo chỉ trong vài giây đã cho kết quả khá chính xác.

Hiện chiếc máy đang được sử dụng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của nhà trường và được mọi người ưa chuộng vì tính gọn nhẹ, tiện dụng, hiệu quả.

Cô giáo Minh cho hay, chi phí đầu tư chế tạo máy rửa tay tự động không tiếp xúc chỉ dao động khoảng 2 triệu đồng/máy nên phù hợp để nhân rộng.

Cô giáo Minh mong muốn thời gian tới, nhà trường tạo điều kiện hỗ trợ nguồn kinh phí để chế tạo ra nhiều máy hơn nữa, nhằm đáp ứng nhu cầu của trường và một số trường học khác trên địa bàn tỉnh.

Ông Huỳnh Văn Tố, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Quảng Ngãi, đánh giá máy đo thân nhiệt hay máy sát khuẩn hiện nay có rất nhiều mẫu mã, chủng loại trên thị trường. Nhưng việc tích hợp cả đo thân nhiệt và phun xịt gel sát khuẩn trên một máy như máy rửa tay tự động không tiếp xúc của cô trò Trường Trung học Cơ sở Huỳnh Thúc Kháng là rất độc đáo và hiếm có.

Ông Tố hy vọng sáng chế này sẽ được nhiều đơn vị tài trợ, nhà sản xuất quan tâm, nghiên cứu và hướng đến sản xuất đại trà, lắp đặt tại các trường học, công sở, nơi tập trung đông người… để góp phần thiết thực vào công tác phòng, chống dịch của địa phương./.

Theo Lê Phước Vĩnh Trọng (TTXVN/Vietnam+) - Ngày 21/8/2021

https://www.vietnamplus.vn/co-tro-quang-ngai-sang-che-may-rua-tay-tu-dong-khong-tiep-xuc/735352.vnp